Bộ Công an: Tướng Đỗ Hữu Ca “tỏ ra hợp tác”, vụ đăng kiểm sẽ không dừng ở gần 400 bị can

Thông tin với báo chí tại họp báo thường kỳ tháng 3 của Chính phủ chiều 3/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cập nhật tiến độ nhiều vụ án quan trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm.
Sputnik
Báo chí đặt vấn đề tiến độ điều tra các sai phạm ở các trung tâm đăng kiểm hiện tại như thế nào; vụ thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc công an Hải Phòng bị khởi tố tạm giam điều tra về hành vi chạy án; thông qua vụ án bà Phương Hằng, Bộ Công an có khuyến cáo gì cho người dân để việc phát ngôn như thế nào để không vi phạm pháp luật trong không gian mạng; hướng xử lý “những phiền hà” khi bỏ sổ hộ khẩu.

Ông Đỗ Hữu Ca “hợp tác với cơ quan điều tra”

Liên quan đến vụ án của ông Đỗ Hữu Ca, hàm Thiếu tướng, cựu Giám đốc Công an TP. Hải Phòng, tướng Xô cho biết qua các chứng cứ tài liệu thu thập được, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố và bắt tạm giam thiếu tướng Đỗ Hữu Ca.
Theo đó, cơ quan chức năng nhận định, hành vi của ông Ca đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 174 bộ luật Hình sự.
"Trong quá trình xét hỏi, ông Ca tỏ ra hợp tác với cơ quan điều tra. Ông Ca khai đã nhận tiền của doanh nhân, nhưng chưa hoặc không tác động đến cơ quan chức năng nào để chạy án và nộp lại toàn bộ số tiền là 35 tỷ đồng", Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.
Cũng theo vị đại diện Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục điều tra, làm rõ bị can và người liên quan tới vụ án ông Ca để xét xử theo quy định của pháp luật.
Trước đó, như Sputnik đã đưa tin, ngày 22/2, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam thiếu tướng Đỗ Hữu Ca (65 tuổi, trú xã Kênh Giang, H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng), cựu Giám đốc Công an TP.Hải Phòng, để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", theo điều 174 bộ luật Hình sự. Các quyết định và lệnh nêu trên đã được Viện KSND tỉnh Quảng Ninh phê chuẩn.
Ông Ca bị cáo buộc đã nhận hàng chục tỷ đồng để "chạy án" cho một số đối tượng liên quan vụ án hình sự "trốn thuế", "mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước".
Nhà chức trách cũng đã khám xét nơi ở của bị can Đỗ Hữu Ca, thu được nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng phục vụ điều tra.
Tướng Đỗ Hữu Ca có được hưởng tình tiết giảm nhẹ sau khi nộp lại tiền ‘chạy án’?

Số bị can liên quan sai phạm đăng kiểm sẽ tăng

Liên quan đến vụ án đăng kiểm, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, tính đến ngày 3/3, công an 28 địa phương đã khởi tố 42 vụ án, khám xét 62 trung tâm đăng kiểm và 4 chi cục đăng kiểm.
Đã có 379 bị can liên quan vụ án trên bị khởi tố về 7 tội danh, gồm: môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác, sản xuất chế tạo, mua bán công cụ sử dụng thiết bị phần mềm vào mục đích trái pháp luật, xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng điện tử viễn thông và máy tính của người khác, che giấu tội phạm.
"Như tôi đã nói, sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm có thể ví như vụ Việt Á, số bị can sẽ không dừng ở gần 400 bị can, vì cơ quan điều tra công an các tỉnh đang tiếp tục làm", tướng Xô cho hay.
Theo ông Xô, sai phạm đăng kiểm chủ yếu ở 3 mảng chính, gồm: kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, kiểm định phương tiện nội thủy và hoán cải phương tiện. Trong đó, cơ quan điều tra các tỉnh đang tiến hành điều tra mảng kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Về kiểm định phương tiện nội thủy, công an các địa phương đang bắt đầu đi sâu vào. Bước đầu cho thấy, lĩnh vực này sẽ có rất nhiều vấn đề.
Nhà chức trách nhận định, các cán bộ của Cục Đăng kiểm, các trung tâm đăng kiểm đã nhận hối lộ của các chủ phương tiện hoặc đối tượng môi giới để bỏ qua các lỗi như không đưa phương tiện thủy lên đà kiểm tra, thiếu thiết bị an toàn, không gắn đèn tín hiệu..., sau đó vẫn lập báo cáo và cấp Giấy chứng nhận an toàn đường thủy.
Đặc biệt, mảng hoán cải, thay đổi mục đích của phương tiện cũng có rất nhiều tiêu cực. Một số nhân viên phòng kiểm định đăng kiểm đã thành lập các công ty sân sau hoặc móc nối với các công ty sản xuất, thi công xe cơ giới để bỏ qua lỗi kiểm định hoặc lập hồ sơ giả cho xe hoán cải, chỉ nộp tiền để hợp thức hóa; móc nối với các trung tâm đăng kiểm nhằm cấp giấy chứng nhận, bỏ qua các lỗi như khối lượng cắt bỏ thành thùng đuôi xe, thay đổi số lượng...
"Hiện cơ quan điều tra đang làm rõ thêm 2 mảng này để đưa hoạt động đăng kiểm về đúng mục đích ban đầu", đại diện Bộ Công an nêu rõ.

