Người phụ nữ được khao khát nhất thập niên 1970
Raquel Welch đã sắm vai trong hơn 30 bộ phim, danh tính bà khắc thành ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood. Nhưng nữ diễn viên lưu danh trong lịch sử điện ảnh Mỹ hẳn là phần nhiều nhờ thành công với vai chính trong phim "Triệu năm trước Công nguyên" ("Millions of Years B.C"), phát hành năm 1966 và được chiếu tại các rạp xi-nê trên khắp thế giới, kể cả ở Liên Xô. Bộ phim không gay cấn hay mạnh về kịch tính, nhân vật nữ chính hầu như chẳng nói gì nhiều, nhưng dáng người của cô gái khó giấu kín trong bộ bikini bằng da đã thực sự gây ấn tượng nóng bỏng với cánh khán giả nam nhi. Tạp chí Playboy mà Raquel Welch sau này làm mẫu bìa đã vinh danh minh tinh ảnh hậu là "người phụ nữ được khao khát nhất thập niên 1970". Tuy nhiên, công bằng mà nói, cần lưu ý rằng Raquel Welch chưa bao giờ khỏa thân hoàn toàn, thậm chí trong một số vai diễn, nữ nghệ sĩ vận trang phục nghiêm cẩn hoá thành người phụ nữ Mỹ bảo thủ điển hình.
Nữ diễn viên người Mỹ Raquel Welch tạo dáng cho các nhiếp ảnh gia trong studio, 1968, Hoa Kỳ
© AP Photo
Người đẹp cổ vũ tinh thần binh sĩ Thủy quân lục chiến
Tháng 12 năm 1967, Raquel Welch đến miền Nam Việt Nam, nơi quân đội Hoa Kỳ đang cố gắng áp đặt "nền dân chủ Mỹ" ràng buộc người dân Việt và bảo vệ đám tay sai của họ ở Sài Gòn trước sức mạnh bão táp của đại chúng nổi dậy chống xâm lược. Để nâng cao tinh thần số binh lính của mình ở nước ngoài, bắt đầu từ năm 1941 nước Mỹ đã phái đến các nước đó những nhân vật văn hóa, không phải lúc nào cũng là sáng chói hàng đầu nhưng đều nổi tiếng - ca sĩ, diễn viên điện ảnh, người đẹp đoạt danh hiệu "Hoa hậu Mỹ" hoặc vận động viên nhiều người hâm mộ. Dành cho công việc vốn là một bộ phận của chiến tranh tâm lý này, thậm chí người ta đã tạo ra cả một tổ chức tốn kém và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, đó là Tổ chức Dịch vụ Thống nhất (United Service Organisations, viết tắt là USO). Tổ chức này đã xuất hiện ở Việt Nam ngay cả trước khi đội ngũ quân nhân chủ lực của Hoa Kỳ đến miền Nam Việt Nam - vào tháng 4 năm 1963, USO đã khai trương Câu lạc bộ dành cho lính Mỹ ở Sài Gòn. Trong những năm chiến tranh, các nghệ sĩ theo đường dây này đến miền Nam Việt Nam đã biểu diễn tới 5.000 buổi. Một số cuộc biểu diễn này có sự góp mặt của Raquel Welch.
Nữ diễn viên người Mỹ Raquel Welsh tại Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam năm 1967
© AP Photo
Đó là những buổi biểu diễn tổ chức trước thềm lễ Giáng sinh Công giáo tháng 12 năm 1967. Raquel Welch đã giao lưu với các binh sĩ thủy quân lục chiến ở Đà Nẵng và phi công Mỹ đóng tại căn cứ Korat (Cò Rạt - Nakhon Ratchasima, Thái Lan). Không khó để hình dung rằng «quả bom sex» của điện ảnh Mỹ có thể hớp hồn các khán giả nam lính tráng bằng những gì. Raquel Welch hát không hay, những bản phác thảo không quá thành công, nhưng nàng diễn viên Mỹ quả thật rất gợi tình! Ngoài ra, ban chỉ huy và nhà tổ chức sự kiện đã lệnh cho các nữ diễn viên cần «trình diễn trong trang phục váy ngắn, tuyệt đối không mặc quần dài!». Hàng nghìn khán giả háo hức chiêm ngưỡng những đường cong mê hồn trên cơ thể Raquel Welch. Một số chàng lính Thủy quân lục chiến thậm chí còn may mắn được lên sân khấu và nhảy điệu twist với ngôi sao điện ảnh.
Trong vài phút, những người lính lãng quên rằng cuộc chiến tàn khốc đang diễn ra ngay gần đó.
Một trong những cựu chiến binh Mỹ tham gia Chiến tranh Việt Nam sau này nhớ lại những buổi hòa nhạc này: "Chúng tôi có cảm giác như đang ở nhà, cho đến khi nhìn thấy ba chiếc trực thăng Chinook cất cánh và thế là cho rằng giấc mơ của chúng tôi cũng đã cất cánh biến đi cùng với chúng".
Đúng vậy, Raquel Welch và các nghệ sĩ khác bay đi, rồi qua vài tháng sau, nhiều khán giả tại những buổi hòa nhạc đó cũng bắt đầu hồi hương, chỉ là trong những chiếc quan tài kẽm câm lặng – bởi cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 là đòn nặng giáng vào bọn xâm lược. Phong trào phản chiến mạnh mẽ đã nảy sinh và phát triển rầm rộ ở chính trong lòng nước Mỹ.
Nữ diễn viên Mỹ Raquel Welch với các thương binh tại Việt Nam, 1967
© AP Photo
Có chi tiết sau đây thu hút sự chú ý: trong bản Cáo phó về Raquel Welch, đăng tải trên các phương tiện truyền thông hàng đầu của nước Mỹ, liệt kê đầy đủ tất cả những vai diễn của nữ nghệ sĩ trong cuộc đời hoạt động điện ảnh và sân khấu, tôn vinh bà từng được trao giải thưởng Quả cầu vàng sáng giá, nhắc đến những người chồng (nữ diễn viên đã kết hôn bốn lần) và con cái (con gái và con trai), nhưng không có một từ nào nói về «trang Việt Nam» trong tiểu sử của Raquel Welch. Rõ ràng, ngày nay ở Hoa Kỳ có những người thấy hổ thẹn vì đã ủng hộ chính sách hiếu chiến của các đời Tổng thống Johnson và Nixon trong quan hệ với Việt Nam, và dân Mỹ hôm nay cho rằng những sự việc như vậy chỉ bôi nhọ tiểu sử mà thôi.