Xoay quanh chủ đề ai sẽ làm Chủ tịch nước: Hiện chỉ có đồn đoán vô căn cứ

Mọi thông tin về việc bầu Chủ tịch nước Việt Nam vào đầu tháng 3, trong khi Ban Chấp hành Trung ương chưa có nghị quyết giới thiệu và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có thông báo tổ chức phiên họp bất thường đều là tin đồn không có căn cứ.
Sputnik
Trong những ngày gần đây, báo chí phương Tây cùng làm nóng lên chủ đề, ai sẽ là Chủ tịch nước tiếp theo của Việt Nam, thậm chí còn chỉ đích danh ông Võ Văn Thưởng (cháu ngoại của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) là người phù hợp. Hiện nay, ông Võ văn Thưởng là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV. Các nguồn trên còn đưa tin rằng, Quốc hội Việt Nam sẽ họp khẩn trong tuần này để giải quyết vấn đề nhân sự quan trọng này.
Thực hư như thế nào?
Sputnik đã có cuộc phỏng vấn nhanh Đại tá công an Nguyễn Minh Tâm, nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư liệu khoa giáo, Học viện An ninh Nhân dân. Cuộc phỏng vấn xoay quanh đề tài đang nóng này.

Khi Ban Chấp hành Trung ương chưa họp thì mọi chuyện đều chỉ là đồn đoán

Sputnik: Theo các nguồn tin của phương Tây, trước hết là của Reuters và của RFA, Quốc hội Việt Nam tuần này sẽ họp bất thường để bầu Chủ tịch nước. Ông có bình luận gì về thông tin này?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư liệu khoa giáo, Học viện An ninh Nhân dân:
Thứ nhất, theo Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thì “Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương), Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội”. Do đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (thường kỳ hoặc bất thường) sẽ giới thiệu nhân sự bầu chức danh Chủ tịch nước. Khi Ban Chấp hành Trung ương chưa họp về vấn đề nói trên thì mọi chuyện đều chỉ là đồn đoán.
Liệu việc miễn nhiệm Chủ tịch nước có ảnh hưởng đến quan hệ của Việt Nam với các đối tác?
Thứ hai, theo Hiến pháp Việt Nam 2013, chỉ có Quốc hội mới có đầy đủ thẩm quyền và là thẩm quyến duy nhất bầu chức danh Chủ tịch nước. Còn kỳ họp thường kỳ của Quốc hội Việt Nam sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 năm 2023 theo Luật Tổ chức Quốc hội. Vì vậy, mọi thông tin về việc bầu Chủ tịch nước Việt Nam vào đầu tháng 3 tới đây trong khi Ban Chấp hành Trung ương chưa có nghị quyết giới thiệu và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có thông báo tổ chức phiên họp bất thường đều là tin đồn không có căn cứ.

Phỏng đoán không có căn cứ

Sputnik: Các nguồn tin nói trên cũng đưa ra thông tin rằng, ông Võ Văn Thưởng là người phù hợp để thay ông Nguyễn Xuân Phúc và trở thành một trong 4 tứ trụ quyền lực của Việt Nam. Ông có đánh giá như thế nào về nhân vật này?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư liệu khoa giáo, Học viện An ninh Nhân dân:
Cũng theo Quy định 80 thì một chức danh cần có quy hoạch tối thiểu là 2 nhân sự, thậm chí là 3 nhân sự hoặc nhiều hơn. Ngược lại, 1 nhân sự có thể được quy hoạch ở ít nhất 2 chức danh hoặc 3 chức danh khác nhau. Vì vậy, việc đồn đoán rằng ông nọ, bà kia sẽ được giữ chức vụ này, chức vụ khác đều là các phỏng đoán không có căn cứ. Bởi vì quyết định giới thiệu nằm ở Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; còn kết quả bầu chọn tối cao nhất và duy nhất thuộc về Quốc hội. Trong khi đó thì hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương chưa có một nghị quyết nào về vấn đề này. Và Quốc hội thì vẫn chưa triệu tập kỳ họp nửa đầu năm 2023. Vì những lẽ trên, tôi không thể đánh giá về ông Võ Văn Thưởng, dù là trên bình diện đánh giá của cá nhân.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi gặp mặt.

Mọi chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam đều được hoạch định theo nguyên tắc tập trung dân chủ

Sputnik: Chính sách đối ngoại của Việt Nam nói chung, với Nga nói riêng sẽ có thay đổi gì không, sẽ có gì mới không khi Việt Nam có Chủ tịch nước mới?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư liệu khoa giáo, Học viện An ninh Nhân dân:
Theo nguyên tắc hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam thì các chính sách đối ngoại của Việt Nam nói chung, với Liên bang Nga nói riêng, chắc chắn sẽ không thay đổi so với quá khứ và hiện tại, bởi vì mọi chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam đều được hoạch định theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Điều đó có nghĩa là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ đề xuất chính sách, còn thẩm quyền quyết định chính sách là của Quốc hội và thẩm quyền cụ thể hóa, thực thi chính sách là của Chính phủ.
Ở nước này hay nước kia, một nguyên thủ quốc gia có thể thay đổi chính sách. Còn ở Việt Nam thì những chính sách ấy không bao giờ được quyết định bởi một cá nhân lãnh đạo mà phải được quyết định tập thể theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Do đó, dù bất kỳ một nhân vật nào được bầu, bổ nhiệm giữ bất kỳ một chức vụ nào ở Việt Nam, kể cả các chức vụ cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước cũng đều phải tuân thủ các nghị quyết của tập thể. Họ chỉ có quyền đề xuất để tập thể lãnh đạo xem xét và quyết định chứ không thể tự mình quyết định được các chính sách ấy.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông vì những thông tin giá trị.
Thảo luận