Tiếp viên Vietnam Airlines bật khóc khi bị phát hiện xách ma tuý: Lộ điểm bất thường

Phòng Cảnh sát điều tra Tội phạm về ma túy Công an TP.HCM phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang điều tra vụ nhóm nữ tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airline xách hơn 10 kg thuốc lắc và ma túy trên chuyến bay VN10 từ Pháp về Việt Nam.
Sputnik
Công an hiện đang tạm giữ 4 nữ tiếp viên Võ Tú Quỳnh, Trần Thị Thu Ngân, Đặng Phương Vân.

Tiếp viên bật khóc khi bị phát hiện xách ma tuý

Theo thông tin ban đầu, 4 nữ tiếp viên này phục vụ trên chuyến bay VN10 (chặng bay CDG-SGN) hạ cánh lúc 8h10 ngày 16/3 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Qua kiểm tra hành lý 4 nữ tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines, lực lượng chức năng phát hiện hơn 10 kg ma túy được chứa trong các hộp kem đánh răng.

“Khi kiểm tra những tuýp kem đánh răng, nước súc miệng trong hành lý của các tiếp viên này, lực lượng chức năng tìm thấy 11,4kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp. Cụ thể gồm 8.400 gram viên nén màu xám, 3.080 chất bột màu trắng, tất cả các mẫu thử đều là ma túy”, ông Bùi Lê Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất thông tin tại cuộc họp báo ngày 17/3.

Nhà chức trách cho biết, trong hành lý của Võ Tú Quỳnh có 43 hộp kem đánh răng bên ngoài in chữ "Signal Expert White". 31 hộp trong số này chứa nhiều viên nén màu xám trọng lượng khoảng 2,18kg. 12 hộp còn lại chứa chất bột màu trắng trọng lượng khoảng 1kg. Trong hành lý của Nguyễn Thanh Thủy cũng có 43 hộp kem đánh răng bên ngoài in chữ "Signal Expert White", 31 hộp chứa nhiều viên nén màu xám trọng lượng khoảng 2,18kg, 12 hộp chứa chất bột màu trắng trọng lượng khoảng 1kg.
Trong hành lý của Đặng Phương Vân có 2.020 gram viên nén màu xám và 2.000 gram chất bột màu trắng; hành lý của Trần Thị Thu Ngân có 780 gram viên nén màu xám.
Vụ việc sau đó được Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất báo cho Công an TP.HCM. Hiện các đơn vị nghiệp vụ đang phối hợp lấy lời khai các nữ tiếp viên này để mở rộng điều tra.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho hay, lượng ma túy bị bắt trong vụ này rất lớn. Đây là vụ án lực lượng hải quan phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện vai trò bảo vệ an ninh. Nếu lượng ma túy này trót lọt vào Việt Nam thì tác động đến an ninh, xã hội sẽ khôn lường.
Vụ bắt giữ này cũng là lời cảnh tỉnh cho những người có rắp tâm lợi dụng những chính sách tạo điều kiện thông thoáng của Việt Nam để vận chuyển chất cấm.

“Thời điểm bị phát hiện, các nữ tiếp viên rất hợp tác”, ông Nghiệp thông tin và cho hay 4 nữ tiếp viên còn tỏ ra sửng sốt, bật khóc khi biết có ma túy trong hành lý. Họ khai rằng khi ở Pháp đã được một người (hiện chưa xác định danh tính) nhờ “xách tay một số hàng hóa về nước” và trả công hơn 10 triệu đồng.

Các tiếp viên cũng khẳng định, do quá mệt mỏi vì vừa trải qua chuyến bay dài, nên họ chỉ xem qua loa vài tuýp kem, không thấy có gì bất thường.
Vụ tiếp viên xách ma tuý về nước: "Bạn gửi ít đồ cho người nhà nên không đề phòng"

Tiếp viên có biết hàng xách hộ là ma tuý hay không?

Liên quan vụ 4 tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines bị điều tra vì mang ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất, một trong những việc quan trọng là phải xác định, nhận diện, lời khai của các nữ tiếp viên đúng hay sai.
Đánh giá về sự việc, TS Đặng Văn Cường, Giảng viên luật hình sự, Trường Đại học Thuỷ Lợi cho biết, nếu lời khai là đúng, các nữ tiếp viên này không biết đây là chất ma túy thì sẽ không bị xử lý về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Nếu họ biết đây là chất ma túy mà vẫn vận chuyển thì sẽ xử lý hình sự theo khoản 4, Điều 250 Bộ luật Hình sự.
Xét về mặt pháp lý, hành vi vận chuyển ma túy là có, đúng là chất ma túy, thỏa mãn các dấu hiệu về chủ thể, mặt khách quan và khách thể của tội phạm. Vấn đề còn lại là chứng minh mặt chủ quan của tội phạm (bao gồm: lỗi, động cơ, mục đích) làm căn cứ để xử lý hình sự hay không. Xác định người thực hiện hành vi có lỗi hay không là dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội danh này.
“Nếu chứng minh được lỗi cố ý thì sẽ đủ căn cứ xử lý hình sự. Việc chứng minh lỗi nói riêng về chứng minh về mặt chủ quan của tội phạm nói chung sẽ không chỉ căn cứ vào lời khai mà chủ yếu là căn cứ vào hành vi khách quan”, ông Cường nói.
Theo TS Đặng Văn Cường chia sẻ với Kinh tế và Đô thị, việc xác định lời khai của các nữ tiếp viên này là đúng hay không sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố. Trong đó có thể phân tích về giá cả loại hàng hóa này ở Việt Nam so với giá ở bên Pháp, loại hàng này có phổ biến ở Việt Nam không, tiền công vận chuyển như vậy có bất hợp lý không?
Tiền công vận chuyển 10 triệu đồng với khoảng hơn 10kg hàng, tính ra riêng công vận chuyển là khoảng 1 triệu đồng/kg là đắt hay rẻ, có hợp lý hay không? Giá kem đánh răng ở Pháp so với Việt Nam chênh nhau như thế nào? Nếu là các loại kem đánh răng thông thường thì vận chuyển về Việt Nam sẽ không có lời bao nhiêu, tiền chi phí vận chuyển có đến mức như vậy không?
Loại kem đánh răng này có chất lượng và giá cả như thế nào khi so sánh giá ở hai quốc gia? Tính giá mua, tiền thuế, các chi phí khác cho đến khi có được giá bán sẽ là những con số để xác định có nên buôn lậu kem đánh răng từ Pháp về Việt Nam hay không? Nếu vận chuyển trái phép như vậy về Việt Nam, liệu có bán được không, rủi ro như thế nào khi thực hiện hành vi này so với lợi nhuận có thể mang lại?
Đây là những căn cứ để xác định lời khai tiền công vận chuyển 10 triệu đồng cho số hàng hóa đó có hợp lý hay không? Các nữ tiếp viên này có biết đây là chất ma túy hay không để xác định có đủ căn cứ để xử lý về tội vận chuyển trái phép chất ma túy hay không.

