Theo bà Hồ Thị Thuỳ Dương (khách hàng bị mất tiền), đại diện Sacombank đã liên hệ thương lượng và bà đã gửi đề nghị được rút 25 tỷ đồng trong số gần 47 tỷ đồng liên quan vụ án tham ô tài sản ở ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín.
Sacombank bất ngờ thương lượng?
Động thái mới của Sacombank vụ khách gửi tiền ngân hàng mất gần 47 tỷ đồng.
Ngày 19/3, bà Hồ Thị Thùy Dương (ngụ ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết đã đề nghị Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho rút 25 tỷ đồng nằm trong số 46,9 tỷ đồng số tiền "không cánh mà bay" liên quan vụ một số cán bộ ngân hàng Sacombank tham ô tài sản.
Theo bà Dương tiết lộ với Zing, đề nghị trên được bà đưa ra sau khi luật sư Nguyễn Văn Trình, Trưởng ban pháp chế được Ngân hàng Sacombank ủy quyền, gọi điện cho bà đề nghị thương lượng, giải quyết vụ mất 46,9 tỷ đồng bà đã gửi trước đó.
“Ngay từ đầu, tôi muốn giải quyết sự việc trên tình thần hợp tác và chỉ muốn lấy lại tiền của mình bị mất. Sau khi ông Trình gọi điện, ngày 17/3, tôi đã có giấy đề nghị rút tiền gửi Ngân hàng Sacombank. Trong đó, tôi đề nghị ngày 21/3, phía ngân hàng trả 25 tỷ đồng từ tài khoản, còn 21,9 tỷ đồng còn lại tôi đề nghị được mở một sổ tiết kiệm tại Sacombank mang tên Hồ Thị Thùy Dương, có thời hạn 4 tháng”, - khách hàng bị mất tiền cho biết.
Cũng theo bà Dương, đến thời hạn rút tiền đề nghị, ngân hàng hoàn trả gốc và lãi theo quy định kể từ ngày bà Dương bị tạm giữ số tiền hàng chục tỷ này.
"Với tinh thần thiện chí, đến ngày 21/3, tôi đề nghị ngân hàng trả 25 tỷ đồng từ tài khoản số 0500420042321. Còn với số tiền 21,9 tỷ đồng, tôi đề nghị được mở 1 sổ tiết kiệm tại Sacombank mang tên Hồ Thị Thuỳ Dương, có thời hạn 4 tháng. Đến thời hạn rút tiền đề nghị, ngân hàng hoàn trả gốc và lãi theo quy định kể từ ngày tôi bị tạm giữ số tiền trên", - bà Hồ Thị Thuỳ Dương nêu rõ trong đơn đề nghị rút tiền.
Về "thoả hiệp mới", lãnh đạo chi nhánh Sacombank Khánh Hòa xác nhận Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh đã nhận được giấy đề nghị rút tiền của bà Dương.
Riêng đối với thông tin Sacombank cử người đại diện thương lượng với bà Dương, lãnh đạo chi nhánh Sacombank Khánh Hòa "không xác nhận" và cho biết việc thương lượng do hội sở quyết định.
Sacombank cũng không phản hồi báo chí về nội dung thương lượng và quan điểm của ngân hàng về đề nghị rút tiền của bà Dương. Nhà băng cũng không xác nhận có việc trao đổi với khách hàng và chỉ cho biết sẽ "có phản hồi sau".
Sacombank đã từng thương lượng với bà Hồ Thị Thuỳ Dương
Về phần mình, theo nạn nhân, khi sự việc chưa ồn ào trên báo chí, Sacombank đã ủy quyền cho người đại diện thương lượng với bà Hồ Thị Thuỳ Dương.
Sau đó, ngân hàng có văn bản ủy quyền cho luật sư thông báo đến bà Dương về việc Sacombank chấp nhận hỗ trợ tạm ứng số tiền 15 tỷ đồng cho bà Dương trong thời gian chờ kết quả xử lý của cơ quan Nhà nước.
Theo nội dung ủy quyền trên, khi nhận 15 tỷ đồng từ Sacombank, bà Dương phải: “Không thực hiện việc đăng tin, lan truyền thông tin này trên mạng xã hội và các phương tiện khác khi chưa có sự kết luận của cơ quan chức năng và sự đồng ý bằng văn bản của Sacombank”.
