Ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất kể cả vay mua bất động sản

Tại Việt Nam, lãi suất bắt đầu giảm theo đúng chủ trương của Chính phủ và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Sputnik
Hiện cả 4 ngân hàng quốc doanh (Big 4) cùng hàng loạt ngân hàng thương mại tư nhân đã đồng loạt hạ lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng, trong đó có nhà băng áp dụng hỗ trợ cho cả vay mua bất động sản.

Lãi suất giảm

Sau thời gian tăng nóng, cuộc đua lãi suất đến nay đã hạ nhiệt. Hiện, cả 4 ngân hàng quốc doanh (Big 4) của Việt Nam đều có chương trình vay ưu đãi, giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng.
Thực tế, tuần giao dịch vừa qua, nhóm Big 4 (vốn chiếm khoảng 45% thị phần tín dụng và thị phần huy động vốn trên toàn hệ thống ngân hàng tại Việt Nam) đã cùng đồng thuận hạ lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Ngay sau cuộc họp với NHNN, Agribank là ngân hàng tiên phong giảm lãi suất đầu tiên. Hiện lãi suất huy động online kỳ hạn 6 tháng,12 tháng của Agribank lần lượt là 6,1%/năm và 7,4%/năm, ngang với lãi suất huy động tại quầy. Vietcombank cũng điều chỉnh lãi suất huy động online ở kỳ hạn 12 tháng xuống mức ngang bằng Agribank (7,4%/năm).
Việc giảm lãi suất huy động một số kỳ hạn của nhóm “anh cả” Big 4 này được giới chuyên gia đánh giá sẽ kéo mặt bằng lãi suất huy động toàn thị trường xuống, giúp các ngân hàng có điều kiện hạ chi phí vốn để giảm lãi vay cho khách hàng.
Ghi nhận thị trường cho thấy, lãi suất tiết kiệm đang hạ nhiệt ở thị trường một (dân cư và tổ chức kinh tế) giảm khoảng 1-1,5%/năm so với trước và sau Tết Quý Mão và ở cả thị trường hai (thị trường liên ngân hàng). Trong đó, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ngày 13/2 (kỳ hạn chính chiếm hơn 95% khối lượng giao dịch) đã giảm về mức 4,55%, giảm so với 4,91% vào ngày 10/2, từ mức 5,49% trong phiên trước đó và 6,21% ghi nhận vào hồi đầu tháng 2/2023.
Cùng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng cũng đồng loạt giảm. Thêm vào đó, trong nửa đầu tháng 2/2023, NHNN vẫn liên tục hút ròng gần 150.000 tỷ đồng, và bơm ra thị trường chưa tới 50.000 tỷ đồng.
Từ đầu tháng 2 đến nay, NHNN đã tăng thanh khoản cho hệ thống, room tín dụng đã mở ra với định hướng 14-15% và có động thái điều chỉnh phù hợp, lãi suất liên ngân hàng cũng hạ nhiệt. Đây là những yếu tố này hỗ trợ cho lãi suất đi xuống.

Vay mua bất động sản

Với sự tiên phong của nhóm ngân hàng quốc doanh, kỳ vọng nhiều ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay mua bất động sản.
Ngày 17/2, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc chỉ đạo nhiều giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản, Agribank tiếp tục chủ động làm việc đối với khách hàng kinh doanh bất động sản đã được cấp tín dụng và thường xuyên giám sát về tình hình, tiến độ triển khai dự án, kế hoạch bán hàng, doanh thu, dòng tiền, đánh giá khả năng trả nợ, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của khách hàng và kịp thời có giải pháp tháo gỡ cụ thể như cho vay bổ sung, cơ cấu lại thời hạn trả nợ…
Theo đó, những khách hàng có dư nợ vay bất động sản tại thời điểm từ 31/1/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế sẽ được Agribank xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất. Cụ thể khoản vay kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ. Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến ngày 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh từ ngày 31/1/2023 đến hết ngày 31/12/2024…
Agribank cho biết trong năm 2023, dự kiến ngân hàng sẽ tiếp tục dành hơn 100.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất nhập khẩu, ngành y tế, ngành giáo dục; giảm lãi suất đối với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cuối năm 2022, Agribank cũng công bố giảm tiếp 20% lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Mới nhất, ngân hàng này vừa công bố giảm tối đa 3% lãi suất cho khách vay kinh doanh bất động sản. Chương trình áp dụng cho khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm ngày 31/1/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoặc ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô.
‘Nước cờ nhanh’ của Ngân hàng Nhà nước

Ưu đãi vay vốn

Cùng với làn sóng hạ lãi suất, vừa qua, VietinBank đã công bố triển khai gói ưu đãi lãi suất SME UP có quy mô 10.000 tỷ đồng, áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa lần đầu vay vốn tại VietinBank, hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng 6 tháng qua.
Trong khi đó, Vietcombank cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm 2023. Thời gian từ 1/1/2023 đến hết 30/4/2023, áp dụng cho khách hàng cá nhân và tổ chức có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán.
Cũng áp dụng đến hết 30/04/2023, BIDV triển khai gói vay ngắn hạn với quy mô 30.000 tỷ đồng. Khách hàng tham gia gói vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc chỉ từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6-12 tháng.

Kích cầu tín dụng

Khảo sát trang điện tử chính thức của các ngân hàng, hiện lãi suất huy động niêm yết cao nhất khoảng 9,45%/ năm.
Đối với nhóm tư nhân, nhiều ngân hàng cũng bắt đầu giảm lãi suất. Nam A Bank vừa công bố huy động thành công 20 triệu USD, tương đương 471,7 tỷ đồng từ BlueOrchard - một tổ chức quản lý quỹ đầu tư tác động toàn cầu hàng đầu, nhằm mở rộng danh mục cho vay với doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Tại MB, từ ngày 10/2, ngân hàng giảm 1% lãi suất vay cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ.
Ở Sacombank cũng thông báo triển khai ưu đãi lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp trên toàn quốc. Khách hàng cá nhân vay vốn với mục đích sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm cả sản xuất nông nghiệp) hoặc tiêu dùng phục vụ đời sống, Sacombank áp dụng mức lãi suất tối thiểu chỉ từ 8,99%/năm.
Ngoài ra, Sacombank áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vốn để thanh toán hàng nhập khẩu, sản xuất hàng xuất khẩu.
Về phần mình, SeABank có gói ưu đãi 3.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm cho các khoản vay ngắn hạn phục vụ mục đích kinh doanh. Gói ưu đãi giảm lãi suất cho vay tối đa 1%, tối đa 12 tháng. Các khoản vay phục vụ sản xuất và thương mại trong các lĩnh vực như chăn nuôi, nông, lâm, ngư nghiệp sẽ được giảm 1%/năm so với lãi suất cho vay hiện hành của ngân hàng. Ngoài ra, SeABank cũng giảm 0,5%/năm cho các khoản vay kinh doanh không thuộc lĩnh vực nêu trên.
Trước đó, SeABank đã triển khai chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách Nhà nước, hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngân hàng cũng triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất lên đến 2% cho nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng xanh.
Ngân hàng Nhà nước họp khẩn chiều nay
Năm 2023, LienVietPostBank triển khai gói ưu đãi lớn nhằm tối ưu chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Tại OCB cũng dành khoảng 25.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất cho vay ngắn hạn từ 8 -12%/năm với doanh nghiệp.
Ngay từ trong năm 2022, khi một số ngân hàng thương mại nâng lãi suất huy động quá cao, NHNN đã có sự nhắc nhở. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước nỗ lực duy trì lãi suất ổn định, tiên phong.
Thảo luận