Điều bất thường

Theo TS Đặng Văn Cường, thông thường với những vụ việc có nhiều nghi phạm, cơ quan điều tra cũng sẽ bóc tách từng nghi phạm để hỏi riêng từng người, phát hiện ra những mâu thuẫn trong lời khai, sẽ đấu tranh để xác định sự thật là gì.
Lời khai ban đầu cho thấy, các tiếp viên này vận chuyển kem đánh răng từ một người lạ không quen biết.
“Nếu người lạ không quen biết mà có thể nhận vận chuyển hàng về Việt Nam như vậy cũng là điều khá bất thường, vấn đề này sẽ được làm rõ. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ các tiếp viên này sang Pháp từ bao giờ, thời gian ở bên Pháp bao lâu và tiếp xúc với những ai? Việc vận chuyển hàng hóa về Việt Nam diễn ra bao nhiêu lần, diễn ra như thế nào, lần này tại sao lại bất thường như vậy? Hàng hóa này đã qua cửa khẩu hải quan sân bay Pháp như thế nào, tại sao lại trót lọt?”, ông Cường chỉ rõ.
Theo luật sư, cơ quan điều tra sẽ làm rõ diễn biến hành vi của những người này từ khi sang Pháp, thời gian cư trú lưu trú bên Pháp cho đến khi lên chuyến bay trở về nước. Việc giao nhận số hàng này giữa người lạ mặt với các tiếp viên được thực hiện như thế nào, họ có kiểm tra hay không, nếu kiểm tra tại sao lại không phát hiện? Nếu không kiểm tra thì tại sao lại tin tưởng người lạ đến vậy? Cần làm rõ với cơ quan quản lý về quy trình nghiệp vụ của tiếp viên như thế nào, những hành vi nào không được phép của tiếp viên hàng không để xác định hành vi vận chuyển hàng hóa có lỗi hay không, với nhận thức, trình độ nghiệp vụ thì liệu có phát hiện ra ma túy được giấu trong các loại hàng hóa này hay không?
“Hành vi khách quan sẽ thể hiện ý thức chủ quan là có biết đây là chất ma túy hay không, đây là vấn đề mấu chốt để xác định có xử lý hình sự đối với các nữ tiếp viên này hay không”, TS Đặng Văn Cường lưu ý.

Các tiếp viên đủ năng lực nhận thức rủi ro

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ với Dân trí, tiếp viên hàng không là nghề đặc thù mà trong quy định của luật hàng không, nội quy của hãng và chương trình đào tạo, các tiếp viên không được nhận, cầm hộ đồ của người khác từ nước ngoài về Việt Nam.
Quá trình đào tạo, các tiếp viên hàng không cũng được trang bị kiến thức, biện pháp an ninh cho bản thân bao gồm bảo đảm cách ly và giám sát hành lý cá nhân tránh trường hợp người xấu lợi dụng sơ hở và bỏ các vật phẩm cấm vào vali như chất gây cháy nổ, vũ khí, chất gây nghiện.
Luật sư nhận định, với nghiệp vụ và chuyên môn trong nghề, các tiếp viên có đủ năng lực, nhận thức và cả kỹ năng để biết những rủi ro và hậu quả họ có thể đối mặt nếu nhận cầm hộ hàng hóa từ bất kỳ cá nhân nào.
“Ngay cả trong trường hợp nếu đây chỉ là hàng hóa bình thường và không chứa chất cấm, thì việc tiếp viên nhận vận chuyển hàng hóa hộ người khác cũng là vi phạm nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp”, theo ông Tiền.
Hải Phòng: Bắt sư thầy "ôm" ma tuý đá
Trên thực tế, nhiều tiếp viên hàng không thường tranh thủ cơ hội "đánh" hàng xách tay về nước rồi bỏ mối cho các cửa hàng kinh doanh. Thậm chí, một số người còn vận chuyển "tiền đen", vàng, điện thoại di động, thuốc lá...Vụ việc vừa qua là lời cảnh tỉnh không chỉ cho những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng không mà còn đối với cả người dân khi tham gia các chuyến bay nội địa/ quốc tế.
“Để bảo vệ bản thân, người dân không nên nhận gửi hàng hóa thông qua các chuyến bay hàng không, đồng thời bảo quản hành lý cẩn thận khi làm thủ tục tại sân bay, tránh trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng đưa hàng hóa lạ vào trong vali của mình”, luật sư khuyến cáo.
Thảo luận