Theo đó, Foxconn đã ký hợp đồng thuê với Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang một lô đất rộng khoảng 450.000 m2 (45 ha) nằm trong Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang, với giá khoảng 62,5 triệu USD.
Foxconn mở rộng quy mô sang Việt Nam
Theo tờ Bưu điện Nam hoa Buổi sáng (SCMP) hay AppleInsider, nhà cung cấp lớn nhất của Apple - Foxconn Technology Group (Hon Hai Precision Industry) đã thuê một địa điểm mới tại Việt Nam để mở rộng quy mô sản xuất.
Động thái mới này diễn ra khi gã khổng lồ Đài Loan đẩy mạnh nỗ lực chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đại lục sau nhiều gián đoạn đình trệ tại cơ sở sản xuất chính của Foxconn vào cuối năm ngoáiở đất nước tỷ dân.
Foxconn, doanh nghiệp niêm yết tại Đài Loan, có tên chính thức là Hon Hai Precision Industry, đã ký hợp đồng mới tại Khu công nghiệp Sài Gòn-Bắc Giang để thuê khu đất rộng 45 ha với giá khoảng 62,5 triệu USD.
“Việc thuê đất xây nhà máy là để đáp ứng “nhu cầu hoạt động và mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp”, - theo SCMP.
Địa điểm thuê của Foxconn được xác định tại Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang, phía đông Hà Nội.
Theo thoả thuận mới nhất, công ty con của Foxconn là Fulian Precision Technology Component Co. là bên đứng ra ký hợp đồng thuê đất, dự kiến kéo dài đến tháng 2 năm 2057.
Sự sụp đổ của ‘thành phố iPhone’
Như Sputnik đưa tin, trước đó, Foxconn đã ký thỏa thuận trị giá 300 triệu đô la Mỹ với một nhà phát triển Việt Nam vào tháng 8/2022 để xây dựng một nhà máy mới ở Bắc Giang.
Đây là nơi gã khổng lồ tiến hành sản xuất các sản phẩm iPad và AirPods. Báo cáo mới nhất không đề cập đến loại sản phẩm sẽ được sản xuất tại các cơ sở mới của Foxconn.
Thời gian qua, báo giới tốn không ít giấy mực bàn về nguy cơ sụp đổ của ‘thành phố iPhone’ ở Trung Quốc. Thực tế, thỏa thuận mới nhất của Foxconn tại Việt Nam diễn ra sau khi nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc, lớn nhất thế giới, vốn được mệnh danh là “thành phố iPhone”, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng rời đi của hàng chục ngàn nhân công lao động cũng như các cuộc đình công của công nhân trong bối cảnh Trung Quốc áp đặt hàng loạt biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt giữa đợt bùng phát Covid-19 bắt đầu vào cuối tháng 10 năm ngoái.
“Những thách thức do dịch bệnh Covid-19 gây nên tại Trung Quốc đã ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max. Sự đình trệ kéo dài đến gần hết tháng 12/2022”, - CEO Apple Tim Cook cho biết trong một cuộc họp hồi đầu tháng 1, đề cập đến tình trạng hỗn loạn và khó khăn tại Foxconn Trịnh Châu – ‘thành phố iPhone’.
CEO Apple chỉ ra 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Apple quý 4/2022 gồm thị giá đồng USD mạnh lên, các vấn đề sản xuất ở Trung Quốc ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max cũng như môi trường kinh tế vĩ mô tổng thể kém khả quan.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ có trụ sở tại California đã khiến thị trường ngạc nhiên khi công bố báo cáo doanh thu sụt giảm trong tháng 12, với nguyên nhân được Táo khuyết nêu ra liên quan đến sự gián đoạn nguồn cung do các biện pháp kiểm soát đại dịch của Trung Quốc (chủ yếu là các yếu tố khách quan).
Báo cáo tài chính của Apple bộc lộ mức doanh thu giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 117 tỷ USD trong quý cuối năm, mức giảm doanh thu hàng quý đầu tiên kể từ đầu năm 2019.
Thực tế, trong quý IV/2022, Apple ghi nhận mức doanh thu 117,15 tỷ USD, thấp hơn so với mức ước tính 121,10 tỷ USD của các chuyên gia, đồng thời cũng giảm 5,49% so với cùng kỳ. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong quý IV đạt mức 1,88 USD, cũng thấp hơn ước tính 1,94 USD của các chuyên gia và giảm 10,9% so với năm trước.
Doanh thu từ dòng sản phẩm chính là iPhone đạt mức 65,78 tỷ USD, không bằng ước tính 68,29 tỷ USD của các chuyên gia và giảm 8,17% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu từ Macbook và iPad lần lượt đạt mức 7,74 tỷ USD và 9,40 tỷ USD, lần lượt giảm 28,66% và tăng 29,66% so với cùng kỳ. Doanh thu từ các sản phẩm khác và doanh thu từ dịch vụ của Apple ở quý 4/2022 chỉ đạt mức 13,48 tỷ USD và 20,77 tỷ USD, lần lượt giảm 8,3% và tăng 6,4% so với năm trước. Đây là mức doanh thu quý giảm mạnh nhất kể từ năm 2016.
Trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng, Foxconn vào cuối tháng 12/2022 cũng đã hoàn tất kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất MacBook của mình sang Việt Nam, với những sản phẩm đầu tiên dự kiến sẽ xuất xưởng vào đầu tháng 5 năm nay, theo báo cáo của Nikkei Asia.
Đồng thời, Foxconn cũng có kế hoạch tăng gấp 4 lần lực lượng lao động tại nhà máy sản xuất iPhone ở Ấn Độ trong vòng hai năm, theo báo cáo của Reuters vào năm 2022. Hon Hai cũng công bố khoản đầu tư 500 triệu USD vào công ty con ở Ấn Độ vào tháng 12.
Tim Cook đã xác nhận trong báo cáo tài chính của Apple rằng, Táo khuyết có kế hoạch tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng iPhone.
“Các linh kiện sẽ đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, và công đoạn lắp ráp cuối cùng sẽ được thực hiện ở ba quốc gia trên thế giới, chỉ tính riêng iPhone. Chúng tôi sẽ tiếp tục tối ưu hóa chuỗi cung ứng trong thời gian tới”, - lãnh đạo cấp cao Apple khẳng định.