Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, trong hai tháng đầu năm 2023, tổng vốn nước ngoài (gồm đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp) vào Việt Nam đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn triển khai thực tế đạt khoảng 2,55 tỷ USD, giảm 4,9%.
Những thách thức nào cho việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2023? Những giải pháp có thể là gì?
Tiến sỹ kinh tế - tài chính Lê Hòa đã có bình luận như sau: Có một thực tế chúng ta cần nhìn nhận rõ và minh bạch là hơn 80%
tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam và hơn 25% giá trị đầu tư trong nước là từ các nhà đầu tư ngoại, từ các công ty đa quốc gia khu vực và toàn cầu đang hoạt động tại Việt Nam. Có nghĩa là, việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vô cùng quan trọng đối với tăng trưởng cả xuất khẩu và cả thị trường tiêu thụ nội địa, và tiếp theo, đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia, việc vốn nước ngoài vào Việt Nam giảm là do tình hình kinh tế toàn cầu vẫn bất ổn trong bối cảnh xung đột địa chính trị đang tiếp tục và kéo dài, lạm phát vẫn tăng ở các nền kinh tế phát triển, lãi suất cao, sức cầu yếu.
Thực tế là trong nhiều năm qua các nhà đầu tư châu Á đã bơm rất nhiều tiền vào Việt Nam. Và cho tới nay, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư ưa thích của họ. Chúng ta hãy cùng nhìn lại một số chỉ số quan trọng: Trong 5 năm gần đây, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tiếp theo là Trung Quốc đại lục, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), cũng có
những đầu tư lớn vào Việt Nam.
Theo thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2018-2022, tổng vốn đầu tư vào Việt Nam của Singapore là 35,66 tỷ USD, của Hàn Quốc là 28,9 tỷ USD, của Nhật Bản – 18,28 tỷ USD, của Trung Quốc – 14,28 tỷ USD, của Hồng Công – 15,43 tỷ USD
“Hai tháng đầu năm 2023, Singapore và Đài Loan dẫn đầu về rót vốn vào Việt Nam, với quy mô lần lượt là gần 980 triệu USD và hơn 400 triệu USD. Theo khảo sát kinh doanh hàng năm công bố tháng 2/2023 của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), 60% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới ở Việt Nam”, - Tiến sỹ Hoàng Giang chia sẻ thông tin với Sputnik.
Trong bối cảnh các công ty đa quốc gia châu Âu đang đối mặt với những thách thức từ kinh tế vĩ mô và bất ổn cũng như sự gay gắt của cạnh tranh địa chính trị thì một số công ty đa quốc gia châu Á, trước hết thuộc các lĩnh vực bán lẻ, năng lượng tái tạo, logistics, điện tử - linh kiện… tìm cách mở rộng hoặc
đầu tư mới vào Việt Nam. Xuất hiện những nhà đầu tư mới, từ châu Á, một ví dụ điển hình như Central Retail của Thái Lan. Tập đoàn này cho biết sẽ đầu tư khoảng 1,45 tỷ USD vào Việt Nam trong 5 năm tới.
Theo TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang, nói về những ưu thế và thuận lợi của Việt Nam, trước hết phải nói tới sức hấp dẫn lớn của tiềm năngtự do tiếp cận 15 trong số 20 thị trường Nhóm các nền kinh tế phát triển G20 nhờ 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.
“Đối với các nhà đầu tư châu Á, Việt Nam gần gũi về địa lý và văn hóa, điều này cũng rất quan trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh. Ngoài ra, sự giàu có lên nhanh và mạnh của tầng lớp trung lưu Việt Nam cũng là một yếu tố hấp dẫn đối với họ - các nhà đầu tư châu Á”, - TS kinh tế Lê Hòa phát biểu với Sputnik.
“Việt Nam cũng đang phải đối đầu với những thách thức không nhỏ. Những lợi thế trước đây của Việt Nam giờ nhiều nước cũng có. Giá nhân công của Việt Nam không còn rẻ, chất lượng lao động cũng cần cải thiện, các nước khác cũng có chính sách đầu tư mở…"
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần phải làm rất nhiều để có thể thu hút được 36 - 38 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2023, tăng khoảng 30 - 37% so với năm 2022, theo như Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận định hồi đầu năm. Đó là hoàn thiện hạ tầng mềm và hạ tầng cứng, từ thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật, thuế… tới hạ tầng vận tải, logistics, môi trường, các nhân tố phát triển bền vững.