Cái tin về khả năng công dân Việt Nam có thể đi lại trong ASEAN bằng căn cước công dân đang là một trong những chủ đề nóng sau khi tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, các nước trong ASEAN đang phấn đấu sẽ thống nhất các loại giấy tờ. Trong đó, Singapore và Malaysia là những nước đi đầu cho ý tưởng này. Ông Tô Lâm cũng nói rằng, việc đi lại trong cộng đồng châu Âu không cần visa, tiến tới ASEAN cũng thống nhất như vậy, công dân Việt Nam có thể đi lại trong ASEAN bằng căn cước công dân.
Hướng tới mô hình Schengen trong ASEAN
Đánh giá về thông tin trên, trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik, Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân Dân, Bộ Công an đã nói:
Trong những năm 1990 của thế kỷ trước, thế giới được biết đến một hiệp ước của các quốc gia Châu Âu, theo đó quy định quyền tự do đi lại của công dân các nước thành viên; còn đối với các quốc gia khác thì chỉ cần có thị thực nhập cảnh vào một trong các quốc gia tham gia hiệp ước là có thể đi lại tự do qua các quốc gia khác trong khối. Đó là Hiệp ước Schengen được ký kết ngày 14-6-1985 và có hiệu lực từ ngày 26-3-1995. Từ 6 quốc gia ban đầu gồm Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, đến đầu năm 2023, đã có 27 quốc gia Châu Âu tham gia Hiệp ước Schengen, trong đó có 22 quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU). Hiện nay, Bulgaria, Romania và Síp đang có đơn xin tham gia hiệp ước này.
Từ mô hình Schengen ở Châu Âu, chính phủ các nước thuộc Cộng đồng ASEAN cũng đang xúc tiến hình thành một cơ chế tương tự để giúp công dân các quốc gia trong Cộng đồng. Đi đầu là Singapore và Malaysia, hai nước từng ở chung trong một quốc gia trước khi bị chia tách năm 1965. Cơ chế này ra đời có thể giúp người dân đi lại thuận tiện, giúp tăng cường và đẩy mạnh việc thực thi các mục tiêu trụ cột của khối gồm: Xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh, xây dựng Cộng đồng Kinh tế và xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội. Đây là nhu cầu phát triển tự nhiên và hoàn toàn phù hợp với quy luật hợp tác, phát triển của ASEAN nói riêng cũng như của thế giới nói chung.
Những điểm tích cực
Trả lời câu hỏi của Sputnik về những thuận lợi sẽ có khi công dân Việt Nam có thể sử dụng căn cước công dân khi di chuyển trong ASEAN, Đại tá Nguyễn Minh Tâm đã có bình luận:
Khi được đi lại tự do qua biên giới mà không cần phải có thị thực nhập cảnh, công dân Việt Nam cũng như công dân các quốc gia thuộc Cộng đồng ASEAN có rất nhiều điều kiện thuận lợi để kết nối các mối quan hệ kinh doanh, du lịch, giao lưu nhân dân, phát triển quá trình thống nhất trong đa dạng; tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ giữa người dân các nước về văn hóa, lịch sử, tôn giáo và các nền văn minh. Việc đi lại tự do qua biên giới các quốc gia ASEAN còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc củng cố mạng lưới sản xuất khu vực thông qua việc liên kết cơ sở hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, viễn thông và thương mại điện tử với thúc đẩy chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sở hữu trí tuệ… nhằm xây dựng một khu vực kinh tế mở, năng động, linh hoạt và hấp dẫn. Mặt khác, việc tự do đi lại cũng giúp tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và phát triển thị trường lao động, đặc biệt là lao động tay nghề cao, phát triển kinh tế đồng đều, tạo khả năng hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.
Riêng đối với lĩnh vực chính trị và an ninh, việc đi lại tự do trong khối ASEAN lại cần có những điều kiện đảm bảo để phát huy tính tích cực, hạn chế những tiêu cực không mong muốn.
