Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 23/3, giới báo chí và dư luận đã được biết phản ứng chính thức của Việt Nam về Báo cáo Nhân quyền 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Sputnik xin giới thiệu cuộc phỏng vấn với Tiến sỹ Lịch sử và Quan hệ Quốc tế Hoàng Giang. Cuộc nói chuyện xoay quanh Báo cáo Nhân quyền 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và phản ứng của Việt Nam.
Quyền sống, quyền “bảo đảm sự toàn vẹn của con người” được pháp luật Việt Nam bảo vệ và thực thi đầy đủ, nghiêm minh, bình đẳng
Sputnik: Ngoại trưởng Mỹ Blinken hôm 20/3/2023 công bố Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2022. Trong đó, có nội dung là Việt Nam vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống. Bà có đánh giá như thế nào về cáo buộc này?
Tiến sỹ Lịch sử và Quan hệ Quốc tế Hoàng Giang:
Nhân quyền trước hết và tối thiểu nhất là quyền được sống của mỗi người, được pháp luật quốc tế và mỗi quốc gia bảo vệ như một điều tất yếu. Hệ thống pháp luật của Việt Nam về quyền con người ngày càng hoàn thiện. Quyền sống, quyền “bảo đảm sự toàn vẹn của con người” được pháp luật Việt Nam bảo vệ và thực thi đầy đủ, nghiêm minh, bình đẳng với tất cả mọi người, cả công dân Việt Nam và người nước ngoài sinh sống, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.
Kết luận trên của BNG Hoa Kỳ là không khách quan, dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng cẩn thận, những thông tin phiến diện về tình hình ở Việt Nam. Mục đích là gì? Mục đích là để làm xấu bức tranh tổng thể về nhân quyền ở Việt Nam, hạ uy tín của các cơ quan thi hành pháp luật Việt Nam, nhà nước Việt Nam, tiếp theo là gây áp lực cho chính quyền Việt Nam.
Điều phi lý là, lớn tiếng rao giảng về “nhân quyền”, phán quyết về “bảo đảm sự toàn vẹn của con người” của các nước khác, thì chính quyền Mỹ lại cố tình lờ đi những “lỗ hổng” lớn về vấn đề này ngay trong lòng nước Mỹ. Đó là vấn nạn bạo lực súng đạn, phân biệt chủng tộc, cảnh sát lạm sát,…
Việc Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2014-2016, hiện nay lần thứ hai Việt Nam là thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện nhiều điều trên nhiều phương diện. Việc này chứng tỏ Việt Nam được tín nhiệm, là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của HĐNQ, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Và những bước tiến đáng kể của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền được cộng đồng thế giới công nhận.
Kết luận của BNG Hoa Kỳ mang tính bóp méo tình hình nhân quyền tại Việt Nam
Sputnik: Trong Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022, phần liên quan tới Việt Nam có kết luận: Chính phủ Việt Nam không cho phép các tổ chức nhân quyền trong nước được thành lập và hoạt động. Nhà cầm quyền thường khẳng định việc vận động cho nhân quyền và dân chủ là hành động chống lại Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, Việt Nam còn bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trong các lĩnh vực khác như bắt và giam giữ tùy tiện; tù nhân chính trị. Bà có đánh giá gì về điều này?
Tiến sỹ Lịch sử và Quan hệ Quốc tế Hoàng Giang:
Từ năm 1997, Bộ Ngoại giao Mỹ năm nào cũng đều đặn ra Báo cáo nhân quyền với nhiều điều phi lý, trong đó có những đánh giá vô căn cứ về Việt Nam.
Trong vài năm gần đây, Hoa Kỳ núp dưới bóng nhân quyền, lợi dụng tối đa nhân quyền như là một công cụ để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, trước hết là các nước có hệ tư tưởng đối lập, các nước không chịu ảnh hưởng của họ, trong đó có Việt Nam. Mục đích là nhằm ép buộc những nước đó theo cái “trật tự thế giới” mà Hoa Kỳ chỉ đạo. Hoa Kỳ tự cho mình quyền đứng trên pháp luật quốc tế để đưa ra các báo cáo đánh giá nhân quyền tại các quốc gia, dân tộc khác có chủ quyền, có luật pháp của mình.
Có điều tình hình thế giới năm qua đã cho thấy, cái “trật tự thế giới” của Hoa Kỳ đang lung lay mạnh, một “trật tự thế giới mới” đang bắt đầu hình thành, trong đó sẽ ngự trì sự tôn trọng khác biệt về thể chế chính trị, văn hóa, tính cách của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.
Tôi đánh giá kết luận trên của Hoa Kỳ mang tính bóp méo tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Tôi khá ngạc nhiên là Hoa Kỳ đang rất mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam mà lại vẫn tiếp tục với một giọng điệu cũ, bề trên, và điều cốt lõi là giọng điệu xuyên tạc.
Một số nhân vật được gọi là “các nhà vận động cho nhân quyền” ở Việt Nam (đều là những lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ hoạt động có đăng ký tại Việt Nam) bị bắt trong năm 2022 là do vi phạm pháp luật Việt Nam, là do đã “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” để tung tin bịa đặt, không chính xác gây ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh, trật tự trong nước. Hoa kỳ, có thể nói, đã đánh tráo khái niệm nhân quyền trong trường hợp này, khi vấn đề ở đây là vi phạm pháp luật.
