Việt Nam cảm nhận được sự chân thành, tin cậy từ doanh nghiệp Nhật

HÀ NỘI (Sputnik) - Sáng ngày 7/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam và Nhật Bản với chủ đề "Khả năng mới của mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản hướng tới tương lai".
Sputnik
Cùng dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ngài Yamada Takio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Ủy ban Kinh tế Nhật Bản - Việt Nam, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng tới dự hội thảo với tinh thần Việt Nam - Nhật Bản "hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới".
Thủ tướng gửi lời cảm ơn chân thành đến Chính phủ Nhật Bản và toàn thể các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhân dân Nhật Bản đã hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả, thiết thực đối với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua.
Trong đó, hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư được đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh toàn diện cả song phương, đa phương, tạo hành lang thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại.
Chuyện đáng kinh ngạc
Vở opera tái hiện chuyện tình có thật 400 năm gắn kết hai nước Việt - Nhật
Thủ tướng chia sẻ về hợp tác phát triển (ODA), sau hơn 30 năm, Nhật Bản trở thành quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam với trên 2.700 tỷ Yên vốn vay, gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại và 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật; góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam...

"Chúng tôi cảm nhận được sự chân thành, tin cậy, chia sẻ, tin tưởng và cam kết đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản", Thủ tướng nói và bày tỏ với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam, rất mong muốn phía bạn sẽ tin tưởng và hợp tác đầu tư.

Lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp Nhật Bản

Phát biểu tại hội nghị, ông Hideo Ichikawa, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt của KEIDANREN cho rằng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là bước ngoặt lịch sử. Việc giao lưu kinh tế giữa hai nước đã bắt đầu từ thế kỷ 16 và sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 50 năm, quan hệ hai nước đã phát triển rực rỡ trên cơ sở quan hệ hữu hảo, mật thiết.
Ngày nay, Việt Nam là đất nước đã đạt thành tựu kinh tế vững chắc, có chính trị- xã hội ổn định, dân số 100 triệu người, người dân cần cù, thành thật, chân thành, cửa ngõ quan trọng của ASEAN với thế giới, một thị trường hấp dẫn. Hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư 65 tỷ USD trên nhiều lĩnh vực.
"Những kết quả này là nhờ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản", ông Ichikawa Hideo nói.
Thay mặt các doanh nghiệp Nhật Bản, ông bày tỏ chân thành cảm ơn Chính phủ Việt Nam và cho biết sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển thời gian tới.
Với tinh thần cùng đồng hành hướng tới tương lai, trên nền tảng quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện, tin cậy vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á", người đứng đầu Chính phủ cho rằng còn nhiều dư địa hợp tác nên cần nghiên cứu nâng cấp quan hệ hai nước để phát triển bền chặt hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh đến một số định hướng trong hợp tác. Đó là xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Việt Nam đã ban hành các cơ chế thu hút tài chính, đặc biệt từ tư nhân cho mục tiêu này.
Cùng với chiến lược và kế hoạch hành động, Việt Nam xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu đãi tài chính, thúc đẩy dự án sử dụng hiệu quả năng lượng, trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo…
Chuyện đáng kinh ngạc
Vở opera tái hiện chuyện tình có thật 400 năm gắn kết hai nước Việt - Nhật
Về chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hợp tác công - tư với vai trò Chính phủ dẫn dắt, doanh nghiệp đồng hành. Mục tiêu là xây dựng nền kinh tế số, xã hội số; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ cũng gợi mở hướng hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đến nay Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách tạo hành lang pháp lý và các ưu đãi đầu tư về vấn đề này.
Có nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo và thành lập những trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, hai bên đã trao đổi tập trung vào các nội dung: (i) Chuyển đổi xanh; (ii) Chuyển đổi số; (iii) Hợp tác về năng lượng; (iv) Đánh giá về hợp tác phát triển; (v) Quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản và định hướng cho tương lai; (vi) Đánh giá về Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 8 và định hướng giai đoạn 9.
Thảo luận