Điểm tích cực thứ nhất là nó sẽ giúp đẩy mạnh hợp tác về chính trị, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực thông qua giao lưu trực tiếp; giúp xây dựng một cộng đồng theo các giá trị, chuẩn mực chung; tạo dựng một khu vực gắn kết, hòa bình và tự cường với trách nhiệm chung đối với an ninh toàn diện. Điểm tích cực thứ hai là sự đi lại tự do đó sẽ giúp hợp tác xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại, hợp tác về quốc phòng - an ninh, tăng cường hiểu biết lẫn nhau nhằm ngăn ngừa xung đột; đồng thời, phối hợp nghiên cứu các biện pháp giải quyết xung đột bằng hòa bình và hợp tác, coi trọng hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Để bảo đảm phát huy những điểm tích cực của cả ba lĩnh vực nói trên, các quốc gia ASEAN còn cần phải làm nhiều việc để tiến tới một khu vực phi thị thực nhập cảnh hoặc tối giản một số thủ tục khi di chuyển qua biên giới các quốc gia trong cộng đồng như các nước Schengen đã làm.
Công việc của ít nhất 10 năm trước mắt
“Trước hết, cần lưu ý rằng việc tự do đi lại giữa các quốc gia trong khối Schengen ở Châu Âu không phải là tự do tuyệt đối. Trong đó, thứ được miễn trừ gần như duy nhất là thị thực nhập cảnh và thủ tục xuất cảnh giữa các nước trong khối. Còn lại nhiều vấn đề khác cần có sự thống nhất để bảo đảm an ninh cho tất cả các nước trong ASEAN như phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, phòng chống khủng bố, chống tội phạm ma túy, tội phạm buôn người, tội phạm rửa tiền, tội phạm buôn lậu, phòng ngừa dịch bệnh… cũng như bảo đảm tất cả các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống khác”, - Đại tá Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Tại Khoản 2, Điều 2 của Hiệp ước Schengen cho phép các nước ký kết có quyền tái thiết lập tạm thời việc kiểm soát biên giới hoặc một khu vực nhất định vì lý do an ninh đối nội và đối ngoại. Hai ví dụ rõ rệt nhất là Pháp đã tái thiết lập tạm thời sự kiểm soát bằng thị thực nhập cảnh trong thời gian diễn ra các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy (1944-2004) hoặc nước Đức cũng thiết lập tạm thời biện pháp tương tự khi Giải bóng đá thế giới FIFA WORLD CUP lần thứ 18 diễn ra tại đây năm 2006.
Về an ninh hàng không, Dù không có kiểm soát biên giới, những hành khách di chuyển bằng đường hàng không giữa các nước trong vùng Schengen vẫn phải trình thẻ căn cước hoặc hộ chiếu khi check-in. Đây là quy định riêng để bảo đảm an ninh của Tổ chức hàng không quốc tế (ICAO). Với tư cách là một thỏa thuận cấp khu vực, Hiệp ước Schengen không được quy định trái với quy định của ICAO là quy định cấp toàn cầu.
Vấn đề quản lý lưu trú của cư dân cũng là điều đáng quan tâm. Theo quy định của Hiệp ước Schengen, mọi khách sạn và nhà nghỉ trong vùng phải đăng ký tên, tuổi, số thẻ căn cước hay hộ chiếu của mọi công dân nước khác khi vào lưu trú, vì vậy khi check-in vào khách sạn hay nhà nghỉ, mọi người vẫn phải xuất trình thẻ căn cước hoặc hộ chiếu.
Cuối cùng, chính sách thị thực của khối Schengen đối với các nước ngoài khu vực Schengen khá phức tạp và có sự phân biệt giữa các quốc gia khác nhau.
“Từ khi Hiệp ước Schengen được ký kết cho đến khi nó có hiệu lực thi hành phải mất tới 10 năm để thiết lập các cơ chế chính thức và hỗ trợ thì việc thiết lập một khu vực kiểu Schengen của ASEAN không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Đó là công việc của ít nhất 10 năm trước mắt trong điều kiện các quốc gia ASEAN phải thật sự đồng tâm nhất trí và nỗ lực để thực hiện”, - Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân Dân, Bộ Công an đưa ra đánh giá, trả lời phỏng vấn của Sputnik.