Dân nghĩ gì về kỳ họp bất thường bầu Chủ tịch nước và cuộc chiến chống tham nhũng?
Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa tổng hợp ý kiến của cử tri, nhân dân cả nước về kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định công tác nhân sự cấp cao bầu Chủ tịch nước.
SputnikKhông chỉ quan tâm đến Luật Đất đai (sửa đổi), cử tri cũng lo về tình trạng ùn ứ ở các Trung tâm đăng kiểm gây ảnh hưởng không nhỏ đối với người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thiếu thuốc, vật tư y tế ở các bệnh viện tuyến cuối, nạn cho vay, cầm đồ, đòi nợ thuê…
Cử tri nghĩ gì về tân Chủ tịch nước và công tác phòng chống tham nhũng?
Chiều 15/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 2 năm 2023.
Ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông tin về ý kiến, thái độ của cử tri, nhân dân, đồng bào cả nước đối với những quyết định quan trọng mang tính thời cuộc của Quốc hội.
"Cử tri và nhân dân hoan nghênh Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định công tác nhân sự cấp cao bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026", - ông Bình cho biết.
Như Sputnik đã thông tin, ngày 02/3/2023, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV đã bầu đồng chí Võ Văn Thưởng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
Việc
ông Võ Văn Thưởng được bầu giữ chức Chủ tịch nước thể hiện sự tin tưởng và tín nhiệm cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn thể nhân dân.
"Cử tri tin tưởng và kỳ vọng Chủ tịch nước sẽ hoàn thành xuất sắc vai trò người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại", - ông Dương Thanh Bình cho hay.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện, cử tri "tin tưởng và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp".
"Cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đánh giá cao việc kiên quyết xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân vi phạm thời gian gần đây, đặc biệt là đối với những người giữ cương vị cao trong bộ máy của Đảng, Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương", - ông Dương Thanh Bình nhấn mạnh.
Dân quan tâm đến Luật Đất đai (sửa đổi)
Báo cáo tại phiên họp hôm nay, ông Dương Thanh Bình cho biết, qua tổng hợp của Ban Dân nguỵện, cử tri và nhân dân bày tỏ sự vui mừng khi hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ được phục hồi và có những dấu hiệu khả quan.
Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, cử tri và nhân dân dành sự quan tâm đặc biệt đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo
Luật Đất đai (sửa đổi).
"Cử tri mong muốn việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm", - ông Bình nói.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý...
"Các ý kiến đóng góp của nhân dân cần được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)", - Trưởng Ban Dân nguyện bày tỏ.
Cử tri hoan nghênh Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức chất vấn tại Phiên họp thứ 21 và kết nối trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội.
Tại phiên chất vấn này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực toà án và kiểm sát được dư luận quan tâm trong thời gian qua như: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến; giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng và không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.
Dân lo về khủng hoảng đăng kiểm, thiếu vật tư y tế
Tuy nhiên, theo trình bày của ông Dương Thanh Bình, cử tri và nhân dân cả nước còn phản ánh và lo lắng về tình trạng động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Tum.
"Cử tri và nhân dân lo lắng về vấn đề thiếu thuốc, hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế đã xảy ra tại các bệnh viện tuyến cuối, ảnh hưởng lớn đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân", - theo báo cáo.
Do đó, Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị
Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sớm có giải pháp chiến lược lâu dài bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân.
Ngoài ra, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện liên hệ trực tiếp phụ huynh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn đang được nhập viện cấp cứu để chiếm đoạt tài sản; tình trạng bạo hành trẻ em ở trường mầm non tư thục, tình trạng ùn ứ tiếp diễn tại các Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông gây ảnh hưởng không nhỏ đối với người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
"Mặc dù đã được lực lượng đăng kiểm của ngành công an, quân đội hỗ trợ nhưng số lượng phương tiện cần đăng kiểm vẫn còn khá lớn cần tiếp tục có giải pháp đồng bộ hơn, hữu hiệu hơn nhằm khắc phục, ngăn chặn sai phạm có thể xảy ra trong thời gian tới", - người dân kỳ vọng.
Đồng thời, việc cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến gặp nhiều khó khăn, tình trạng quá tải ở các điểm đổi giấy phép lái xe trực tiếp.
Sự xuất hiện của phần mềm trí tuệ nhân tạo ChatGPT kết hợp thông tin đa chiều, hữu dụng nhưng tính bảo mật không cao, dễ đánh cắp thông tin, dữ liệu; tình trạng dịch vụ cầm đồ hoạt động theo hình thức doanh nghiệp tài chính tự ban hành lãi suất, phí cao, trái quy định.
"Tình trạng đòi nợ thuê núp bóng Công ty luật, Công ty mua bán nợ… khủng bố tinh thần người vay tiền, thậm chí cả người thân của người vay tiền gây bức xúc, hoang mang trong dư luận và Nhân dân, tác động lớn đến trật tự, an toàn xã hội; tình trạng lập công ty “ma” để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng", - ông Bình cho hay.
Cử tri mong Chính phủ chỉ đạo
Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan xử lý nghiêm minh trường hợp này.
Mặt khác, tình trạng yêu cầu người dân xuất trình các loại giấy tờ chứng minh thông tin về nơi cư trú… vẫn còn tiếp diễn; tình trạng chậm tiến độ thi công Dự án Cao tốc Bến Lức-Long Thành gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng sự phát triển kinh tế-xã hội…
Giảm khiếu nại, tố cáo
Theo Ban Dân nguyện, tính đến ngày 13/3/2023, Ban Dân nguyện đã nhận được 2.170/2.593 văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi đến trước và sau Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Cụ thể: Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 76/91 kiến nghị; Chính phủ, các Bộ, ngành đã tiếp nhận và trả lời 2.067/2.469 kiến nghị; Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận và trả lời 17/20 kiến nghị; các cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương đã tiếp nhận và trả lời 10/13 kiến nghị.
Đến nay còn 423 kiến nghị chưa được trả lời, Ban Dân nguyện đang tiếp tục đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của
Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 2/2023, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm nhiều so với tháng 1/2023.
Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 158 lượt với 319 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 158 vụ việc, trong đó có 86 vụ việc khiếu nại, 17 vụ việc tố cáo, 55 vụ việc kiến nghị, phản ánh và có 10 lượt đoàn đông người (so với tháng 1/2023, giảm 404 lượt với 620 công dân về 403 vụ việc và 16 lượt đoàn đông người).