VinFast nhận giấy phép khởi công xây dựng nhà máy 4 tỷ USD ở Mỹ, sẽ được ưu đãi như Tesla?

VinFast, hãng xe điện Việt Nam của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đã được cấp phép khởi công xây dựng nhà máy 4 tỷ USD tại Mỹ.
Sputnik
EO VinFast Lê Thị Thu Thuỷ tiết lộ nhà máy ở Mỹ hiện đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và đang hoàn thiện các giấy phép để có thể bắt đầu xây dựng.
Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay chính là việc xây dựng nhà máy tại Mỹ có giúp xe điện VinFast hưởng ưu đãi thuế như các nhà sản xuất tại Mỹ khác, bao gồm cả Tesla hay không.

VinFast được cấp phép khởi công xây nhà máy 4 tỷ USD tại Mỹ

VinFast hôm thứ Sáu cho biết, các cơ quan quản lý tại Bắc Carolina đã cấp cho hãng xe Việt Nam một trong những giấy phép quan trọng về môi trường mà họ cần để bắt đầu xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện trị giá 4 tỷ đô la được lên kế hoạch ở Bắc Carolina trước đó.

"VinFast, một công ty con của tập đoàn Vingroup, đang tiến tới mở rộng hoạt động tại Hoa Kỳ, nơi họ hy vọng có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô hiện có", - CNBC lưu ý.

Trong thông báo mới đây, VinFast cho biết đã được cấp giấy phép về chất lượng không khí. Hiện hãng vẫn đang tìm kiếm các giấy phép khác cho nhà máy ở quận Chatham. Trong khi chờ đợi, hãng sẽ bắt đầu tiến hành đấu thầu xây dựng.

"Giấy phép về chất lượng không khí cho phép chúng tôi khởi công xây dựng giai đoạn 1 của nhà máy. Chúng tôi sẽ sớm bắt đầu xây dựng", - đại diện Vinfast cho biết, dù không nói rõ thời gian khởi công.

Theo đại diện VinFast, nhà máy Bắc Carolina khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra hơn 7.000 việc làm ngay sau năm 2024.
Giai đoạn một của dự án bao gồm khoản đầu tư 2 tỷ USD vào một nhà máy có khả năng sản xuất 150.000 xe mỗi năm. Giai đoạn thứ hai, công ty sẽ tập trung vào sản xuất pin.
Hãng dự kiến sẽ giao lô xe đầu tiên từ Việt Nam cho khách hàng Mỹ từ cuối tháng 2 năm nay.
VinFast: Việc cắt giảm nhân sự sẽ không ảnh hưởng kế hoạch sản xuất tại Mỹ

Có được hưởng ưu đãi thuế tương tự Tesla?

Như đã biết, vào tháng 9/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát.
Đạo luật được đặt ra nhằm hỗ trợ đẩy nhanh quá trình điện hóa lĩnh vực sản xuất ô tô. Theo đó, nhà nước sẽ hỗ trợ một khoản tín dụng thuế trị giá 7.500 USD (khoảng 180 triệu VNĐ) cho ô tô điện mới và 4.000 USD (khoảng 96 triệu VNĐ) đối với ô tô điện đã qua sử dụng.
Tuy nhiên, để nhận được những khoản hỗ trợ trên từ chính phủ Mỹ, ô tô điện phải đáp ứng được 2 yêu cầu quan trọng nhất: Được sản xuất tại Bắc Mỹ, và các bộ phận trên xe chủ yếu đến từ Mỹ cũng như các đối tác thương mại của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, xe điện cần có giá không quá 80.000 USD đối với xe van, SUV, bán tải và dưới 55.000 USD đối với xe con.
Những yêu cầu này đã dẫn đến một cuộc chạy đua giảm giá xe điện tại Mỹ với 2 hãng xe đi đầu là Tesla và Ford.
Bằng cách giảm giá bán, Ford và Tesla đã tăng số lượng mẫu xe có thể được hưởng lợi từ các khoản tín dụng thuế.
Đồng thời, vào hồi đầu tháng 1 năm nay, Tesla đã thực hiện giảm giá cho các sản phẩm xe mới của mình tới 20%, qua đó giúp xe điện của Musk có giá cả phải chăng hơn với khách hàng và đáp ứng đủ điều kiện nhận các khoản tín dụng thuế liên bang.
Trong khi đó, Mustang Mach E phiên bản rẻ nhất của Ford được đưa về mức giá 45.995 USD/chiếc, giảm 900 USD. Phiên bản đắt nhất có giá 63.995 USD, giảm 5.900 USD.
Có thể thấy, lô hàng xe điện đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ của VinFast chưa nhận được ưu đãi thuế vì không đáp ứng được tiêu chí đầu tiên - lắp ráp/sản xuất tại Mỹ.
"Ngay sau khi chúng tôi bắt đầu sản xuất ô tô tại Mỹ, khách hàng của chúng tôi sẽ đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế", - CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy nói với Reuters.
Cũng theo bà Thuỷ, công ty đã nhận được khoảng 65.000 đơn đặt hàng trước từ thị trường quốc tế và 1/4 số đó đến từ Mỹ.
Thảo luận