Nhà nước Việt Nam không bỏ tù các nhà báo, chỉ bỏ tù những kẻ vi phạm pháp luật
Sputnik: Báo cáo của BNG Hoa Kỳ cũng có nói về “những hạn chế nghiêm ngặt đối với quyền tự do ngôn luận, tự do Internet; việc truy tố một cách tùy tiện những người chỉ trích chính phủ; sự hạn chế các quyền tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại,v.v.”…
Tiến sỹ Lịch sử và Quan hệ Quốc tế Hoàng Giang:
Kết luận của BNG Hoa Kỳ mang đầy tính chủ quan và chụp mũ. Có ai không biết chính tại nước Mỹ cũng có sự kiểm duyệt báo chí khắt khe. Thực tế cho thấy, Hoa Kỳ đã hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí như thế nào trong hơn một năm qua, chưa kể giai đoạn trước đó. Từ khi Nga tiến hành Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina, họ đã cấm các kênh truyền thông của Nga, tức là hạn chế nghiêm ngặt việc tiếp cận các nguồn thông tin khác nhau của người dân. Và không chỉ vậy, thậm chí các chính trị gia, những người không cùng chính kiến ở Hoa Kỳ cũng còn bị “khóa mồm”, bị đóng tài khoản trên các mạng xã hội.
Kết luận của BNG Hoa Kỳ thể hiện quan điểm của chính giới Mỹ, chính xác hơn là quan điểm của những phần tử trong chính giới Mỹ có tư tưởng thù địch với Việt Nam, bênh vực những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam, chống đối Nhà nước Việt Nam.
Về vấn đề tự do Internet, Việt Nam có Luật An Ninh Mạng. Tới 70% các quy định trong Luật này có tính tương đồng với Luật An ninh mạng của nhiều nước trên thế giới. Trên thế giới có tới 128 quốc gia đã ban hành các đạo luật về an ninh mạng, trong đó có Hoa Kỳ.
Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được bảo đảm. Tôi muốn trích dẫn một ví dụ, đó là việc đưa tin về khủng hoảng Ukraina, về sự đối đầu của Nga với NATO, báo chí Việt Nam thường xuyên đưa tin dịch lại của các hãng tin phương Tây. Đôi khi đọc báo Việt Nam mà cứ tưởng là đọc tin của các hãng tin phương Tây, nhưng có cơ quan báo nào của Việt Nam bị phạt, bị cảnh cáo hay truy cứu trách nhiệm vì điều này hay không? Trên không gian mạng thì có đủ các kiểu quan điểm, bình luận khác nhau, chứng tỏ chính quyền Việt Nam không có định hướng báo chí trong vấn đề này. Nếu không có tự do báo chí thì làm sao mà họ có thể tự do đưa tin và bình luận như vậy?!
Việt Nam không bỏ tù các nhà báo, không bỏ tù những người chỉ trích chính phủ. Cáo buộc Việt Nam “truy tố một cách tùy tiện những người chỉ trích chính phủ; sự hạn chế các quyền tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại…” là một sự vu khống trắng trợn. Nhà nước Việt Nam chỉ bỏ tù những kẻ vi phạm pháp luật, bất chấp kẻ đó là ai, cuộc chiến chống tham nhũng là minh chứng rõ nét cho điều này.
Lần này phía Việt Nam phản ứng nhẹ hơn
Sputnik: Bà có đánh giá như thế nào về phản ứng của Việt Nam trước Báo cáo Nhân quyền 2022 của BNG Hoa Kỳ?
Tôi nhớ, khi CPJ (“Ủy ban bảo vệ nhà báo”) đưa Việt Nam vào danh sách 10 nước kiểm soát báo chí khắt khe nhất trên thế giới, trong đó nhóm 4 nước gồm Việt Nam, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út, Iran còn bị CPJ cho là đã bỏ tù và sách nhiễu các nhà báo cùng gia đình họ; cơ quan chức năng cũng có những biện pháp giám sát mạng, kiểm duyệt Internet, mạng xã hội, lúc đó Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã phát biểu:
“Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật dựa trên những thông tin không chính xác, thiếu khách quan về tình hình Việt Nam trong báo cáo nói trên”.
Còn tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 23/3/2023, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan việc Báo cáo Nhân quyền năm 2022 chứa đựng nội dung lên án một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam.
Và nói:
“Việt Nam lấy làm tiếc vì Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tiễn tại Việt Nam”.
Tôi đánh giá phản ứng lần này của phía Việt Nam nhẹ hơn, mang tính ngoại giao hơn, có lẽ vì Việt Nam đang có hợp tác kinh tế-thương mại rất tốt với Hoa Kỳ: Kim ngạch song phương Việt – Mỹ năm 2022 đạt hơn 123 tỷ USD, một con số rất ấn tượng. Và Việt Nam cũng đang tích cực thu hút đầu tư của Mỹ để phát triển kinh tế. Điều này thể hiện ngay trong phát biểu tiếp theo của bà Phạm Thu Hằng: Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở, trên tinh thần xây dựng với Mỹ về những vấn đề còn có sự khác biệt để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ.
Nói chung, phản ứng thì phản ứng, nhưng Việt Nam hướng tới hợp tác.
Sputnik: Cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn cho Sputnik.