Vào ngày 24 tháng 2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đăng một tuyên bố gồm 12 điểm về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraina. Trong đó các điểm chính là: cần phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, nối lại đối thoại trực tiếp giữa Moskva và Kiev, kêu gọi ngăn chặn leo thang hơn nữa.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Sejong, ông Chung Jae-heung, nói với Sputnik rằng Bắc Kinh đang cố gắng truyền đạt tới các nhà lãnh đạo phương Tây việc cần thiết giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt "trên cơ sở và trong khuôn khổ chung của kế hoạch giải quyết xung đột của Nga" vì CHND Trung Hoa coi việc tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga là gánh nặng cho chính họ.
"Lập trường của Zelensky và chính quyền Ukraina rất cứng rắn. Tại Hoa Kỳ và một số quốc gia châu Âu, nhiều người cũng nói rằng cần phải chiến đấu đến khi thắng lợi. Vì những nước này không lắng nghe lời nói từ phía Nga, vì thế Trung Quốc quyết định, lấy lập trường của Nga làm cơ sở, đưa ra kế hoạch của riêng mình để giải quyết vấn đề và ký kết một thỏa thuận hòa bình. Nhưng theo tôi cuộc xung đột này không thể kết thúc nhanh được. Trung Quốc kêu gọi đàm phán không có nghĩa rằng các bên bắt buộc phải làm điều này. Khả năng hơn là, Trung Quốc với tư cách là một cường quốc toàn cầu, cần phải có lập trường riêng của mình đối với tất cả các vấn đề trọng tâm ở mọi khu vực — dù đó là vấn đề Ukraina, vấn đề Triều Tiên hay vấn đề hạt nhân của Iran. Đây đều là những vấn đề rất phức tạp, gắn liền với địa chính trị và chiến lược, không thể giải quyết một cách đơn giản. Việc Bắc Kinh tuyên bố lập trường của mình không có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ làm theo. Thế nên theo tôi đây chỉ là một tuyên bố ngoại giao của Bắc Kinh", - chuyên gia giải thích.
Mặt khác, giáo sư Pak Chung-chul của Đại học Gyeongsang tin rằng việc Trung Quốc công bố lập trường của mình đối với Ukraina sẽ không dẫn đến bất kỳ hành động tích cực nào, vì nhìn chung, xung đột Ukraina có lợi cho Bắc Kinh.
“Các đồng nghiệp Trung Quốc trước đó đã nói với tôi rằng, sau khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraina, mức độ áp lực của Mỹ đặt lên Trung Quốc đã giảm 50%. Điều này có thể mang lại cho ngành ngoại giao của Trung Quốc một khoảng thời gian nghỉ ngơi trong vài năm tới. Do đó, lời kêu gọi của Trung Quốc sớm nối lại các cuộc đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraina chỉ là nhắc lại lập trường thường khi của họ, và sẽ không có hành động nào tiếp theo, vì chiến tranh càng sớm kết thúc, Hoa Kỳ càng sớm chuyển sang mục tiêu tiếp theo — và đó chính là Trung Quốc. Đây không phải là cách nhìn nhận của tôi mà là của các nhà khoa học Trung Quốc mà tôi có dịp tiếp xúc", - chuyên gia này nói.
Vị giáo sư này cũng lưu ý rằng, Trung Quốc hiện đang "mua dầu của Nga với giá rất rẻ" và nước này được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong năm nay.