Theo OECD, chỉ có 30% người trưởng thành tại Việt Nam có hiểu biết về tài chính. Con số này thấp hơn bình quân ASEAN, chỉ cao hơn Lào và Campuchia.
Cũng vì thiếu hiểu biết mà thời gian qua, đã có không ít trường hợp mắc rủi ro do hệ quả từ đầu tư lãi suất cao, rủi ro lớn.
Để Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao trước năm 2030
Ngân hàng Thế giới (WB) công bố số liệu cho thấy, trong năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam ước đạt 3.590 USD. Với con số này, Việt Nam đang tiệm cận nhóm các nước có thu nhập trung bình cao.
Tuy nhiên, sáng 1/3, tại buổi tọa đàm "Đổi mới thể kinh tế Việt Nam, hướng tới nước thu nhập trung bình cao trước năm 2030", các chuyên gia cho rằng, phần lớn các quốc gia khi chạm đến ngưỡng thu nhập bình quân, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm dần, nhiều bất ổn kinh tế xuất hiện…
Trong khi đó, chỉ có rất ít các quốc gia có thể vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để vươn lên thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Theo GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, Việt Nam có thể lọt vào nhóm nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 “nếu không vướng bẫy thu nhập trung bình thấp”. Tuy nhiên, ông Chương cũng cho rằng, những hạn chế của nền kinh tế thị trường đã và đang bộc lộ.
Ông Chương dẫn chứng việc nhà nước còn can thiệp nhiều vào cơ chế giá thị trường các ngành xăng dầu, giá điện, giá vé máy bay, y tế… Điều này dẫn đến hệ quả là việc thiếu hụt xăng dầu, hãng hàng không quốc gia và tập đoàn điện lực thua lỗ nặng nề, các bệnh viện công thu không đủ chi…
GS. Chương nhận định, việc bảo vệ quyền sở hữu ở Việt Nam vẫn chưa được tốt. Chẳng hạn, đất đai nhiều nơi vẫn bị thu hồi để phục vụ mục đích kinh tế của các tập đoàn bất động sản tư nhân. Nhiều loại thị trường hiện đại chưa được hình thành hoặc vẫn hạn chế sự tham gia của người dân, như các thị trường ngoại hối, vàng phái sinh, hàng hóa phái sinh.
"Khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn còn lớn, trong khi tiến độ cổ phần hoá các DNNN trong những năm vừa qua bị chững lại", ông Chương cho biết.
Ông cũng đề cập đến những tồn tại trong hệ thống pháp luật, mà các doanh nghiệp bất động sản gần đây là một ví dụ. Đã có rất nhiều dự án không thể triển khai vì vướng thủ tục pháp lý.
Theo GS. Chương, để ứng phó với những khó khăn hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục tìm ra những điểm nghẽn quan trọng về thể chế kinh tế để tháo gỡ. Đây là "chìa khoá để mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư cả trong, lẫn ngoài nước”.
Không nhiều người trưởng thành có hiểu biết tài chính
Về phần mình, TS. Đinh Tuấn Minh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) – cho rằng, cần có cách tiếp cận mới để xác định bất cập trong hệ thống thể chế nền kinh tế khi hướng tới nước thu nhập trung bình cao.
Vị chuyên gia cho biết, cách tiếp cận truyền thống là tìm ra điểm chưa tốt so với mức tối ưu và chỉ ra bất cập. Trong khi đó, cách tiếp cận mới là so sánh với các quốc gia khác có trình độ tốt hơn. Từ đó, xem xét thể chế kinh tế Việt Nam có những vấn đề gì gây thua kém rồi bắt tay cải cách.
Theo ông, cách làm này đang được Chính phủ triển khai bằng nhiều Nghị quyết, thường xuyên rà soát môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam, thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương cải thiện.
Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… được xem là những quốc gia tương đồng thuộc nhóm thu nhập trung bình cao mà Việt Nam có thể so sánh. Ngoài ra, còn có thể tham khảo một số quốc gia thành công, thất bại trong việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình như Hàn Quốc, Argentina.
Cũng theo ông Minh, nhiều người dân có thói quen tích luỹ tài sản. Vấn đề lớn của nền kinh tế hiện nay không phải là giải phóng sức lao động thông qua đẩy mạnh thu hút FDI trên cơ sở lao động giá rẻ như trước. Thay vào đó, cần phải làm sao để tài sản có thể tìm đến địa chỉ tốt để sinh lời, thông qua môi trường đầu tư an toàn, các kênh đầu tư có độ mở.
"Cần phải xây dựng hệ thống thể chế để các thị trường tài chính hiện đại hình thành và hoạt động hiệu quả để mọi người dân đều có cơ hội tham gia", chuyên gia khuyến nghị.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho rằng trên thực tế, ở Việt Nam chỉ có 30% người trưởng thành có hiểu biết về tài chính.
Con số này thấp hơn bình quân ASEAN, chỉ cao hơn Lào và Campuchia theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Giáo dục tài chính chủ yếu mới dừng lại ở dạng thí điểm, còn manh mún, thiếu định hướng, mục tiêu và giải pháp cụ thể.
Cũng vì thiếu hiểu biết mà vừa qua, không ít trường hợp mắc rủi ro do hệ quả từ đầu tư lãi suất cao, rủi ro lớn. Theo ông Lực, hiện vẫn chưa có một cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm về bảo vệ người tiêu dùng đang thảo luận về luật bảo vệ người tiêu dùng.
Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, trong số 101 quốc gia có mức thu nhập trung bình trong thập niên 1960, chỉ có 13/101 quốc gia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2008.
Như vậy, để thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng, Việt Nam cần phải tiếp tục con đường đã chứng tỏ mang lại thành công cho Việt Nam trong hơn 30 năm qua, đó là phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế sâu rộng.