Hãng Thông tấn Sputnik đã có buổi trò chuyện với dịch giả Lê Đức Mẫn trong dịp gần đây; để lắng nghe những chia sẻ, tâm tư tình cảm của trái tim nặng lòng với nước Nga.
Nguồn cảm hứng từ ý chí quật khởi của dân tộc Nga
Nếu ví tình yêu nước Nga là một cô gái, thì mối tình của dịch giả Lê Đức Mẫn dành cho “cô gái này” trải qua 2 giai đoạn: giai đoạn làm quen và giai đoạn đam mê. Năm 1960, ông bắt đầu làm quen và học với tiếng Nga tại trường đại học Sư phạm Hà Nội. Từ đây, ông “trót phải lòng” văn hóa Nga và đem cả trái tim mình hiến dâng cho nền văn học Nga.
Chỉ sau một năm học tiếng, ông đã có thể dịch những tài liệu từ Nga sang tiếng Việt. Đến năm ba, ông đã dịch được hơn 100 bài thơ của Pushkin và nhiều nhà thơ, nhà văn khác của Liên Xô.
Cũng chính nhờ tình yêu tiếng Nga, văn học Nga đã giúp ông bén duyên với thế hệ lưu học sinh Việt Nam đầu tiên từ Liên Xô trở về như nhà thơ Thúy Toàn, thầy Vũ Thế Khôi,... Từ đó, hình thành nhóm dịch thuật mang đậm tâm hồn Nga.
Vốn không được ra nước ngoài đào tạo bài bản như nhiều dịch giả khác, ông tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Nga ở trong nước. Song với tình yêu tiếng Nga mãnh liệt cùng tâm hồn thi ca vốn có và tinh thần lao động không biết mệt mỏi, ông Mẫn được xếp vào danh sách các dịch giả tiếng Nga nổi tiếng ở Việt Nam trước đây và hiện nay. Trong đó có bản dịch trường ca lớn nhất của văn học Nga mang tên “Ác quỷ” (M.Y. Lermontov).
“Tập thơ trường ca hơn 1000 câu. Đây vừa là tiểu thuyết, vừa là thơ, cần phải có 2 phương thức tư duy dịch: tư duy tiểu thuyết và tư duy sân khấu. Toàn bộ khung cảnh trong trường ca Ác quỷ là ở khu vực Trung Á Kavkaz. Tôi đặt bút dịch đến đâu, cảm xúc ùa về đến đó”, ông Mẫn kể lại.
Ông yêu và trân trọng văn học Xô Viết, nhất là mảng đề tài chiến tranh. Bởi trong đó chủ nghĩa anh hùng và lòng yêu nước của nhân dân Xô Viết đã được thể hiện rất đẹp, rất đời thường. Trong đó, có tác phẩm nổi tiếng được độc giả Việt Nam hết sức trân trọng “Và nơi đây bình minh yên tĩnh” (Boris Vasilyev), “Khổ vì trí tuệ” (Alexandr Griboedov)...
“Cái tôi ngưỡng mộ là ý chí quật khởi của người Nga. Chính ý chí này đã cho tôi sức mạnh, tinh thần. Đó là nguồn cảm hứng cho tôi mỗi khi ngồi dịch”, ông Lê Đức Mẫn bày tỏ.
"Một tác phẩm dịch ra đời là một sự kiện văn hóa và nếu đó là tác phẩm hay thì đó là cái duyên của cả một dân tộc". Câu nói này thể hiện rõ nhất tâm tư của Lê Ðức Mẫn đã miệt mài vươn tới những cái duyên đó.
Bản dịch tác phẩm “Khổ vì trí tuệ” của dịch giả Lê Đức Mẫn được nhận Bằng khen Giải thưởng từ Hội nhà văn Việt Nam (2017)
© Sputnik / Ha Linh
Gam màu u xám
Những bản dịch thuật của tác giả Lê Đức Mẫn đã đưa người đọc trở về với ký ức của một thời đèn sách, gắn bó với tiếng Nga, văn học Nga, với nước Nga vĩ đại cũng như những người Nga đôn hậu.
Nhắc đến những tác phẩm của Dostoevsky, dịch giả say mê chia sẻ. Người ta vẫn ví Dostoevsky là “nhà văn bệnh hoạn”. Nhiều độc giả tự hỏi, khi đọc bản dịch của Lê Đức Mẫn còn thấy u tối, nặng nề thì làm sao ông có thể dịch những kiệt tác này quanh năm suốt tháng như vậy.
