Nhân viên ngân hàng SCB bị cáo buộc lợi dụng niềm tin và sự thiếu hiểu biết của khách hàng về trái phiếu, thị trường tài chính để thực hiện thủ tục chuyển tiền gửi thành hợp đồng mua trái phiếu của Công ty cổ phần Tậpđoàn Đầu tư An Đông với bên bán là Chứng khoán Tân Việt.
Vụ trái chủ kiện Chứng khoán Tân Việt và SCB đầu tiên được Tòa thụ lý
Theo thông báo của Tòa án Nhân dân quận 1, TP.HCM gửi các bên liên quan, tại thời điểm cuối năm 2022, Tòa đã quyết định thụ lý vụ án dân sư sơ thẩm số 922/2022/DSST về việc "Tranh chấp hợp đồng mua bán trái phiếu" theo đơn khởi kiện của và P.T.Đ.Vy (ngụ tại quận Bình Thạnh TP.HCM).
Theo hồ sơ vụ án, Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (Chứng khoán Tân Việt, mã: TVSI - địa chỉ tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB - trụ sở phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) là bên bị kiện.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (quận 5, TP.HCM, thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là bên có nghĩa vụ quyền lợi liên quan.
Theo đơn kiện đã được Tòa thụ lý, bà P.T.T.Vy trình bày, bà vốn là người buôn bán nhỏ ở chợ, thu nhập không ổn định. Từ nhiều năm trước, bà đã mở tài khoản tại SCB để gửi tiết kiệm theo hình thức mở sổ tiết kiệm hoặc mua chứng chỉ tiền gửi của Ngân hàng.
Năm 2022, bà đến phòng giao dịch của SCB (địa chỉ 298 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh, TP.HCM) để mua chứng chỉ tiền gửi.
Tuy nhiên, nhân viên thông báo không còn chứng chỉ tiền gửi và giới thiệu sản phẩm khác của SCB với tư vấn "sản phẩm này giống chứng chỉ tiền gửi nhưng hay hơn, tiện lợi hơn, lãi suất cao hơn, có thể lấy ra bất kỳ lúc nào và vẫn nhận được lãi" .
Nhân viên của ngân hàng SCB còn cho biết, sản phẩm này được rất nhiều người ưa chuộng, nhiều người mua sản phẩm này trong thời gian dài, đến kỳ nhận lãi nhưng vẫn không rút tiền mà để lâu dài nhằm sinh lãi.
Cùng với đó, nhân viên cũng cho bà xem bảng liệt kê về lãi suất tương ứng với số tiền bà sẽ nhận được tại từng thời điểm.
Bà Vy có trình bày về việc đây là số tiền dành dụm, tích góp cả đời của bà và mẹ (đã gần 80 tuổi) rất khó khăn mới kiếm được muốn gửi một cách an toàn, nhân viên khẳng định “cứ an tâm” mà không giải thích cho bà về những rủi ro của sản phẩm.
Do đã làm việc với SCB trong thời gian dài và không có kiến thức cũng như thiếu am hiểu về thị trường tài chính nên bà Vy đã đồng ý và được nhân viên này lo liệu tất cả các thủ tục để mua sản phẩm.
Đáng chú ý, nhân viên SCB đã thực hiện thủ tục nhằm chuyển tiền trong tài khoản của bà để mua sản phẩm này, đồng thời yêu cầu bà ký một số giấy tờ và hẹn khoảng 7 - 10 ngày sau quay lại SCB để nhận toàn bộ chứng từ.
Sau đó, bà có nhận được một số tin nhắn từ hệ thống SCB thể hiện việc bà được thanh toán tiền lãi từ sản phẩm này. Vì tin tưởng SCB nên trong khoản thời gian từ giữa tháng 5/2022 cho đến cuối tháng 8/2022, khi các sổ tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi của bà được tất toán, bà đều được 2 nhân viên tư vấn sử dụng để mua sản phẩm mới. Theo thông tin được báo Đầu tư đề cập, tổng cộng trái chủ này đã ký 4 bộ hồ sơ tại SCB với số tiền hơn 800 triệu đồng.
Đến tháng 10/2022, thấy người dân tập trung đông đảo tại trụ sở, chi nhánh và các phòng giao dịch của SCB, nên bà cũng vào gặp nhân viên và hỏi về các sản phẩm đã mua và lúc này mới được nhân viên cho biết "sản phẩm mà mình đã mua không phải là chứng chỉ tiền gửi mà là trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông".
Có sự gian dối?
Trái chủ của SCB khẳng định, không có ý định mua trái phiếu, cũng không biết gì về trái phiếu, nhưng vì tin tưởng SCB và thực hiện giao dịch tại SCB nên cứ nghĩ rằng đang mua sản phẩm của SCB.
“Thế nên, việc làm của SCB là đưa ra những thông tin gian dối, gây nhầm lẫn”, theo đơn tố cáo, nên việc bà ký kết và thực hiện các giao dịch mua trái phiếu theo các Hợp đồng nêu trên là do bị lừa dối và nhầm lẫn.
Đồng thời, việc bà Vy được mua trái phiếu là không phù hợp với quy định pháp luật bởi không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
Bên cạnh đó, các hồ sơ trái phiếu bà thực hiện tại SCB không thể hiện thông tin bên bán là Công ty cổ phần Đầu tư An Đông, mà chỉ thể hiện bên bán là Công ty Tân Việt, do Chi nhánh Công ty Tân Việt (TP. Hà Nội) tại TP.HCM ký, đóng dấu là không đúng thẩm quyền, bởi lẽ Công ty Tân Việt không phải là người người sở hữu trái phiếu.
Do đó, có căn cứ cho thấy các hợp đồng được ký kết giữa Công ty Tân Việt và bà là vô hiệu. Từ đó, bà P.T.Đ.Vy khởi kiện đề nghị Tòa tuyên các Hợp đồng đã ký kết với Công ty Tân Việt là giao dịch vô hiệu, Công ty Tân Việt có trách nhiệm trả lại bà số tiền hơn 800 triệu đồng. Đặc biệt, ngân hàng SCB phải chịu trách nhiệm liên đới với Công ty Tân Việt.
TVSI chưa có nguồn tiền để chi trả cho chủ trái phiếu
Như đã thông tin, Chứng khoán Tân Việt là một trong những công ty chứng khoán có lượng giao dịch trái phiếu hàng đầu thị trường Việt Nam.
TVSI cũng giữ vai trò đại lý đăng ký lưu ký, đại lý thanh toán và đại diện chủ sở hữu trái phiếu.
Chứng khoán Tân Việt là một trong những đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát liên quan đến bàu trùm bất động sản – nữ doanh nhân người Việt gốc Hoa Trương Mỹ Lan (hay Trương Muội).
Hồi tháng 10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam đã khởi tố vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức liên quan, bà Trương Mỹ Lan đã bị bắt.
Vừa qua, Công ty Chứng khoán Tân Việt lý giải việc chậm trả do tài khoản thanh toán của công ty đang bị phong tỏa tại ngân hàng SCB với số tiền khoảng 1.613 tỷ đồng.
Theo đó, TVSI chưa có nguồn chi trả cho chủ trái phiếu. Cùng với đó, một lô trái phiếu của TVSI chưa thể thanh toán do đơn vị chưa liên hệ được với khách hàng nên chưa thực hiện được quyền mua lại.