Nhà mạng sẽ gửi tin nhắn liên tục trong ít nhất năm ngày, mỗi ngày ít nhất một lần để yêu cầu cập nhật dữ liệu.
Thuê bao bị dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày nhận thông báo, dừng hai chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo. 30 ngày sau đó, thuê bao không cập nhật sẽ bị chấm dứt hợp đồng.
Đã chuẩn hoá 1,8 triệu thuê bao
Ngày 29/3, thông tin từ ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, tính đến ngày 28/3 đã có hơn 1,8 triệu thuê bao thực hiện chuẩn hóa lại thông tin cá nhân.
Như vậy đã có 46,89% số thuê bao thuộc diện phải chuẩn hóa lại thông tin cá nhân đã thực hiện chuẩn hóa.
Dù vậy, hiện còn gần 2 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa lại thông tin cá nhân theo quy định.
“Số thuê bao này sẽ nằm trong diện có nguy cơ bị khóa thuê bao nếu không đăng ký lại thông tin cá nhân”, - theo đại diện Cục Viễn thông.
Ông Nguyễn Phong Nhã nêu rõ, từ ngày 31/3/2023, các nhà mạng bắtđầu khóa một chiều với những thuê bao có thông tin không trùng khớp với thông tin đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Sau đó sẽ khóa thông tin hai chiều với những thuê bao này và sau hai tháng sẽ chấm dứt hợp đồng nếu thuê bao không đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định”, - ông Nhã nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nhã, Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng cương quyết dừng hoạt động của các thuê bao có thông tin không chính xác theo quy định.
Không lùi thời hạn
Về phần các nhà mạng, những ngày qua, lượng khách hàng đến cửa hàng giao dịch để thực hiện chuẩn hóa thông tin cá nhân tăng mạnh.
Đối với hơn 50% thuê bao trong diện chuẩn hóa thông tin cá nhân nhưng chưa thực hiện, một số nhà mạng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép lùi thời hạn khóa thuê bao để cho nhiều người dân chuẩn hóa nốt thông tin thuê bao.
Trước đó, đại diện3 nhà mạng hàng đầu Việt Nam là Viettel, VNPT, Mobifone đã báo cáo về tình hình chuẩn hóa thông tin thuê bao di động thời gian vừa qua. Các đơn vị này cũng lo ngại, có khoảng 3,5 triệu thuê bao di động tại 3 nhà mạng này chưa có thông tin chưa trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khẳng định sẽ không lùi hạn cuối cùng là ngày 31/3 để các thuê bao thực hiện chuẩn hóa thông tin.
Theo ông Long, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng phải thực hiện nghiêm túc về vấn đề này.
“Bộ Thông tin và Truyền thông kiên quyết thực hiện nghiêm túc thời gian khóa thuê bao sau ngày 31/3, sau đó các nhà mạng tiếp tục chuẩn hóa lại thông tin cá nhân cho các thuê bao bị khóa”, - Thứ trưởng PhạmĐức Long nêu rõ.
Vì sao phải chuẩn hoá thông tin thuê bao?
Theo quyđịnh tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP, các thuê bao di động cần phải cung cấp các thông tin cá nhân chính xác (họ và tên, CMND/CCCD, ngày cấp và nơi cấp,…) với các nhà mạng.
Quyđịnh nhằm giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ và hạn chế tình trạng SIM rác trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động để đảm bảo trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hoạt động cần thiết, phải có sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội.
Qua đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng SIM điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định thực hiện hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hoá, trái với thuần phong mỹ tục…
“Cục Viễn thông mong nhận được sự hợp tác, cùng chung tay của các doanh nghiệp viễn thông di động cũng như khách hàng, người sử dụng dịch vụ”, ông Nguyễn Phong Nhã bày tỏ.
Cùng với đó, Cục Viễn thông lưu ý, theo dõi việc triển khai chuẩn hoá thông tin thuê bao sauđối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của nhà mạng và phản ánh của cơ quan truyền thông cho thấy, một số đối tượng lợi dụng việc doanh nghiệp thông báo (nhắn tin, gọi điện) đề nghị người sử dụng chuẩn hoá thông tin để thực hiện các hành vi mạo danh lừa đảo, quảng cáo vi phạm pháp luật.
“Nhằm hạn chế tốiđa những hành vi nêu trên, bảo vệ quyền lợi của người dân, Cục Viễn thông đề nghị khách hàng chỉ thực hiện theo thông báo cập nhật từ các kênh chính thức của doanh nghiệp viễn thông di động, sử dụng cho mục đích nhắn tin, gọi điện đề nghị chuẩn hóa thông tin thuê bao, chăm sóc khách hàng, tiếp nhận phản hồi”, đại diện Cục Viễn thông nhấn mạnh.
Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản thông báo 174/TB-VPCP năm 2022 chỉ đạo kết nối đồng bộ thông tin thuê bao di động với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết triệt để tình trạng SIM rác, tình trạng giả mạo giấy tờ.