Theo đó, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang đã phê duyệt kế hoạch thanh tra kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng năm 2023, trong đó có các dự án, gói thầu của Công ty AIC.
Bắc Ninh thanh tra 69 gói thầu, dự án liên quan Công ty AIC
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang vừa giao Thanh tra tỉnh Bắc Ninh tiến hành thanh tra hàng loạt dự án, gói thầu, trong đó có vấn đề nổi cộm liên quan đến công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Theo kế hoạch được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh sẽ thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh, Chủ tịch UBND thành phố Từ Sơn và UBND huyện Tiên Du.
Nội dung thanh tra tập trung vào việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Đồng thời, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh cũng sẽ thanh tra về việc thực hiện các quyết định, kết luận sau thanh tra, giải quyết đơn, khiếu nại, tố cáo, chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách và các nguồn thu khác, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Thời kỳ thanh tra năm 2021 – 2022.
“Thanh tra tỉnh Bắc Ninh sẽ thanh tra chuyên đề đối với các dự án, gói thầu của Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC) và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan”, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nêu rõ.
Theo đó, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh sẽ kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong thực hiện các dự án, gói thầu mua sắm, đầu tư, xây dựng, đào tạo – bồi dưỡng (tổng số 69 gói thầu, dự án) liên quan Công ty AIC.
Theo kế hoạch thanh tra được phê duyệt, dự án Bệnh viện Cuộc sống Mới (phường Tân Hồng, thành phố Từ Sơn), đơn vị chủ đầu tư, thực hiện dự án là UBND phường Tân Hồng cũng sẽ bị kiểm tra.
Thanh tra hàng loạt dự án khu đô thị, gói thầu mua sắm
Cùng với việc dò tới các hoạt động liên quan công ty AIC của nữ viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, tỉnh Bắc Ninh cũng tiến hành thanh tra nhiều dự án, gói thầu mua sắm khác.
Trong đó, cơ quan thanh tra sẽ tập trung vào về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất với ngân sách nhà nước, kết quả kinh doanh bất động sản, nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các nội dung khác có liên quan. Thời kỳ thanh tra từ khi triển khai các dự án.
Các dự án gồm: dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh tại thị xã Từ Sơn (nay là thành phố Từ Sơn), đơn vị chủ đầu tư, thực hiện dự án là Công ty Cổ phần Đệ Tam và Công ty Cổ phần kinh doanh và đầu tư Bình Dương.
Dự án khu dân cư Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, đơn vị chủ đầu tư, thực hiện dự án là Công ty Cổ phần VIGORY TTP. Dự án khu nhà ở thôn Đại Trạch (khu số 1) thuộc xã Đại Tổ, huyện Thuận Thành, đơn vị chủ đầu tư, thực hiện dự án là Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ SK.
Ngoài ra, còn có dự án xây dựng Khu đô thị và dịch vụ phía Tây thị trấn Chờ (huyện Yên Phong), đơn vị chủ đầu tư, thực hiện dự án là Công ty Cổ phần đầu tư nhà và thương mại Hưng Ngân cũng nằm trong kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh năm 2023.
Bên cạnh thanh tra chuyên đề nội dung trên, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh cũng tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách và các nguồn thu khác; mua sắm máy móc, trang thiết bị truyền hình tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Ninh trong 2 năm (2021 - 2022).
“Có trốn cũng không thoát”
Như đã biết, cùng với Việt Á, “chuyến bay giải cứu” (vụ án Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), AIC là một đại án khác được đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo phải xử lý dứt điểm và nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận trong và ngoài nước.
Như Sputnik đã thông tin, đối với vụ án AIC, có tới trên 30 bị cáo đã phải nhận các mức án tù khác nhau, từ 30 tháng tù treo đến 30 năm tù giam tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC, bệnh viện Đồng Nai và các đơn vị liên quan.
Trong đó, đau đớn nhất là việc hai lãnh đạo cao cấp của tỉnh Đồng Nai là cựu Bí thư Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch Đinh Quốc Thái đã phải nhận mức án lần lượt là 11 năm tù và 9 năm tù về tội Nhận hối lộ - tội danh đáng xấu hổ của bất kỳ quan chức nào trước đông đảo nhân dân, đồng bào và chiến sĩ cả nước.
Khi đánh giá về vụ án AIC, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội khẳng định trong bản luận tội với 36 bị cáo nêu rõ:
“Vụ án này là một minh họa điển hình cho "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích". Đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền, vì lợi ích vật chất đã thực hiện trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hàng trăm tỷ đồng”.
Thêm vào đó, tình tiết đặc biệt đã xảy ra khi có 8 bị cáo bỏ trốn, không có mặt ở tòa. Riêng bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (Tổng giám đốc công ty Thành An Hà Nội) có bản tường trình từ Mỹ gửi về và xin chịu án theo phán quyết của tòa.
Phiên toà AIC cũng rất đặc biệt, khi các bị cáo không có mặt nhưng Hội đồng xét xử (HĐXX) vẫn tiến hành xét xử bình thường, tuyên án dựa trên các lời khai, chứng cứ vật chất khác.
Cần nhấn mạnh rằng, các bị cáo tuy bỏ trốn, nhưng bản án đã được tuyên, có hiệu lực pháp luật. Đây cũng là cơ sở pháp lý để dẫn độ, khi phát hiện bị cáo lẩn trốn ở các nước có ký Hiệp định Tương trợ tư pháp với Việt Nam.
Việc xét xử với các bị cáo bỏ trốn diễn ra đúng theo tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói trước đó:
“Dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của pháp luật”.