Lý do tư bản Mỹ cần nhắm tới Việt Nam
Lãnh đạo Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, Việt Nam đã trở thành quốc gia có tốc độ phát triển công nghiệp mạnh mẽ và hiệu quả về mặt chi phí.
SputnikLời khuyên được đưa ra là các doanh nghiệp và nhà đầu tư nên cân nhắc tiềm năng dài hạn của Việt Nam và nắm bắt các cơ hội tại thị trường này.
Đã là lựa chọn thay thế Trung Quốc từ trước Covid-19
Mới đây, ông Steven Cranwell, Tổng giám đốc khu vực châu Mỹ kiêm Giám đốc khu vực khối khách hàng doanh nghiệp châu Mỹ của Ngân hàng Standard Chartered, đã có bài viết phân tích lý do để các doanh nghiệp Hoa Kỳ cần quan tâm hơn tới Việt Nam.
Theo đó, Cranwell nhận định, trong những năm qua, thương chiến Mỹ - Trung đã mang đến nhiều lợi ích cho Việt Nam. Việc các công ty Hoa Kỳ phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng dưới dạng 'Trung Quốc +1’ đã giúp đưa tỷ lệ xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 9% trong giai đoạn 2018-2021.
“Tuy nhiên, điều quan trọng là Việt Nam vốn đã là một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc về sản xuất nói chung ở châu Á từ rất lâu, trước cả Covid-19 và triển vọng dài hạn của Việt Nam vẫn tươi sáng”, chuyên gia lưu ý.
Dù nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, đại diện Ngân hàng Standard Chartered cho biết vẫn tin tưởng vào triển vọng của Việt Nam.
“Môi trường kinh doanh thân thiện, vị trí chiến lược là cửa ngõ vào các thị trường đang phát triển nhanh khác, nguồn lao động dồi dào và có tay nghề, chi phí lao động cạnh tranh và nhiều chính sách ưu đãi. Đây là những yếu tố hấp dẫn đối với các công ty muốn mở rộng sản xuất trong khu vực”, ông Steven Cranwell viết.
Lấy ví dụ về Apple, ông Cranwell cho rằng, hãng này chưa có nhà máy tại Việt Nam, nhưng hiện đã có 31 công ty với 160.000 công nhân sản xuất và lắp ráp các bộ phận linh kiện cho các sản phẩm của Apple tại Việt Nam.
Trong khi đó, nhiều ông lớn công nghệ khác như Tập đoàn Intel cũng đang có kế hoạch tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, Nike cũng đang cho thấy sự quan tâm đến việc mở rộng đầu tư và sản xuất tại Việt Nam.
“Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng và Sản xuất tại Việt Nam của S&P Global đã gia tăng lên trên 50 điểm vào tháng 2 vừa qua. Đây là một dấu hiệu tích cực, cho thấy sức phục hồi của lĩnh vực sản xuất”, ông Cranwell chỉ ra.
Vì sao doanh nghiệp Mỹ cần nhắm tới Việt Nam
Đại diện Ngân hàng Standard Chartered nhận định, ASEAN có nhiều tiềm năng phát triển thịnh vượng trong dài hạn và đang trở thành một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới, nhờ sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu và cơ cấu dân số thuận lợi.
Không những thế, ASEAN còn là một trong số ít các khu vực mà mọi nền kinh tế lớn trên thế giới đều muốn tăng cường hoạt động đầu tư - kinh doanh với các cơ hội về thương mại, đầu tư, số hóa và tài chính bền vững.
Theo ông Cranwell, Standard Chartered sẽ là ngân hàng mang đến những sự tư vấn hiệu quả cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mở rộng tại ASEAN cũng như ra các khu vực khác.
“Hơn 90% trong số 500 nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu mà chúng tôi khảo sát gần đây đã đưa ra kế hoạch mở rộng ở ASEAN và hơn 80% trong số đó cho biết, họ sẽ tăng cường đầu tư vào khu vực này. Điều này đồng nhất với phản hồi từ những người tham gia khảo sát tại Hoa Kỳ, trong đó 92% hiện có kế hoạch và dự định mở rộng kinh doanh trong khu vực và 51% số đó hiện có hoặc dự định sản xuất tại Việt Nam”, ông Cranwell khẳng định.
Vấn đề của Việt Nam
Tuy nhiên, theo ông, dù vẫn lạc quan khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch mở rộng sang Việt Nam, nhưng phía trước vẫn còn những thách thức cần phải giải quyết.
Theo đó, nhiều ý kiến đề xuất Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là về cảng, hạ tầng giao thông vận tải và năng lực của ngành logistics nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng.
Bên cạnh đó, sự phụ thuộc của Việt Nam vào nguyên liệu thô từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới nỗ lực đa dạng hóa của các doanh nghiệp. Lý do là vì sản xuất có thể bị gián đoạn nếu nguồn cung từ Trung Quốc bị suy giảm hoặc gián đoạn. Chẳng hạn như, 70-80% nguyên vật liệu của ngành dệt may phụ thuộc vào Trung Quốc.
“Tuy nhiên, thách thức đi kèm với cơ hội. Để cải thiện mạng lưới giao thông quốc gia, Quy hoạch tổng thể cơ sở hạ tầng giao thông được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cấp tất cả cơ sở hạ tầng giao thông đến năm 2030 và giải quyết các vấn đề về giao thông của Việt Nam thông qua hình thức đầu tư công-tư”, ông Cranwell chỉ ra.
Theo ông, cho đến nay, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm RCEP, CPTPP, EVFTA hay UKVFTA. Những hiệp định này sẽ hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới và khu vực, cũng như giúp các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đa dạng hóa và tiếp cận nhiều thị trường hơn.
“Chúng ta kỳ vọng tiếp tục thu hút Đầu tư trực tiếp (FDI) góp phần tăng trưởng quốc gia nhờ các chính sách thuế và đầu tư hấp dẫn. Ví dụ, các lĩnh vực đặc biệt như chăm sóc sức khỏe, công nghệ, năng lượng tái tạo và phát triển cơ sở hạ tầng có thể nhận được mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi. Các dự án ở một số lĩnh vực và khu vực cụ thể cũng có thể được miễn giảm thuế nếu đáp ứng các tiêu chí cụ thể”, ông Cranwell chia sẻ.
Hình ảnh về trung tâm sản xuất mới
Đặc biệt, Việt Nam hiện nay còn có lợi thế để tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng khi các ngành công nghiệp chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng bền vững hơn.
Với việc ký kết thỏa thuận
Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Việt Nam sẽ được tiếp cận với nguồn vốn 15,5 tỷ USD từ khối tư nhân và chính phủ trong 3 - 5 năm tới để hỗ trợ chuyển dịch xanh các nguồn năng lượng tái tạo.
Với khả năng tiếp cận với nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác nhau tại Việt Nam, ví dụ như năng lượng mặt trời, gió, sinh khối và thủy điện, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tăng trưởng đáng kể khi thúc đẩy năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng bền vững và công nghệ khử cacbon.
Ông Cranwell khẳng định, Việt Nam có đầy đủ điều kiện trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất ở khu vực Ấn Độ Dương, đóng góp những khoản đầu tư đáng kể trong khu vực.
“Trước những căng thẳng địa chính trị khu vực kéo dài cùng với RCEP có hiệu lực và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực thì hình ảnh của Việt Nam là một thị trường tăng trưởng và trung tâm sản xuất sẽ ngày càng gia tăng, nhất là khi các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động tại ASEAN. Những doanh nghiệp nào nhận ra khía cạnh này chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều lợi ích”, đại diện Ngân hàng Standard Chartered nhấn mạnh.