Suốt gần 3 tiếng đồng hồ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiên trì lắng nghe các ý kiến góp ý của doanh nghiệp nước ngoài và nhiều lần đề nghị các sở, ngành rút ngắn hơn nữa thời gian cấp các loại giấy phép cho doanh nghiệp. Đó là tinh thần cầu thị đáng quý của lãnh đạo thành phố.
Sáng 22/2, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm với Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài. Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM tham dự và chủ trì sự kiện
Doanh nghiệp EU chê thủ tục hành chính của TP.HCM
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đại diện EuroCham nêu ý kiến, để cải thiện môi trường cạnh tranh, TP.HCM cần tháo gỡ các bất cập như chế độ visa dài hạn hơn cho người nước ngoài làm việc lâu năm ở thành phố.
Bên cạnh đó, tháo gỡ bớt các thủ tục hành chính trong gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài.
"Rất nhiều chuyên gia nước ngoài gặp khó khăn trong việc xin giấy phép lao động ở TP.HCM do nhiều quy trình phức tạp", - ông Alain Cany, Chủ tịch Eurocham thẳng thắn.
EuroCham cũng đề xuất địa phương tăng cường, cải thiện các dịch vụ văn bản số, đăng ký số, chữ ký số…, từ đó tiến tới bỏ hẳn thủ tục giấy tờ bảng cứng để tăng hiệu suất quản lý, giảm thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, đại diện EuroCham cũng đề xuất TP.HCM hỗ trợ chuỗi cung ứng và sản xuất giá trị cao, nghiên cứu ban hành chính sách thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng đầu tư;
Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông liên kết vùng, nhất là hành lang chuỗi cung ứng từ Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, giảm ùn tắc giao thông ở khu vực sân bay, cảng biển…
Tại cuộc làm việc, ông Seek Yee-chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore nêu vấn đề về việc cấp giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực cho thuê trang thiết bị mất nhiều thời gian vì cần giấy phép từ Sở Công Thương và phải xin ý kiến Bộ Công Thương, có lúc doanh nghiệp phải chờ tới 6-9 tháng để nhận được giấy phép.
Đơn giản hoá thủ tục hành chính
Thông tin tại buổi toạ đàm, với vấn đề cấp giấy phép lao động, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Thành phố Nguyễn Văn Lâm cho hay, hiện tất cả quy trình được thực hiện theo Nghị định 152 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Về vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính, theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố, ông Lâm cho biết, Sở đã thực hiện rút ngắn thời gian cấp giấy phép lao động từ 14 ngày xuống còn 7 ngày; trong trường hợp cấp bách thì có thể cấp ngay trong ngày.
Bàn về vấn đề này, ngay tại tọa đàm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đề nghị Sở LĐTB&XH rút ngắn hơn thời gian cấp giấy phép lao động xuống tối đa còn 3 ngày và tăng cường số hồ sơ giải quyết trong ngày bằng hồ sơ điện tử.
Tọa đàm giữa lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và doanh nghiệp nước ngoài
© TTXVN - Nguyễn Xuân Khu
Ông Mãi cho biết, thành phố phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ vận hành cơ bản hoạt động của hệ thống chính quyền trên nền tảng số. Hiện Thành phố đang phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung, rà soát để định dạng lại hệ thống mô hình, từ đó phát triển hạ tầng chuyển đổi số của chính quyền.
Về việc doanh nghiệp phản ánh vấn đề cấp giấy phép kinh doanh lĩnh vực cho thuê trang thiết bị, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú cho hay, theo thủ tục hành chính thì Sở Công Thương có 10 ngày để thẩm định hồ sơ và phải lấy ý kiến của Bộ Công Thương.
Trong vòng 15 ngày, Bộ phải có câu trả lời nhưng theo phản ánh thì có hồ sơ chậm đến 9 tháng. Sở đã có văn bản báo cáo Bộ để rà soát và Bộ đang làm việc với các cơ quan liên quan để thúc đẩy nhanh việc này.
Đối với vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đề nghị Sở Công Thương rút ngắn thêm thời gian thẩm định, đồng thời khẩn trương báo cáo xin ý kiến bộ, ngành. Nếu quá thời gian cho phép mà cơ quan Trung ương chưa có câu trả lời thì Thành phố sẽ tự quyết định theo thẩm quyền.
Muốn cấm xe máy, TP.HCM phải phát triển giao thông công cộng
Cũng tại toạ đàm, đại diện các doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ băn khoăn về hạ tầng giao thông ở thành phố Hồ Chí Minh.
