Mới đây, Ngân hàng Trung ương Lào vừa thử nghiệm CBDC bằng việc bắt tay hợp tác với một đối tác đến từ Nhật Bản - công ty Soramitsu. Theo đó, phiên bản số của đồng tiền Kip Lào có tên gọi DLaK (Digital Lao Kip).
Đáng chú ý, Soramitsu cũng là đơn vị hợp tác với Ngân hàng Quốc gia Campuchia để triển khai Bakong - đồng tiền kỹ thuật số quốc gia của nước này. Sau khoảng 2 năm triển khai, tính đến tháng 7/2022, Bakong đã có 445.000 người sử dụng với 12,7 triệu giao dịch, tổng trị giá các giao dịch đạt 7,2 tỷ USD.
Như vậy, ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia,... Lào đã tiến hành triển khai thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Theo nhận định của chuyên gia, khi quan hệ thương mại của Campuchia và Lào với Trung Quốc rộng mở, hai quốc gia này sẽ coi tỷ giá hối đoái ổn định với đồng nhân dân tệ là ưu tiên hàng đầu.
Trong khu vực, Việt Nam đã bắt tay vào nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia. Theo đó, ngày 28/10/2021, Chính phủ Việt Nam đã chính thức phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Song đến nay, chương trình thí điểm vẫn chỉ là kế hoạch.
Thời điểm này chưa phù hợp
Trao đổi về vấn đề này với Sputnik, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Việt Nam đi sau Lào, Campuchia trong việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực tài chính tiền tệ không phải là vấn đề. Với bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc triển khai đồng tiền kỹ thuật số quốc gia chưa phù hợp. Bởi NHNN Việt Nam còn nhiều việc khác cần ưu tiên.
“Tôi cho rằng, việc triển khai đồng tiền kỹ thuật số quốc gia chưa quá cấp thiết so với việc ổn định đồng tiền Việt Nam, thị trường tài chính tiền tệ trong nước, nhất là ổn định tỷ giá VNĐ/USD. Từ đó, kiểm soát lạm phát, đảm bảo cân đối vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Còn mục tiêu chuyển tiền ra - vào quốc gia không phải việc cần làm lúc này của Chính phủ Việt Nam, tránh tình trạng thao túng tiền tệ, tích trữ đầu cơ,...Bởi vậy, Việt Nam không quá vội vàng trong vấn đề này”, PGS. TS. cho hay.
Vị chuyên gia này cũng nói thêm, tiền kỹ thuật số thực tế là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, như các hình thức thực hiện giao dịch chuyển tiền bằng cách quét mã QR. Để triển khai hình thức tiền tệ mới này, Việt Nam cần công nghệ mới, con người mới và chi phí.
“Về mặt lâu dài, chắc chắn Việt Nam cần triển khai đồng tiền kỹ thuật số quốc gia, đảm bảo quá trình lưu thông tối ưu, góp phần tiết kiệm chi phí chuyển tiền kiều hối cho các công dân đang làm việc ở nước ngoài,... Theo tôi, trong 2-3 năm nữa Việt Nam có thể thử nghiệm triển khai”, ông Thịnh cho biết.
Thận trọng là cần thiết
Lợi ích đã rõ. Nhưng nguy cơ, rủi ro không phải không có. Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong phát triển tiền kỹ thuật số cũng như các ví điện tử chính là vấn đề an toàn thông tin.
Chia sẻ với Sputnik, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Việt Nam cần có phương án cụ thể, đảm bảo an toàn thông tin bảo mật khi phát triển ứng dụng tiền kỹ thuật số quốc gia cho các hoạt động thanh toán.
“Cần phải cẩn trọng, để phù hợp với trình độ phát triển, quá trình tăng trưởng đất nước. Việc triển khai này song hành với vấn đề bảo mật và các vấn đề khác có liên quan. Bởi vậy, việc triển khai cần hết sức cẩn trọng. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính tiền tệ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Việc Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tư pháp, và các bộ ngành liên quan để rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến thanh toán tại các văn bản Luật hiện hành (như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản Luật khác có liên quan) là bước đi cẩn thận, đúng đắn.
“Theo tôi, đây là việc cần thiết nhằm xây dựng quy định, thể chế rõ ràng trước khi đưa đồng tiền kỹ thuật số quốc gia vào sử dụng. Ngoài ra, người sử dụng cũng cần trang bị những kiến thức cần thiết để đảm bảo tính bảo mật cho cá nhân cũng như xã hội”, vị chuyên gia đưa ra ý kiến.
Bên cạnh đó, cần có lộ trình dài hơi và nên bắt đầu bằng thí điểm giao dịch nhỏ lẻ ở một số thành phố, qua một số ngân hàng. Từ đó, có những tổng kết, đánh giá rồi mới nhân rộng ra các lĩnh vực, địa phương khác.