Samsung SDS mới đây đã chính thức ra mắt nền tảng số hóa logistics Cello Square tại thị trường Việt Nam.
Đại diện Samsung SDS khẳng định, khoản ngân sách mà doanh nghiệp bỏ ra để sử dụng Cello Square là "chắc chắn xứng đáng"
Việt Nam – vị trí đặc biệt, tiềm năng trở thành công xưởng thế giới
Vừa qua, tại hội nghị Hà Nội Cello Square 2023, ông DongKyun Kim, Trưởng bộ phận Smart Logistics của Samsung SDS khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhận định Việt Nam đang ngày càng giữ vị trí quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Ngành sản xuất của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong thời gian qua, điều không phải quốc gia nào trong khu vực cũng làm được. Đặc biệt, vị trí địa lý ngay cạnh Trung Quốc đã mang đến cho Việt Nam thêm những lợi thế.
Samsung SDS đánh giá, cách đây 1 năm, chi phí nhân công của Trung Quốc tăng hơn 60% và trong 5 năm qua đã tăng đến hơn 30%. Các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc đang dần dịch chuyển sang khu vực Đông Nam Á (gồm có Việt Nam) và Ấn Độ, một phần do thương chiến Mỹ - Trung.
Theo một báo cáo của Oxford Econimic, tổng sản lượng xuất khẩu của ASEAN 6 đến 10 năm tới đây dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc.
"Việt Nam đang dần trở thành công xưởng mới của thế giới, và ngành sản xuất ngày càng được quốc tế hóa và tiệm cận hơn với thế giới. Việt Nam cũng được xem là một trong những mắt xích quan trọng của chuỗi bán lẻ toàn cầu", - ông DongKyun Kim nói.
Theo ông, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số trong lĩnh vực logistics như Samsung SDS, đồng thời cũng là lý do khiến cho Samsung SDS quyết định đưa nền tảng số hóa logistics - Cello Square vào Việt Nam.
Cello Square – khoản đầu tư xứng đáng
Phân tích của Samsung SDS cho thấy, nghiệp vụ logistics nói chung tại Việt Nam vẫn còn những tồn tại, như các thủ tục thông quan phức tạp, tình trạng quản lý chứng từ hay việc ép giá, hay những vấn đề về khả năng quản lý kho và giám sát hàng hóa, đưa ra cảnh báo theo thời gian thực…
Chính những tồn tại này sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nếu có thể cung cấp nền tảng số làm thay đổi đáng kể phương thức tiếp vận tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp có thể quản lý việc vận chuyển hàng hóa của mình từ đầu tới cuối như lấy báo giá, ký kết hợp đồng, kiểm tra vị trí kiện hàng theo thời gian thực, phân tích dữ liệu.
Theo ông DongKyun Kim, với sản phẩm Cello Square, doanh nghiệp chỉ cần 1-2 nhân viên là có thể kiểm soát toàn bộ công việc logistics, lấy báo giá ngay lập tức với các tuyến vận chuyển có sẵn, đặt chuyến hàng, theo dõi kiện hàng thời gian thực với độ chính xác cao, quản lý toàn bộ tài liệu tại một nơi duy nhất.
Sản phẩm cũng mang đến hệ thống bảng dữ liệu phân tích thông tin toàn bộ các đơn hàng dựa trên những ứng dụng những công nghệ mới nhất như hệ thống dữ liệu đám mây, dữ liệu lớn… từ đó đưa ra quyết định chính xác cho chuỗi hậu cần của doanh nghiệp.
Đại diện Samsung SDS cho biết, với các doanh nghiệp, khi bắt đầu sử dụng những nền tảng như Cello Square, họ sẽ phải đầu tư một khoản ngân sách. Số tiền này sẽ tùy thuộc vào tiềm lực tài chính của từng doanh nghiệp nhưng nếu so sánh với những lợi ích mà ứng dụng thông minh mang lại thay vì quản lý trên exel hay các phương pháp thủ công, khoản đầu tư này chắc chắn xứng đáng.
"Với Cello Square, doanh nghiệp được dùng chung giải pháp với Tập đoàn Samsung mà không phải mất thêm chi phí cho điều đó. Chúng tôi không bán giải pháp mà chia sẻ giải pháp của Samsung với khách hàng. Chúng tôi cũng sẵn sàng tối ưu hóa để sản phẩm phù hợp với những nhu cầu đặc trưng của từng doanh nghiệp", - ông Kim nhấn mạnh.
Samsung SDS hiện đang cung cấp dịch vụ logistics toàn cầu tại 36 quốc gia, 53 trung tâm và 230 địa điểm. Với khoảng 1.900 đối tác logistics quốc tế, Samsung SDS xử lý khoảng 410.000 tấn hàng qua đường hàng không và 1.010.000 tấn hàng qua đường biển. Doanh nghiệp này nằm trong top 10 công ty logistics hàng đầu thế giới.