Ít ai biết rằng, đằng sau những bản dịch đó là cả thế giới u uất trong tuổi thơ và thời niên thiếu của dịch giả, như câu chuyện mà ông giãi bày tâm tư:
“Trên đầu tôi từ thủa nhỏ đến lúc lớn lên là nhiều nỗi u uất và nhiều án (gần như án tử) đối với tôi. Mẹ mất từ khi lên ba, tôi gần như không có ký ức về mẹ. Cha lấy vợ mới và ở với mẹ kế. Nhưng đến năm 13 tuổi, ông bỏ nhà trốn vào Sài Gòn vì hoàn cảnh lịch sử. Đất nước chia cắt, đằng đẵng 20 năm đó không được gặp cha”, ông trầm ngâm kể.
Rồi đến khi trưởng thành, với niềm yêu thích giọng kể của nhà văn Aziz Nesin (Thổ Nhĩ Kỳ), năm 1978 ông dịch cuốn “Những người thích đùa” từ tiếng Nga sang Việt. Sau khi sách ra, có lệnh thu hồi sách, và gần như ông bị truy cứu khi “chưa khớp” với tư tưởng đất nước thời bấy giờ.
Không khiên cưỡng khi nói rằng, chính nỗi niềm sâu sắc của dịch giả Lê Đức Mẫn khiến ông chạm đến “cái hồn” trong từng tác phẩm của nhà văn, triết gia Dostoevsky. Có chăng bởi vậy, những tác phẩm ông dịch đều nhuộm màu u tối, day dứt...
Những tiềm thức giằng xé tâm can, những tâm lý tận cùng đớn đau, những trăn trở xé nát con tim... Tất cả như một định mệnh sắp đặt đưa dịch giả Lê Đức Mẫn “quyện” vào tác phẩm của nhà tư tưởng vĩ đại thế kỷ 19 Dostoevsky.
Phải nói thêm rằng, bản dịch tác phẩm “Những người thích đùa” từng khiến ông có nhiều trăn trở, thì đây cũng là tác phẩm dịch đem đến tiếng vang lớn cho ông trong giới dịch thuật Việt Nam bởi ngòi dịch sắc sảo, hài hước và tinh tế.
“Nếu tôi có cuộc sống thứ hai, tôi nguyện vẫn là dịch giả văn học Nga”
Năm nay, tuy đã 82 tuổi nhưng dịch giả Lê Đức Mẫn vẫn dành từ 8 đến 10 tiếng mỗi ngày để làm việc. Gần đây nhất, dịch giả Lê Đức Mẫn đã hoàn thành bản dịch tác phẩm nổi tiếng “Anna Karenina” của văn hào Lev Tolstoy, với độ dài hơn 500 trang. Ở độ tuổi này, hiếm ai làm được vậy.
Phải say mê và tâm huyết lắm, những tác phẩm dịch thuật mới đến được tay độc giả Việt Nam như ngày hôm nay. Tình yêu ấy lớn đến nỗi ông phải khẳng định lại, rằng “Nếu tôi có cuộc sống thứ hai, tôi nguyện vẫn là dịch giả văn học Nga”.
"Với tác phẩm Anna Karenina, tất cả tác phẩm đều phải dịch từ nguyên bản. Tôi hoàn thành bản dịch tác phẩm này trong gần hai năm, đang chờ các thủ tục để xuất bản. Còn đối với tuyển tập tiểu thuyết của Dostoevsky, hiện nay còn cuốn Бесы (Lũ người quỷ ám) vẫn chưa ai dịch. Nếu công trình này tiếp tục, tôi sẽ cố gắng hoàn thiện ", dịch giả chia sẻ với Sputnik.
Gần 50 năm làm dịch thuật, ông Lê Đức Mẫn đã có khoảng 50 tác phẩm văn học Nga đồ sộ được sang tiếng Việt. Trong đó, nhiều tác phẩm nổi tiếng được độc giả Việt Nam yêu mến. Hiện ông là Phó Giám đốc Quỹ hỗ trợ Quảng bá Văn học Việt Nam, Văn học Nga do Tổng thống Nga lúc đó (2012) Dmitry Medvedev ký quyết định thành lập, nhằm quảng bá văn hóa Nga ra khắp thế giới thông qua việc dịch các tác phẩm văn học Nga.
Ông quan niệm, dịch thuật không chỉ là “vũ khí mềm” tác động đến sự phát triển của mỗi quốc gia, văn minh của nhân loại; mà còn là cầu nối xây đắp tình hữu nghị, nền văn học, văn hóa Nga – Việt. Công việc thầm lặng nhưng đáng tự hào.