Nghị quyết 33/2023 của Chính phủ được kỳ vọng sẽ cứu lấy thị trường bất động sản ‘đầy khó khăn và bất thường’ với 2 nút thắt lớn nhất là vấn đề pháp lý và nghẽn dòng tiền.
Nghị quyết 33 tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Được kỳ vọng là giải pháp “cứu” lĩnh vực bất động sản, gỡ vướng về pháp lý, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, ở Nghị quyết này, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản.
Trong đó, tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án bất động sản, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu giá; Tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư, khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.
Chính phủ cũng kỳ vọng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, tăng nguồn cung, đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản hợp lý hơn, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.
Đối với Nghị quyết 33, Chính phủ nhấn mạnh sẽ đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và kịp thời giải quyết các thủ tục về đất đai, xây dựng của các dự án bất động sản để tăng nguồn cung cho thị trường.
“Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, giám sát có hiệu quả tình hình thị trường để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng thị trường "phát triển nóng" hoặc "đóng băng", tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ thổi giá BĐS lên cao để trục lợi, mất cân đối cung - cầu và đảm bảo vận hành lành mạnh theo cơ chế thị trường”, Chính phủ lưu ý.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đối với nguồn vốn tín dụng, Chính phủ nhấn mạnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Chính phủ yêu cầu có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn, trong đó cho phép giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…
Tập trung nguồn vốn cho các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên các dự án bất động sản nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch.
“Có biện pháp phù hợp, hiệu quả giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản”, Chính phủ chỉ đạo.
Về nguồn vốn, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12-12-2022 của Thủ tướng Chính phủ nhằm cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.
Chính phủ yêu cầu xem xét điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ.
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi.
Bộ Xây dựng, ngoài hoàn thiện thể chế, các chính sách pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản cần phối hợp với Ngân hàng nhà nước triển khai thực hiện chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi hơn lãi suất thị trường.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng cần sớm bổ sung hành lang pháp lý cho giao dịch chuyển nhượng bất động sản hình thành trong tương lai, bất động sản du lịch; mua bán chuyển quyền từ nhà đầu tư năng lực kém sang nhà đầu tư có năng lực để tăng cường thanh khoản, phát triển của thị trường.
Về trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính có các biện pháp, giải pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cầu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tiễn, theo tinh thần “lợi ích hài hòa, khó khăn, rủi ro chia sė”, theo đúng quy định pháp luật.
“Nghiên cứu phương thức doanh nghiệp bất động sản đàm phán, hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản”, Chính phủ yêu cầu.
Đồng thời, bảo đảm hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, lành mạnh, thông thoáng; kiểm soát tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.
Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền giám sát, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản và hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.
1 triệu nhà ở xã hội
Đối với các doanh nghiệp, Chính phủ lưu ý cần cơ cấu lại giá, sản phẩm phù hợp nhu cầu thực của thị trường và ưu tiên nguồn lực thanh toán nợ, nhất là nợ trái phiếu.
Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, phân khúc đang thiếu hụt trên thị trường, để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng người dân về nhà ở.
Nguồn vốn để xây 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn góp của 4 ngân hàng Agribank, BIDV, VietcomBank và VietinBank, cho chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.
NHNN trước đó cho hay, mức lãi suất gói tín dụng này sẽ thấp hơn 1,5-2% lãi suất vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trong từng thời kỳ. Nguồn vốn của gói tín dụng này có thể lớn hơn nếu có sự tham gia của các ngân hàng thương mại khác.
Tại Nghị quyết, Chính phủ thừa nhận, năm 2022 có nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng. Một số tồn tại, hạn chế kéo dài từ trước chưa thể khắc phục triệt để, như: hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số tồn tại, bất cập; nhiều dự án bất động sản tại các địa phương gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện dẫn đến nguồn cung bất động sản; nhà ở giảm nhiều so với thời gian trước; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp; trong khi thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, thị trường, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác với đại diện các Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và nhiều Bộ, ngành, địa phương khẩn trương, tích cực thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn cũng như lâu dài để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.