Trước đó, hồi tháng 2/2022, tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết cũng từng có văn bản đề xuất xuất tham gia hợp tác nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt này.
Thoả thuận Dự án xây dựng tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng
Ngày 28/2, tại Viên Chăn (Lào), ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả và ông Chanthone Sitthixay, Chủ tịch Petroleum Trading Lao (PTL) Holding đã ký thoả thuận liên danh Dự án xây dựng tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng, đoạn trên địa phận lãnh thổ Việt Nam.
“Mong muốn của Chính phủ Lào là có sự kết nối, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. PTL quan tâm đến các công trình giao thông gắn với biển để phát triển logictics và các dịch vụ khác. Vũng Áng của Việt Nam là cảng biển gần Vientiane nhất”, - ông Chanthone Sitthixay cho biết.
Đồng thời, ông cũng đánh giá rất cao những thành công mà tập đoàn Đèo Cả đã làm được tại Việt Nam, cũng như đặt niềm tin rất lớn vào thành công của sự hợp tác giữa DCG và PTL.
Tại sự kiện, ông Hồ Minh Hoàng cho biết, sau lễ ký kết hợp tác liên danh, phía Đèo Cả sẽ sớm có thông báo chung về hợp tác này.
Cùng với đó, phía PTL Holding sẽ báo cáo Chính phủ Lào và Đèo Cả cũng sẽ có báo cáo Chính phủ Việt Nam.
Dự án đặc biệt quan trọng
Ông Nguyễn Bá Hùng, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào thì khẳng định, đường sắt đoạn Mụ Giạ - Vũng Áng là dự án đặc biệt quan trọng, là một trong những ưu tiên của Chính phủ 2 nước Việt – Lào, được thể hiện trong quá trình triển khai các thoả thuận cấp cao giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước về phát triển kinh tế và hạ tầng.
“Đây là dự án có nhiều khó khăn, nhưng tôi tin rằng sự kết hợp giữa Đèo Cả và Petroleum Trading sẽ thực hiện tốt dự án, xứng đáng với tin cậy của Chính phủ 2 nước”, - ông Hùng nói.
Đường sắt Vientiane - Vũng Áng
Tuyến đường sắt Viêng Chăn (Lào) - Vũng Áng (Việt Nam) có tổng chiều dài 554,7 km, đi qua địa bàn 2 nước Lào và Việt Nam.
Theo thiết kế, đây là tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, vận tốc 150 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 149.550 tỷ đồng thực hiện theo phương thức PPP.
Đoạn nằm trên địa phận Việt Nam là Mụ Giạ - cảng Vũng Áng có chiều dài khoảng 103 km, gồm 8 nhà ga (1 ga chính, 7 ga trung gian), dự kiến đầu tư PPP với tổng mức đầu tư khoảng 27.485 tỷ đồng.
Tuyến đường sắt này sẽ kết nối Vientiane tới cảng Vũng Áng, kết nối với tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc. Sau khi được xây dựng hoàn tất, sẽ tạo ra tuyến vận tải hàng hóa mở rộng đến Bắc Lào và Nam Trung Quốc.
Cảng Vũng Áng của Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế 2 nước thông qua trao đổi thương mại và vận tải hàng hải, hướng tới các thị trường Đông Bắc Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Được biết, PTL Holding là tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng, thiết bị chiếu sáng, logistics, phân phối bán lẻ sản phẩm xăng dầu, đầu tư hạ tầng...
Đây là một trong những tập đoàn kinh tế do gia đình sở hữu lớn nhất ở Lào. Năm 2021, doanh thu của PTL Holding vào khoảng 2 tỷ USD, tương đương 1% GPD của Lào.
Trước đó, tháng 3/2022, Tập đoàn FLC cũng đã ký với Công ty Thương mại Dầu khí Lào (PetroTrade) biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dự án tuyến đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng kết nối Lào - Việt Nam.
Đến tháng 2/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào về đề xuất tham gia hợp tác nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt này của FLC.
Không chỉ kết nối thủ đô của Lào tới cảng Vũng Áng, tuyến đường sắt quan trọng này còn nối với tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc, kỳ vọng sẽ tạo ra tuyến vận tải hàng hóa mở rộng đến Bắc Lào và Nam Trung Quốc.