Theo cáo trạng, sau khi nắm được thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cử đoàn công tác xuất ngoại xúc tiến thương mại, Lê Lâm Tới tìm mối quan hệ rồi cùng hàng loạt giám đốc doanh nghiệp tổ chức cho nhiều người trốn ra qua châu Âu.
Đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép
Trong hai ngày 27 và 28/2, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Theo đó, các bị cáo trong vụ án gồm: Lê Lâm Tới (sinh năm 1978, ở huyện Thanh Trì), Vũ Nam Phương (sinh năm 1972, Giám đốc Công ty CP thương mại Hoàng Phúc), Đào Trọng Quang (sinh năm 1972, Giám đốc Công ty CP đầu tư XD và TM Minh Quang Phát) và Hoàng Trung Yên (sinh năm 1975, Giám đốc Công ty CP phát triển hạ tầng 168).
Hồ sơ vụ án ghi nhận, vào cuối tháng 4/2019, Đồn Công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) tiếp nhận 1 công dân bị Pháp trục xuất về nước trên chuyến bay số hiệu AF 258 vì hành vi nhập cảnh trái phép.
Vào cuộc điều tra, công an phát hiện ra đường dây chuyên tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép.
Theo đó, cuối năm 2015, trong quá trình đi phỏng vấn làm thủ tục xin visa xuất cảnh sang Tây Ban Nha lao động, chồng Nguyễn Thị Lan là Phạm Văn Quyết (sinh năm 1980, ở Hà Tĩnh) có quen biết Lê Lâm Tới với tư cách là người có thể làm thủ tục giúp công dân có nhu cầu xuất cảnh sang châu Âu lao động.
Từ mối quan hệ này, hai bên thỏa thuận, Lan là đầu mối thu tiền và hồ sơ của công dân có nhu cầu sang châu Âu lao động, còn Tới sẽ là người trực tiếp nhận hồ sơ hoặc thông qua Lan nhận hồ sơ của khách có nhu cầu đi nước ngoài với chi phí 20.000 USD – 21.000 USD/người.
Sau đó, Tới làm khống hồ sơ cho khách đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội hoặc làm trong các công ty, doanh nghiệp… có nhu cầu sang nước ngoài để công tác, học tập, tìm hiểu thị trường rồi trốn ở lại.
Từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2019, Tới đã tổ chức cho 17 người trốn ra nước ngoài, thu lời bất chính 79.400 USD.
Trong đó, Lan đã chuyển cho Tới 7 trường hợp. Do nhận thấy hồ sơ của họ không đủ điều kiện để nhập cảnh, Tới liền tìm cách khác để đi.
Chẳng hạn như trường hợp chị Trần Thị C.. Chị này được người của Tới hướng dẫn làm hồ sơ xin visa tại Đại sứ quán Phần Lan với chức danh Phó phòng Quản lý chất lượng nông nghiệp thuộc Liên minh hợp tác xã Thái Nguyên.
Ngày 28/10/2018, chị C. xuất cảnh sang Tây Ban Nha. Tuy nhiên, vì không có công việc ổn định, năm 2019, chị đi tàu hỏa sang Pháp nhưng cả 3 lần nhập cảnh sang Anh đều bị cảnh sát Pháp bắt giữ. Đến ngày 25/4/2019, chị C. bị trục xuất về Việt Nam.
"Trốn" theo đoàn công tác Bộ NN&PTNT
Đáng chú ý, nhà chức trách đã làm rõ hành vi của Tới về việc đưa người trốn đi nước ngoài trong đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT).
Theo đó, thông qua các mối quan hệ xã hội, Tới biết được 7 trường hợp có nhu cầu đi lao động, làm việc tại các nước châu Âu.
Tháng 7/2019, Bộ NN&PTNT có kế hoạch tổ chức Diễn đàn Xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Thủ đô Warszawa (Ba Lan) từ ngày 10-16/9/2019.
Để tham gia, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện là có hoạt động kinh doanh lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại.
Nắm bắt thời cơ, Tới nảy sinh ý định đưa người đi cùng đoàn để họ trốn ra nước ngoài.
Theo đó, Tới đến gặp Vũ Nam Phương (Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Hoàng Phúc) đặt vấn đề và nhờ Phương xác nhận cho những người trên làm trong các công ty.
Đổi lại, Tới cho biết Phương sẽ được đi du lịch các nước châu Âu miễn phí, được thuê gian hàng trong quá trình diễn ra hội chợ tại Ba Lan và hưởng lợi từ việc đặt vé máy bay.
Nhằm tránh sự chú ý, Phương liên hệ thêm một số giám đốc công ty khác, trong đó có Quang và Yên để ký xác nhận cho người của Tiến.
Sau khi thoả thuận được với Phương, Tới chuẩn bị hồ sơ gồm hợp đồng lao động, bảng lương, quyết định bổ nhiệm chức vụ, quyết định cử đi công tác để Phương, Quang và Yên ký xác nhận. Tiếp đến, Tới đăng ký danh sách 11 người đi cùng đoàn của Bộ NN&PTNT.
Qua xác minh thông tin tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), cơ quan chức năng phát hiện có 7 cá nhân đi cùng Đoàn công tác nhưng không quay về Việt Nam.
Lấy lời khai thân nhân của những cá nhân này, nhà chức trách xác định họ không có mặt tại địa phương, hiện đang lao động tại các nước ở châu Âu.
Làm việc với công an, Tới thừa nhận đã thu từ 15.000-17.000 USD/người. Trừ chi phí mua vé, tiền ăn ở, thuê gian hàng hội chợ…, Tới hưởng lợi 68.000 USD. Trong khi đó, Phương khai nhận thu lời từ việc đặt vé máy bay khoảng 20 triệu đồng.
Riêng Nguyễn Thị Lan hiện đã bỏ trốn khỏi địa phương nên cơ quan Công an tách vụ án để điều tra, xử lý sau.
Sau 2 ngày xét xử, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Tới 6 năm tù; Phương 5 năm; Quang và Yên cùng nhận án 2 năm tù.
Ngoài ra, vụ án này còn liên quan đến 2 giám đốc doanh nghiệp khác cũng ký xác nhận cho người của Tới. Tuy nhiên, do họ đã xuất cảnh khỏi Việt Nam nên công an chưa thu thập được lời khai. Hiện cơ quan điều tra đã ra quyết định rút tài liệu, xem xét xử lý sau với các trường hợp này.
Kết quả điều tra xác định, bị can Lê Lâm Tới đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót tại Bộ NN&PTNT trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, làm thủ tục cho các doanh nghiệp sang Ba Lan tham dự hội nghị xúc tiến thương mại để làm khống hồ sơ dưới danh nghĩa các doanh nghiệp đi cùng đoàn để trốn ra nước ngoài.
Phía công an đã có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu ban hành quy trình, trình tự, thủ tục trong việc tổ chức các sự kiện ở nước ngoài để tránh tình trạng khách trốn đi nước ngoài; đồng thời thanh tra làm rõ trách nhiệm một số cá nhân (nếu có) tại Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, nhằm đưa ra phương án xử lý.