Bỏ sổ hộ khẩu: “Mong người dân thông cảm”

Trước những vấn đề liên quan đến việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, trung tướng Tô Ân Xô cho biết:
"Trước khi đi họp báo, tôi cũng đã hỏi lại các địa phương và được biết, đến nay cơ bản không có phàn nàn gì về việc này. Cơ quan chức năng cũng không còn đòi hỏi người dân chứng nhận nơi cư trú khi bỏ sổ hộ khẩu giấy", ông Xô nói.
Mấy ngày qua Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã đề cập vấn đề này kỹ và đầy đủ.
Dù vậy, ông Xô cũng cho rằng, có hàng trăm nghìn giao dịch hành chính mỗi ngày, và trong số đó cũng có những trục trặc. Đại diện Bộ Công an mong người dân thông cảm, đồng thời khẳng định Bộ cũng đã có nhắc nhở và đưa ra biện pháp khắc phục vấn đề này.

"Chúng ta có 100 triệu dân, mỗi ngày có tới vài trăm nghìn giao dịch hoặc hơn, chắc chắn trong số đó có trục trặc, vận hành chưa thuần thục... Do đó, rất mong người dân thông cảm. Số người dân làm dịch vụ công bị phiền hà mà báo chí phản ánh có tỉ lệ rất nhỏ so với tổng số lượng giao dịch. Bộ Công an có nhiều biện pháp nhắc nhở nghiêm khắc, hiệu quả và nếu cần, chúng tôi sẽ chuyển phần trả lời chi tiết hơn đến phóng viên", Tướng Xô bày tỏ.

Vụ án bà Phương Hằng: Công dân nên phát ngôn như thế nào?

Trước câu hỏi của phóng viên về việc Công an TP.HCM khởi tố thêm một số bị can trong vụ án liên quan bà Nguyễn Phương Hằng, cũng như công an có khuyến cáo gì sau vụ việc, phát ngôn thế nào để không vi phạm pháp luật trên mạng, trung tướng Tô Ân Xô cho biết, những nội dung liên quan đến vụ bà Nguyễn Phương Hằng là “không mới”.
Tướng Xô nhấn mạnh, mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do dân chủ khác được pháp luật đảm bảo. Tuy nhiên, việc phát ngôn, bình luận, đăng tải, chia sẻ thông tin phải tuân thủ quy định pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan đến chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử trên không gian mạng.
Cụ thể, công dân chỉ nên chia sẻ những thông tin chính thống, có nguồn tin cậy; hành vi ứng xử phải phù hợp với đạo đức, truyền thống văn hóa dân tộc; không sử dụng ngôn ngữ gây hằn thù, kích động, bạo lực;
Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Công an TP.HCM bắt tạm giam nhà báo Hàn Ni, TS. Đặng Anh Quân liên quan vụ bà Phương Hằng
"Lợi dụng các quyền đó thì rõ ràng phải xử lý theo quy định của pháp luật", ông Xô nhấn mạnh.
Trước đó, trong diễn biến mới nhất, ngày 24/2, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam bà Đặng Thị Hàn Ni và luật sư Trần Văn Sỹ về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo quy định tại điều 331 bộ luật Hình sự.
Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, bà Hàn Ni được xác định là một trong 9 bị hại trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) sử dụng mạng xã hội để livestream xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự.
Thảo luận