Đơn giản chứ không hề phức tạp

Xung quanh thông tin về bầu Chủ tịch nước mới của Việt Nam: Đã có rò rỉ thông tin nội bộ.
Sputnik

“Ông Võ Văn Thưởng là con cháu nhà ai không ảnh hưởng đến việc bầu chọn”, - Chuyên gia về những vấn đề đối nội của Việt Nam Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh với Sputnik.

Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng thứ Năm ngày 2/3/2023 đã giải quyết vấn đề nhân sự cấp bách và rất nóng từ sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc thôi chức Chủ tịch nước, thông qua Nghị quyết bầu ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
Báo chí ngoài nước đã có rất nhiều thông tin và bình luận xung quanh việc bầu nhân sự cấp cao này, cả trước ngày 2/3 và cả sau khi Việt Nam đã có Chủ tịch nước mới, trong khi đó báo chí Việt Nam chỉ đưa tin và hầu như không có bình luận gì.
Sputnik đã có cuộc phỏng vấn nhanh chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Long về một số thông tin liên quan đến sự kiện chính trị quan trọng này của Việt Nam.
Thông điệp của lãnh đạo các nước trong điện mừng tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Có dấu hiệu rò rỉ thông tin từ nội bộ Việt Nam

Sputnik: Kính chào ông Nguyễn Hồng Long! Như vậy, sự kiện sáng ngày 2/3 đã chứng tỏ thông tin của báo chí phương Tây đưa ra trước đó là hoàn toàn đúng, trong khi đó báo chí Việt Nam trước đó thì im lặng. Thậm chí hãng tin AFP trước ngày 1/3, trích dẫn nguồn tin từ Quốc hội Việt Nam, còn nêu hẳn thời gian BCH TƯ và Quốc hội họp bất thường ngày 1/3 và 2/3. Ông có bình luận gì về điều này?
Ông Nguyễn Hồng Long, Chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Sở dĩ báo chí trong nước im lặng vì họ không được phép đưa ra các phán đoán những vấn đề thuộc về bí mật Nhà nước. Trong đó, việc quy hoạch các cán bộ cao cấp vào các chức vụ đứng đầu Nhà nước là thông tin được bảo mật bởi Luật Bảo vệ bí mật quốc gia. Còn báo chí phương Tây đưa ra các thông tin mà thực tế đã chứng tỏ là chính xác thì đó là dấu hiệu đã có sự rò rỉ thông tin từ nội bộ Việt Nam. Về việc này, cơ quan an ninh Việt Nam sẽ vào cuộc để làm rõ.

Chương trình nghị sự đã được chuẩn bị từ trước

Sputnik: Chiều tối ngày 1/3, Ban chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam Khóa XIII đã họp bất thường, xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ, rồi đã quyết định giới thiệu nhân sự là ông Võ Văn Thưởng để bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ngay sáng ngày 2/3, Quốc hội Việt Nam cũng đã họp bất thường (lần thứ 4, Quốc hội khóa XV) và thông qua quyết định của Ban chấp hành Trung Ương. Sao lại có sự khẩn cấp như vậy, theo ông?
Ông Nguyễn Hồng Long, Chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Thực ra thì chương trình nghị sự cho hai cuộc họp này đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Văn phòng Trung ương của như Ủy ban thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội chuẩn bị từ trước. Do đó, sau khi các Ủy viên Trung ương cũng như các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ thì mọi việc đều được quyết đáp rất nhanh chóng, căn cứ số phiếu bầu của các đại biểu Quốc hội có mặt thì 487/488 là một sự nhất trí cao.
Trên thực tế, không phải là Quốc hội Việt Nam thông qua quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà là xem xét tờ trình giới thiệu nhân sự bầu Chủ tịch nước của Ban Chấp hành Trung ương và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quốc hội cũng có phiên thảo luận tại các đoàn đại biểu, sau đó mới bỏ phiếu kín.
Mọi chuyện đơn giản chứ không hề phức tạp, không có gì mà ầm ĩ.

