Chùa Tam Chúc Hà Nam không phải là di tích quốc gia

Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa cho biết, quần thể danh thắng Tam Chúc đáp ứng đủ các tiêu chí xếp hạng di tích quốc gia theo Luật Di sản văn hóa.
Sputnik
Tuy nhiên, chùa Tam Chúc mới xây chỉ chiếm một phần diện tích nhỏ trong toàn bộ khu danh thắng, và ‘không được xếp hạng là di tích lịch sử hay văn hóa, nghệ thuật’.

Chùa Tam Chúc không phải là di tích lịch sử hay văn hóa, nghệ thuật

Chiều 10/3, Cục phó Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) Trần Đình Thành cho biết, quần thể Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) vừa được xếp hạng di tích quốc gia thuộc loại hình danh lam thắng cảnh.
Theo đó, toàn bộ khuôn viên chùa Tam Chúc mới xây dựng nằm trọn trong vùng lõi cần bảo vệ của danh thắng. Dù vậy, theo lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, "chùa không phải là yếu tố gốc mà cũng như nhà dân, trường học hay công trình khác tồn tại trước khi quần thể được công nhận". Chùa Tam Chúc mới chỉ chiếm một phần diện tích nhỏ trong toàn bộ khu danh thắng.
“Chúng tôi không bao giờ đi xếp hạng một chùa mới như Tam Chúc vì không đáp ứng tiêu chí danh lam thắng cảnh và di tích. Những công trình đình, chùa mới một, hai năm tuổi, nếu không có giá trị lịch sử thì không xếp hạng”, - ông Thành khẳng định.
Với những ý kiến cho rằng chùa Tam Chúc mới xây phá vỡ cảnh quan danh thắng, ông Thành cho biết, sau khi địa điểm này được xếp hạng, địa phương sẽ quy hoạch di tích để đánh giá những công trình ảnh hưởng đến việc bảo vệ, phát huy giá trị danh lam thắng cảnh.
Chùa Tam Chúc Hà Nam lên tiếng về kết luận của Thanh tra Chính phủ
Đến lúc đó, các cơ quan hữu quan sẽ đánh giá "chùa Tam Chúc có to quá không, có phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng tiêu cực đến khu danh thắng hay không", đồng thời đưa ra biện pháp phù hợp.
"Từ nay, việc xây dựng công trình trong khu danh thắng Tam Chúc phải có ý kiến của cơ quan quản lý về văn hóa", - ông Thành nói.
Cũng theo ông, tỉnh Hà Nam trước đó lập hồ sơ chỉ đề nghị công nhận khu vực chùa Tam Chúc là di tích quốc gia. Tuy nhiên, sau khi xem xét, Cục Di sản văn hóa đề nghị mở rộng ra toàn bộ khu danh thắng.

Danh thắng Tam Chúc đủ điều kiện xếp hạng di tích quốc gia

Theo ông Thành, việc xếp hạng di tích quốc gia với khu danh thắng Tam Chúc "nhằm tạo căn cứ pháp lý bảo vệ tốt hơn những giá trị thiên nhiên, khảo cổ, đa dạng sinh học nơi đây".
Luật Di sản văn hóa quy định rõ, tiêu chí xếp hạng loại hình danh lam thắng cảnh là khu vực cảnh quan thiên nhiên đẹp hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù.
Quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc có tổng diện tích 5.000 ha, trong đó gần 1.000 hồ nước, 3.000 ha núi đá, rừng tự nhiên, thung lũng. Tam Chúc được bao bọc ba mặt bởi núi, phía trước là hồ Tam Chúc với 6 núi nhỏ.
Cục Di sản văn hóa nhận định, danh thắng Tam Chúc đáp ứng hàng loạt tiêu chí để xếp hạng di tích quốc gia. Địa điểm này có nhiều giá trị về cảnh quan, thiên nhiên với núi đá vôi, hồ Tam Chúc; có quần thể 100 vọoc mông trắng quý hiếm, các loài cá, chim sâm cầm, cò, vạc.
Đây là nơi cư trú của người Việt Cổ từ 10.000 đến 30.000 năm trước. Đình Tam Chúc thờ Đinh Tiên Hoàng và hoàng hậu Dương Thị Nguyệt. Chùa Tam Chúc cổ thờ thiền sư Nguyễn Minh Không và Phật hoàng Trần Nhân Tông. Vùng Ba Sao - Tam Chúc được hình thành từ hàng triệu năm trước, có giá trị khảo cổ học. Quần thể Tam Chúc đã được quy hoạch là khu du lịch trọng điểm quốc gia.
Hướng tới Đại lễ Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc
"Cho nên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới xếp hạng nó là danh lam thắng cảnh, với một khu vực rất rộng lớn, trong đó hồ và chùa chỉ là một khu vực nhỏ thôi. Giá trị về danh lam thắng cảnh mới là giá trị nổi trội, nên xếp hạng nó là danh lam thắng cảnh, không phải di tích kiến trúc nghệ thuật, không liên quan tới công trình trong đó", - ông Thành nhấn mạnh.
Trong hồ sơ, Cục Di sản không đánh giá tác động của chùa Tam Chúc mới (chùa lớn nhất thế giới) đến cảnh quan toàn bộ khu danh thắng. Cuối tháng 1, Thanh tra Chính phủ đã nêu ra hàng loạt sai phạm tại khu du lịch Tam Chúc, trong đó có dự án hạ tầng kỹ thuật.
Thảo luận