Phía các doanh nghiệp EU, chủ tịch Alain Cany cho rằng, tình trạng tắc đường có thể cản trở hoạt động sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hoạt động du lịch.
"Thành phố có kế hoạch cấm xe máy vào năm 2023 nhưng muốn như vậy thì Thành phố phải phát triển giao thông công cộng", - ông Cany nói.
Đồng thời, theo ông, xe điện cũng là một hướng đi tốt, vừa bảo vệ môi trường nhưng cần phát triển mạng lưới trạm sạc điện hoặc có chính sách miễn phí cầu đường dành cho người đi xe điện.
Ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham kiến nghị, thành phố cần có giải pháp đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Các kế hoạch đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông cần được triển khai và đẩy nhanh như một phần của hành lang chuỗi cung ứng tổng thể miền Nam, thúc đẩy kết nối các khu kinh tế.
Xuyên suốt từ Bình Dương và Đồng Nai ở phía Bắc đến Bà Rịa Vũng Tàu ở phía Nam, các khu công nghiệp cần phải được tiếp cận dễ dàng, thông qua các đường cao tốc không ùn tắc, đến Sân bay Long Thành mới, cảng Cát Lái và cảng biển Trung tâm Logistics Cái Mép. Điều này là rất cần thiết để giảm bớt sự ùn tắc của TP.HCM và tạo cơ hội để tăng sản lượng công nghiệp trên khắp miền Nam.
Về vấn đề liên kết vùng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang tăng cường mở rộng kết nối liên kết vùng. Dự kiến, đến năm 2030, việc kết nối này sẽ hoàn thành.
Riêng đối với sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố đang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tham gia cải thiện hạ tầng ở khu vực sân bay.
"Sau khi đẩy mạnh xây dựng nhà ga T3 sẽ có thể cải thiện các chuỗi hoạt động ở đây, nhất là tiếp cận bên ngoài vào và ra sân bay Tân Sơn Nhất. Thành phố đã có kế hoạch làm việc với Bộ Giao thông Vận tải trong quý I này, với hy vọng quy trình tiếp tục cải thiện để có thể hoàn thiện xây dựng nhà ga vào cuối năm 2024", - ông Mãi nói.
Giám đốc Sở GTVT Thành phố Trần Quang Lâm cho biết, từ cách đây 15 năm, TP.HCM đã có chương trình đột phát để phát triển hạ tầng, trong đó xây dựng 2 đề án để triển khai song song là Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và Đề án phát triển giao thông công cộng, từng bước hạn chế xe cơ giới cá nhân.
Với giao thông nội đô, thành phố đã tổ chức các giải pháp để tối ưu hóa giao thông. Hiện nay TP.HCM là một trong những nơi đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin, có các trung tâm điều hành giao thông thông minh, theo đó điều khiển giao thông theo thời gian và đặt kịch bản theo giờ.
"Từ nay đến năm 2024, Thành phố sẽ đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Metro số 1; trước năm 2030 sẽ đưa vào khai thác tuyến Metro số 2; đồng thời cải thiện tình hình tại các nút giao, phát triển giao thông công cộng và xe đạp cùng với các tuyến xe buýt nhỏ gần bến Metro số 1", - Giám đốc Sở GTVT Thành phố Trần Quang Lâm cho biết.
Để TP.HCM sạch hơn
Doanh nghiệp nước ngoài còn góp ý về thực trạng vệ sinh môi trường, rác thải, chăm sóc sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi khẳng định, thành phố đang rà soát lại để đưa vào quy hoạch chung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững và giá trị gia tăng lớn. Còn các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai, ô nhiễm môi trường thì sẽ bị hạn chế.
Về vấn đề chăm sóc sức khỏe, ông Mãi mong muốn ngoài hạ tầng hiện có, các doanh nghiệp có thể quan tâm đầu tư trên lĩnh vực này.
"TP.HCM sẽ có cơ chế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài về đất đai, về nhân lực để phát triển các trung tâm ứng dụng kỹ thuật cao về tầm soát và điều trị bệnh", - ông Mãi bày tỏ.
Về xử lý rác thải, theo Chủ tịch UBND Thành phố, TPHCM đã thống nhất từ đây về sau sẽ không cấp phép cho việc xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp mà sẽ áp dụng các biện pháp tiên tiến như đốt rác phát điện.
"Thành phố cũng đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho các nhà máy xử lý nước thải, quan tâm đến việc tái sử dụng theo hướng phát triển bền vững", - lãnh đạo thành phố thông tin.