Như vậy, mức tăng trưởng này chỉ cao hơn tốc độ tăng của năm 2020 - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và thấp thứ 2 trong vòng 13 năm.
Thông tin trên vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%.
Động lực tăng trưởng hiện nằm ở khu vực dịch vụ khi trong quý vừa qua tăng 6,79%, đóng góp 95,91% vào mức tăng chung.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I ước tính giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Chỉ số IIP ước tính giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%).
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/3 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,2% so với cùng thời điểm năm trước.
Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông lâm thuỷ sản chiếm tỷ trọng 11,66%, công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%, dịch vụ gần 44%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 9,22%. Cơ cấu này tương đồng với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý I, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD).
Tổng thu ngân sách Nhà nước quý I ước đạt 491.500 tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán năm và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 363.400 tỷ đồng, bằng 17,5% dự toán năm và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN-6 trong năm 2023 dự kiến đạt 4%. Trong đó, GDP Philippines được dự báo sẽ tăng trưởng cao nhất ASEAN-6, với tăng trưởng GDP ước đạt 5,3%. Đứng thứ hai là Việt Nam, với GDP quý I/2023 tăng 5% so với cùng kỳ.
CTCK Maybank (Maybank) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 ở mức 6.3%. Riêng quý 1/2023, tăng trưởng GDP dự kiến đạt 4.8% (so với 5.9% trong quý 4/2022). Trong khi đó, VCBS cho rằng tăng trưởng GDP quý I/2023 có thể đạt 5%-5,4%.