Con trai bà Phương Hằng nghi ông Huỳnh Uy Dũng âm mưu chiếm tài sản

Mới đây, ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai ruột bà Nguyễn Phương Hằng) đã có đơn gửi Công an TP.HCM, trong đó bày tỏ phản đối giám định tâm thần cho mẹ mình.
Sputnik
ÔngTuấn cho rằng, bằng cách yêu cầu giám định tâm thần đối với bà Nguyễn Phương Hằng, ông Huỳnh Uy Dũng (đại gia Dũng lò vôi) đang cố ý làm trái và mong muốn chiếm giữ tài sản của bà Phương Hằng.

Con trai bà Phương Hằng phản đối giám định tâm thần cho mẹ

Ngày 21/2, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết đã nhận được đơn đề nghị và đơn xin cứu xét của ông Nguyễn Quang Tuấn, con trai bà Phương Hằng.
Trong đơn, ông Tuấn cho biết, từ khi bà Nguyễn Phương Hằng bị tạm giam đến nay, ông Huỳnh Uy Dũng và luật sư Danh Tín đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu trưng cầu giám định tâm thần đối với mẹ ông, lấy lý do đây là tình tiết để bảo lãnh và giảm nhẹ cho bà Phương Hằng.
"Tôi không đồng ý với yêu cầu của ông Huỳnh Uy Dũng hay của luật sư Danh Tín về việc trưng cầu giám định tâm thần đối với mẹ tôi", - ông Tuấn nêu rõ.
PC01 mở rộng điều tra vụ án bà Nguyễn Phương Hằng
Con trai bà chủ Đại Nam khẳng định, ông biết rõ sức khỏe tinh thần của bà Hằng hoàn toàn bình thường.
Theo ông Tuấn, trước khi bị bắt, bà Hằng có uống thuốc để điều trị bệnh cao huyết áp, bệnh rối loạn lipid, u xơ tử cung và rối loạn lo âu.
Trong đó, rối loạn lo âu là một trong những bệnh lý về thần kinh nhưng không phải là bệnh lý làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây ảnh hưởng đến năng lực chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi livestream của bà.
Việc uống thuốc điều trị rối loạn lo âu theo toa của bác sĩ không phải căn cứ để giám định tình trạng tâm thần đối với bà Hằng, mà cần phải đánh giá qua quá trình bà Hằng làm việc với cơ quan điều tra qua các buổi hỏi cung, xem có được tỉnh táo, bình thường hay không.

Nghi ngờ ông Dũng lò vôi muốn chiếm tài sản

Ông Tuấn nhấn mạnh, hậu quả của việc giám định tâm thần không chỉ dùng để đánh giá có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay không, mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề khác về quan hệ pháp luật, bao gồm vấn đề hôn nhân gia đình, quan hệ pháp luật dân sự về quyền sở hữu tài sản, quản lý phần vốn góp trong các doanh nghiệp quy định trong pháp luật về kinh doanh.
"Vì vậy, tôi nghi ngờ việc yêu cầu giám định tâm thần đối với mẹ tôi (có lẽ) không phải nhằm bảo lãnh và thu thập tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mẹ, mà có thể nhằm thực hiện âm mưu muốn kiểm soát, định đoạt toàn bộ đối với quyền tài sản, quyền quản lý phần vốn góp trong các doanh nghiệp của mẹ tôi”, - ông Tuấn viết trong đơn.
Theo ông, nếu giám định tâm thần, sẽ rất bất lợi cho bà Hằng vì hiện tại bà đang bị tạm giam, bị cách ly không được liên lạc với người thân, không được quyền kiểm soát đối với tài sản, vốn góp doanh nghiệp của mình.
Con trai bà Hằng còn nêu ra hàng loạt lý do khác, trong đó cho rằng ông Dũng đang cố ý làm trái và chiếm giữ tài sản của bà Hằng.
Bộ TT-TT: Bổ sung quy định xử lý hình thức livestream sau vụ bà Phương Hằng
Ông Tuấn cũng dẫn chứng, hồ sơ khám chữa bệnh tâm thần rất có thể bị làm giả như trường hợp hồ sơ giả bị phát hiện cách đây vài năm tại Bệnh viện Tâm thần trung ương.
“Tôi được biết thông tin ông Huỳnh Uy Dũng lại lấy lý do để bảo lãnh và muốn giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mẹ tôi để tiếp tục yêu cầu giám định tâm thần đối với mẹ tôi. Để không phát sinh những hậu quả phức tạp về vấn đề tài sản, quan hệ hôn nhân gia đình đối với mẹ tôi, tôi trình bày ý kiến đề nghị không chấp nhận bất cứ yêu cầu của ai về việc giám định tâm thần đối với mẹ tôi là bị can Nguyễn Phương Hằng”, - ông Tuấn nêu quan điểm.
Trước đó, tháng 10/2022, ông Nguyễn Quang Tuấn cũng đã có đơn gửi các cơ quan chức năng xin giảm nhẹ hình phạt cho bà Nguyễn Phương Hằng, với lý do bị can có nhiều hoạt động thiện nguyện, đóng góp cho xã hội, nhất là trong đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, ông Tuấn còn gửi đơn tới Công an TP.HCM và Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM xin đặt 10 tỷ đồng để bão lãnh tại ngoại cho mẹ.

Vụ án bà Nguyễn Phương Hằng

Hồ sơ vụ án bà Nguyễn Phương Hằng ghi nhận, khoảng tháng 3/2021, bằng cách sử dụng hơn 10 tài khoản mạng xã hội YouTube, Facebook và TikTok, bà Nguyễn Phương Hằng đã thực hiện các buổi livestream nói về nhiều chủ đề, nội dung khác nhau, thu hút rất nhiều người xem, chia sẻ, bình luận.
Trong các buổi livestream, bà Hằng đưa ra những phát ngôn liên quan về đời tư, gây ảnh hưởng uy tín, danh dự một số người như ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh).
Cũng trong thời gian này, bà Phương Hằng còn đưa lên mạng xã hội một số nội dung xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo Đức Hiển), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni), bà Đinh Thị Lan, bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên)...
Công an Bình Dương có kiến nghị với Bộ Công an vụ bà Nguyễn Phương Hằng
Ngày 24/3/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng để điều tra về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Làm việc với cơ quan chức năng, bị can Nguyễn Phương Hằng thừa nhận các thông tin mà bà phát ngôn về các cá nhân này là do bà đọc trên internet, đọc báo và nằm mơ chứ chưa được kiểm chứng và cũng không có căn cứ chứng minh.
Ngày 30/1, Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP.HCM đề nghị truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, ngụ TP.HCM, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, Bình Dương), Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của bị can Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty Cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Cổ phần Đại Nam) về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Thảo luận