Rút Bảo hiểm xã hội một lần: Phương án có thể gây ra ‘phản ứng mạnh’

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án, một trong số đó là cho lao động rút một lần nhưng tối đa không vượt quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Sputnik
Tuy nhiên, với phương án này, lao động có thể “phản ứng mạnh” nên cần giải thích để người dân hiểu được lợi ích lâu dài nếu chọn bảo lưu một nửa thời gian đóng.

Đề xuất 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần

Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội không đề xuất hạn chế rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, tuy nhiên có đưa ra 2 phương án.
Phương án thứ nhất là giữ nguyên quy định hiện hành, người lao động tham gia dưới 20 năm BHXH và sau 1 năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì được rút một lần.
“Nếu có nhu cầu, lao động được rút toàn bộ quá trình đóng nhưng về lâu dài sẽ chịu thiệt khi không được hưởng lương hưu”, - đề xuất nêu.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, cách này không thể hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, tác động đến lưới an sinh, tạo áp lực lên ngân sách chi trợ cấp hưu trí.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ có bổ sung phương án chỉ cho rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng bảo hiểm khi rút bảo hiểm một lần. Mục đích nhằm hạn chế rút BHXH 1 lần đang có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, phương án này cũng có hạn chế nhất định.
Đề xuất chính thức: Lao động được hưởng lương hưu khi đóng BHXH 15 năm
Cụ thể, phương án thứ hai là cho lao động rút một lần nhưng tối đa không vượt quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại sẽ được bảo lưu, sau này lao động đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng chế độ BHXH.
Cách này giảm được số tiền chi trả ban đầu cho Quỹ Bảo hiểm xã hội và người lao động chỉ nhận được một nửa tiền cho tổng thời gian đóng.
“Tuy nhiên, lao động có thể phản ứng mạnh nên cần giải thích cho họ hiểu lợi ích lâu dài nếu chọn bảo lưu một nửa thời gian đóng”, - cơ quan soạn thảo lưu ý.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, việc đưa ra phương án 2 nhằm khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu.
Khi thực hiện Luật BHXH năm 2014, vấn đề rút BHXH một lần được rất nhiều lao động, nhất là công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất quan tâm và phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tế. Do đó, điều 60 Luật BHXH năm 2014 phải tạm dừng thi hành.

Nguyên nhân ồ ạt rút BHXH một lần

Mức hưởng BHXH một lần căn cứ trên số năm người lao động tham gia đóng BHXH.
Mỗi năm được tính bằng 1,5 tháng bình quân tiền lương đóng BHXH cho những năm trước 2014; bằng 2 tháng bình quân tiền lương đóng cho những năm từ 2014 trở đi.
Lao động đóng BHXH dưới một năm, mức hưởng tối đa bằng 2 tháng bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Đối với người tham gia BHXH tự nguyện, mức hưởng một lần không bao gồm tiền ngân sách hỗ trợ cho những năm đóng.
Người ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc sau 1 năm không tham gia hệ thống mà đóng dưới 20 năm BHXH có thể lựa chọn nhận trợ cấp hàng tháng nếu không muốn rút một lần. Mức hưởng sẽ được tính toán dựa theo số năm đóng và nền tiền lương đóng mỗi tháng.
Tính đến hết năm 2022, Việt Nam có hơn 17 triệu người tham gia BHXH, bao phủ 38% lực lượng lao động trong độ tuổi, với khoảng 28,4 triệu người chưa vào hệ thống.
Việt Nam: Hơn 200.000 lao động bị nợ đóng BHXH, không lương hưu
Đến năm 2030, nhà chức trách đặt mục tiêu có khoảng 60% lực lượng lao động tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương. Tuy vậy, đây là thách thức lớn nếu không có những thay đổi căn cơ trong chính sách BHXH.
Độ bao phủ BHXH tăng chậm trong khi số người rút một lần lại tăng, trung bình cứ 2 người vào hệ thống thì 1 người rời đi. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, từ năm 2016-2020, bình quân mỗi năm có gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên.
Nguyên nhân của việc gia tăng số người rút BHXH 1 lần là người dân, người lao động gặp khó khăn về tài chính, phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như trang trải cho gia đình, đầu tư cho con học, nợ nần, chi phí sinh hoạt sau mất việc làm.
Bên cạnh đó, quy định về thời gian đóng BHXH 20 năm để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí là quá dài, không phù hợp với khả năng tạo và duy trì việc làm cho người lao động của nền kinh tế và điều kiện hưởng BHXH 1 lần quá dễ dàng.
Chính vì vậy, trong dự thảo Luật BHXH lần này đã đề xuất rút thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm và bảo lưu sẽ được một số quyền lợi liên quán đến bảo hiểm y tế.

Tranh cãi rút BHXH một lần

Việc siết chặt hay nới lỏng điều kiện hưởng BHXH một lần đã gây nhiều tranh cãi ở mỗi lần sửa đổi luật. Năm 2015, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (hiệu lực từ 1/1/2016), điều 60 quy định người lao động không được hưởng BHXH một lần sau nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu.
Sau khi chấm dứt hợp đồng, lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm và cộng dồn số năm đóng nếu người đó tiếp tục đi làm trong doanh nghiệp có đóng BHXH bắt buộc. Tuy vậy, quy định này lại khiến nhiều công nhân phản ứng, ngừng việc tập thể.
Chính sách tiền lương, BHXH của Việt Nam sẽ thay đổi thế nào trong năm 2023?
Chính phủ sau đó đã kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định theo hướng để người lao động tự chọn hưởng BHXH một lần, hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện. Việc có nên thay đổi nội dung điều 60 hay không đã gây ra cuộc tranh luận gay gắt giữa các đại biểu Quốc hội. Sau khi lấy ý kiến, trên 87% đại biểu đồng tình với chủ trương để người lao động được nhận BHXH một lần nếu có nhu cầu.
Thảo luận