Tuy nhiên, bà Dương sau đó không chấp nhận việc tạm ứng số tiền 15 tỷ đồng từ Sacombank. Do đó, hai bên đã không tìm được tiếng nói chung.
Sau khi sự việc được báo chí đăng tải, một lần nữa đại diện Sacombank chủ động liên lạc với bà Hồ Thị Thùy Dương thương lượng và hỏi nguyện vọng của bà.
Sacombank tìm ra bằng chứng gì?
Theo bà Hồ Thị Thùy Dương, nhiều năm trước bà có mở tài khoản tại Phòng giao dịch Cam Ranh, Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Khánh Hòa.
Đến tháng 5/2022, khách hàng ghi nhận tài khoản của mình bị mất tiền và đã đề nghị ngân hàng trích lục sao kê. Qua đó phát hiện có tổng cộng 12 giao dịch (9 giao dịch rút tiền mặt và 3 giao dịch chuyển khoản) diễn ra từ 4/5/2022 đến 14/6/2022, với số tiền 46,9 tỷ đồng.
Theo bà Dương, tất cả giao dịch đều diễn ra trong khoảng thời gian 18h-21h. Rà soát thấy có 9 giao dịch bằng tiền mặt.
"Tất cả giao dịch đều không có mặt tôi và thực hiện ngoài giờ hành chính", - bà Dương nói và cho biết có một giao dịch chuyển khoản trót lọt với số tiền 11 tỷ đồng.
"Tài khoản do tôi quản lý, có đăng ký biến động số dư qua tin nhắn. Tuy nhiên, tất cả 12 giao dịch trên tôi không hề nhận được tin nhắn biến động số dư nào trong suốt thời gian dài", - bà Dương nói và cho biết không ủy quyền hoặc cho ai thay mặt mình để thực hiện các giao dịch.
Bà Dương cũng khẳng định không liên quan hay hợp tác làm ăn đến lãnh đạo Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh. Đòi tiền nhiều lần không được nên bà Dương buộc phải gửi đơn kêu cứu lên Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, như Sputnik đã thông tin, trong thông cáo báo chí hôm 17/3, ngân hàng Sacombank cho rằng bà Dương cung cấp thông tin một chiều, chưa đầy đủ và phản ánh không đúng bản chất sự việc.
Đáng chú ý, qua kiểm tra hồ sơ, Sacombank khẳng định phát hiện có bằng chứng vay mượn, hợp tác làm ăn ngoài xã hội giữa bà Dương và một số cá nhân nguyên là cán bộ nhân viên phòng giao dịch Cam Ranh trong nhiều năm.
Các bằng chứng đã được những người liên quan cung cấp và Văn phòng Thừa phát lại Khánh Hòa lập vi bằng ngày 16/10/2022.
Về 12 giao dịch mà bà Dương tố bị mất tiền, Sacombank khẳng định có đầy đủ chứng từ có chữ ký nhận tiền của bà Dương, bao gồm 9 phiếu nhận tiền mặt và 3 ủy nhiệm chi. Các tài liệu này đã được Sacombank chuyển giao cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa.
Còn về việc tạm ứng 15 tỷ, theo Sacombank, hôm 26/12/2022, bà Dương đề nghị ngân hàng hàng tạm ứng hỗ trợ 15 tỷ đồng nhằm duy trì hoạt động kinh doanh trong quá trình chờ điều tra. Ngân hàng chấp nhận, nhưng sau đó khách hàng thay đổi, không nhận tạm ứng.
Sacombank nêu rõ, ngân hàng không thoái thác trách nhiệm với khách hàng Hồ Thị Thùy Dương nói riêng và các khách hàng liên quan đến vụ việc xảy ra tại Phòng giao dịch Cam Ranh nói chung. Tuy nhiên, mọi việc cần xử lý tuân thủ quy trình và chờ kết luận từ cơ quan chức năng.
Từ đầu tháng 3/2022, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thuộc Bộ Công an đã có phiếu chuyển đơn thư của bà Hồ Thị Thùy Dương đến Công an tỉnh Khánh Hòa thụ lý, giải quyết.