Ở Việt Nam hiện nay, việc “có vào có ra, có lên có xuống” là chuyện hoàn toàn bình thường

Sputnik: Vì sao chỉ đưa ra một phương án là ông Võ Văn Thưởng? Chẳng lẽ không có những ứng viên sáng giá khác, thưa ông? Ông Võ Văn Thưởng có điểm gì đặc biệt? Việc ông Thưởng là cháu ngoại của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có phải là điểm cộng cho ông ta hay không?
Ông Nguyễn Hồng Long, Chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Trong quá trình làm quy hoạch nhân sự, Ban Chấp hành Trung ương có thể lựa chọn các phương án khác nhau, hoặc là giới thiệu nhiều hơn một nhân sự cho một chức danh hoặc chỉ giới thiệu một nhân sự cho một chức danh. Trường hợp của ông Võ Văn Thưởng nằm ở phương án thứ hai và được Ban Chấp hành Trung ương thống nhất giới thiệu.
Còn việc ông Võ Văn Thưởng là con cháu nhà ai không ảnh hưởng đến việc bầu chọn. Trong tờ trình giới thiệu nhân sự của Ủy ban thường vụ Quốc hội không có một chữ nào đề cập đến việc này. Trong thời gian qua có một số cán bộ là con cháu của nguyên cán bộ cấp cao được giới thiệu vào Trung ương, vào Bộ Chính trị như ông Trần Tuấn Anh (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương) là con trai ông Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; ông Phạm Bình Minh (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng thường trực) là con trai cố Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Cương (bí danh Nguyễn Cơ Thạch)...
Quyền lực “Tứ trụ” Việt Nam được củng cố, niềm tin sẽ được lấy lại?
Nhưng trong trường hợp không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, quản lý không tốt, để cấp dưới sai phạm rất nghiêm trọng thì bất kỳ là con cháu nhà ai cũng phải ra khỏi Bộ Chính trị, ra khỏi Trung ương và bị miễn nhiệm các chức vụ Nhà nước. Ở Việt Nam hiện nay, việc “có vào có ra, có lên có xuống” là chuyện hoàn toàn bình thường. Do đó, không phải vì một nhân sự nào đó là con cháu ông nọ bà kia mà được đưa vào bộ máy cao cấp của Nhà nước. Nếu như họ có năng lực hạn chế, phẩm chất đạo đức không ổn, không đạt các tiêu chuẩn chức danh thì không bao giờ được quy hoạch. Còn hễ đã giữ chức vụ mà có sai phạm thì cũng không tính đến chuyện con cái nhà ai để xử lý kỷ luật. Ông Phạm Bình Minh cũng bị Ủy ban kiểm tra Trung ương xử lý như Đảng viên bình thường mắc sai phạm hoặc có thiết sót nghiêm trọng.

Nhận định hoàn toàn sai lầm của giới chuyên gia phương Tây

Sputnik: Trong giới chuyên gia phương Tây có bình luận rằng, ông Võ Văn Thưởng là ứng viên mà hợp ý của Trung Quốc. Cụ thể, ông Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam đã nói, Trung Quốc rõ ràng có thông điệp cho giới lãnh đạo cao nhất của Việt Nam về quan điểm của họ trong việc lựa chọn bộ máy lãnh đạo ở Việt Nam. Ông có bình luận gì về cách nhìn nhận này?
Ông Nguyễn Hồng Long, Chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Đây là một nhận định hoàn toàn sai lầm! Trong lịch sử hoạt động của mình ở tất cả các thời kỳ, Đảng Cộng sản Việt Nam (từ năm 1930 đến nay) cũng như Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (từ năm 1945 đến nay) luôn giữ vững vị thế độc lập của mình không chỉ đối với các kẻ thù xâm lược mà còn giữ thế độc lập ấy đối với cả những đồng minh của mình, trong đó có các đồng mình lớn như Liên Xô và Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam nhưng mỗi nước, mỗi Đảng đều phải tuân thủ một nguyên tắc quan hệ quốc tế bất di bất dịch là “Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.
Vấn đề tổ chức cán bộ là một trong những vấn đề nội bộ đặc biệt quan trọng. Do đó, việc bàn đến các vấn đề nhân sự lãnh đạo cao cấp của nước bạn được xem là sự can thiệp và công việc nội bộ của bạn. Đó là điều cấm kỵ trong quan hệ quốc tế, kể cả đối với những nước có quan hệ láng giềng tốt đến mấy đi chăng nữa.
Chuyên gia Nga: Tân Chủ tịch nước Việt Nam trẻ nhưng rất có kinh nghiệm
Vì vậy, một là các nhà bình luận phương Tây không hiểu biết về các quy tắc ứng xử tối thiểu trong quan hệ quốc tế; hoặc họ biết nhưng cố gắng xuyên tạc. Những hành động của họ không có mục đích gì khác là về hùa với các thế lực phản động, thù địch chống phá Việt Nam, vu cáo Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc để dễ bề thao túng dư luận, làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong con mắt của nhân dân Việt Nam nói riêng và dư luận quốc tế nói chung. Đó là những thủ đoạn bịa đặt hết sức thô thiển và hèn hạ.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông vì cuộc phỏng vấn thú vị và ý nghĩa.
Thảo luận