Tiêu đề bài viết của Phan Xuân Dũng rõ ràng hô hào quảng bá cho ý này: «Vietnam's Relations with the United States: Time For an Upgrade» («Quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ: Đã đến lúc phải nâng cấp»).
Hiện nay, kể từ năm 2013, bang giao Việt - Mỹ được coi là quan hệ đối tác toàn diện. Nhưng tiếp theo một số chính khách và nhà khoa học chính trị khác, tác giả Phan Xuân Dũng cho rằng đã đến lúc phải nâng cấp quan hệ này lên tầm đối tác chiến lược.
Việt Nam đã xác định rõ ràng hệ thống phân cấp về tính chất mối quan hệ với nước ngoài. Cấp độ cao nhất: Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Nước CHXHCN Việt Nam có quan hệ như vậy với LB Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Tiếp đến là cấp độ quan hệ đối tác chiến lược. Việt Nam thiết lập quan hệ như vậy với 17 quốc gia, trong đó gồm các nước như Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản. Cấp độ tiếp theo là quan hệ đối tác toàn diện. Ở mức độ này, Việt Nam có quan hệ với Hoa Kỳ, và Phan Xuân Dũng phàn nàn rằng Mỹ ở nhóm thấp nhất, chót bảng. Nhưng đừng quên rằng cùng trong nhóm «quan hệ đối tác toàn diện» này còn có các quốc gia khá «sừng sỏ» như Canada, Brazil, Argentina - tổng cộng 13 nước.
Nguyện vọng định tính bang giao Việt-Mỹ là «quan hệ đối tác chiến lược» đã được các chính trị gia như Hillary Clinton và Kamala Harris bày tỏ. Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội Marc Knapper tuyên bố coi việc đưa quan hệ giữa hai nước thành «đối tác chiến lược» là ưu tiên trong sứ mệnh đại diện ngoại giao của mình.
Nhưng liệu có cần làm điều đó?
Không phải là quan hệ đối tác chiến lược, mà là những bước đi chiến thuật
Ngày nay, như Phan Xuân Dũng nhận xét trong bài viết, Việt Nam và Hoa Kỳ đang hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, đồng quan điểm trong nhiều vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, như tự do hàng hải ở Biển Đông, sự ổn định của các chuỗi dây chuyền cung ứng toàn cầu, sử dụng hợp lý nguồn nước sông Mê Công, ủng hộ một «trật tự quốc tế dựa trên luật lệ».
Về khái niệm «trật tự quốc tế dựa trên luật lệ», tôi những muốn khuyên Phan Xuân Dũng không nên phân loại như vậy. Thuật ngữ «trật tự quốc tế dựa trên luật lệ» (a rules-based international order) không có bất kỳ cơ sở rõ ràng nào trong các tài liệu ở cấp độ quốc tế. Và chính giới Việt Nam chỉ sử dụng nó trong những tài liệu chung với người Mỹ và đồng minh của họ. Cụm từ như vậy không thể tìm thấy trong các tài liệu chung với đối tác Trung Quốc hoặc Nga. Do đó, việc sử dụng thuật ngữ này không đề cập đến chiến lược, mà là chiến thuật.
Từ «chiến lược» không thích hợp lắm để áp dụng cho nhiều đối tác. Bởi «chiến lược» bao hàm sự hiện diện của một số mục tiêu chung trong nhiều năm lâu dài. Chẳng hạn, các đảng cộng sản cầm quyền của Trung Quốc và Việt Nam có mục tiêu chung lâu dài là xây dựng CNXH, dẫn dắt nhân dân tới thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản.
Còn mục tiêu dài hạn của chính quyền Mỹ là gì? Có thể là chiến thắng khải hoàn của nền dân chủ tự do trên toàn thế giới? Thế mà nền dân chủ Việt Nam không hợp ý Washington. Chẳng ngẫu nhiên mà hàng năm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều chỉ trích chính quyền Việt Nam vi phạm quyền con người. Đổi lại, cộng sản Việt Nam không thích hình mẫu dân chủ kiểu Mỹ. Điều này đã được Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong bài viết «Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam»: ở các quốc gia phương Tây, các thể chế Nhà nước phục vụ giai cấp tư sản, còn ở Việt Nam – chính quyền phụng sự nhân dân.
Nhiều độc giả có thể viện dẫn thực tế rằng LB Nga cũng có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước khác. Đúng vậy, nhưng ý nghĩa là gì thì ít ai có thể nói chính xác. Và quy chế quan hệ đó hoạt động ra sao trên thực tế thì viện dẫn còn phức tạp hơn. Sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, các đối tác chiến lược của Nga, chẳng hạn như các nước Cộng hòa Trung Á, đã giữ lập trường không khác gì với lập trường của các quốc gia có liên hệ với Nga khá phù du. Vài năm về trước, nhà khoa học chính trị nổi tiếng người Nga Sergei Karaganov đã viết: «Quan hệ đối tác chiến lược là thuật ngữ khá vô nghĩa dùng để che đậy bất kỳ mối quan hệ nào khác ngoài sự thù địch công khai». Theo nghĩa này, nó không mấy khác biệt so với «toàn diện».
Vì vậy, đừng hấp tấp với việc thay đổi tên gọi cấp độ quan hệ Việt - Mỹ. Không phải vô cớ mà trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2020 ông Hà Kim Ngọc cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã nhắc rằng «không nên quá coi trọng ý nghĩa của cái mác bên ngoài thay vì chú ý đến nội dung thực chất của mối quan hệ».
Và Bắc Kinh sẽ nghĩ gì?
Thêm vào đó, việc gọi bang giao Việt-Mỹ hiện nay là quan hệ đối tác chiến lược có thể gặp đón nhận tiêu cực ở Bắc Kinh. Sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 11 năm ngoái, chiêu «xảo ngữ» như vậy của Hà Nội sẽ có vẻ đặc biệt thô thiển.
Nhân đây cần nói luôn, bản thân Phan Xuân Dũng cũng hiểu ra là ngay cả gia tăng hình thức mức độ quan hệ với Mỹ cũng sẽ là bản thông điệp gửi Bắc Kinh, rằng Hà Nội mong muốn tăng cường liên hệ với Washington. Nhưng liệu điều này có mang lại lợi ích gì chăng cho Việt Nam? Tác giả Phan Xuân Dũng cho rằng nếu không nâng lên trình độ quan hệ mới, Hoa Kỳ sẽ nhạt phai và mất đi hứng thú đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam. Nhưng khi đó điều mà Phan Xuân Dũng gợi ý cũng thực ra chỉ là giải pháp chiến thuật. Bởi trong tương lai gần Trung Quốc sẽ là nhà đầu tư chính ở khu vực Đông Nam Á.