Sáng 20/3, đại diện VKSND Hà Nội tiếp tục đối đáp tại phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Thị Hà Thành (39 tuổi, ở Hà Nội) và 25 bị cáo khác liên quan vụ lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền hơn 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng và 4 cá nhân.
Trong phần tranh tụng, VKS đã nếu hướng giải quyết sổ tiết kiệm của các đại gia gửi tại ba ngân hàng này bị "siêu lừa" Hà Thành dùng thủ đoạn gian dối để cầm cố, vay tiền.
Theo đó, VKS xác định các ngân hàng là bị hại, thiệt hại của họ sẽ do Hà Thành bồi thường (VietAbank: 249 tỷ đồng, NCB: 47,5 tỷ đồng và PVcombank: 49,4 tỷ đồng). Ba ngân hàng phải trả 109 tỷ đồng cho các chủ sổ tiết kiệm.
Đại diện ba ngân hàng đồng loạt phản đối quan điểm này. VietAbank, PVcombank và NCB đều cho rằng, quan hệ giữa Thành và các đại gia là quan hệ vay tiền, hứa hẹn trả lãi cao và các ngân hàng chỉ là "công cụ đảm bảo", "công cụ tài chính" để rút tiền vay từ những đại gia này. Các bước gửi tiền, lập sổ tiết kiệm tại ngân hàng, theo đại diện PVcombank, đều là "giả tạo", phục vụ lừa đảo.
Đối đáp quan điểm này, đại diện VKS khẳng định không thay đổi quan điểm về tư cách tố tụng của ba ngân hàng và cho rằng phân tích của ba ngân hàng là "suy luận thiếu logic". Việc đánh đồng số tiền các đại gia gửi vào sổ tiết kiệm với số tiền Hà Thành vay ngân hàng là vô căn cứ, vì đó rõ ràng là hai nguồn tiền khác nhau.
"Thành làm mất tiền là mất tiền của ngân hàng, không phải làm mất tiền của chủ sở hữu sổ tiết kiệm", công tố viên đánh giá.
Đối với hợp đồng cầm cố tài sản đảm bảo liên quan những khoản vay của Hà Thành, VKS xác định Thành và đồng phạm đã giả mạo chữ ký trong hồ sơ vay vốn nên những khoản vay này không hề có tài sản đảm bảo. Đó là căn cứ để VKS truy tố 17 cựu cán bộ ngân hàng (trong 26 bị cáo) đã vi phạm các quy định về cho vay khi cấp tín dụng mà không có tài sản đảm bảo.
VKS nói trong vụ án này, phía ngân hàng sẽ không có lỗi trong trường hợp họ chứng kiến vợ chồng ông Toàn ký vào hợp đồng, hoặc kiểm tra trên hệ thống thấy chữ ký giống nhau. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án nêu vợ chồng ông Toàn không biết việc ký, vì vậy nhân viên ngân hàng đã làm sai. Điều này tạo điều kiện cho Hà Thành chiếm đoạt tiền của nhà băng bằng thủ đoạn giả mạo chữ ký của chủ sổ tiết kiệm.
“Việc Ngân hàng VietAbank tự ý tất toán các sổ tiết kiệm là không có căn cứ, vì thực tế từ tháng 12/2018, khi khởi tố vụ án Cơ quan ANĐT đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng không được tự ý tất toán các khoản tiền liên quan đến vụ án hình sự mà CQĐT đang giải quyết", VKS nhận định.
Ngoài ra, VKS cho rằng trong những năm qua, các ngân hàng vẫn sử dụng số tiền để đầu tư kinh doanh.
Theo kiểm sát viên, việc các cá nhân mất tiền (ông Toàn với tổng số tiền hơn 120 tỷ đồng, 4 cá nhân khác với tổng số tiền hơn 63 tỷ đồng) là mất mát rất lớn. Họ tin tưởng rằng mình gửi tiền vào các ngân hàng là an toàn, sẽ được đảm bảo.
Kiểm sát viên phân tích số tiền thiệt hại trong vụ án là rất lớn, nhưng so với lợi ích kinh doanh và thương hiệu các nhà băng gây dựng nhiều năm, nếu các ngân hàng cứ nhận là người liên quan, không phải bị hại và không giải quyết như đã cam kết khi khách hàng gửi tiền, là không phù hợp.
"Các ngân hàng cứ đòi thay đổi tư cách tố tụng, không bồi thường tiền cho người gửi sổ tiết kiệm, còn tự ý tất toán, rồi phong toả tài khoản, sổ tiết kiệm của khách hàng rất nhiều năm. Sau phiên toà hôm nay, những người chứng kiến phiên toà và nghe được những lời biện luận của VietAbank, PVcombank và NCB, giải quyết với khách hàng thế này thì còn ai yên tâm để gửi tiền vào nữa?", nữ công tố viên đối đáp.
Đại diện VKS đánh giá các pháp nhân ngân hàng kinh doanh về tài chính và tiền tệ nhưng khi tuyển dụng đã không đào tạo nhân viên quy củ, để những người như Nguyễn Thị Hà Thành có thể lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là lỗi của ngân hàng trong khâu đào tạo nhân viên.