Mới đây, trong một Báo cáo thị trường Crypto Việt Nam 2022 của một nền tảng tiền ảo có nhấn mạnh rằng, Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về việc chấp nhận tiền điện tử trong hai năm liên tiếp 2021 và 2022. Ngoài ra, Việt Nam còn là quốc gia có tỷ lệ người nắm giữ tiền điện tử lớn thứ hai ASEAN sau Thái Lan, và là một trong 5 quốc gia đi đầu về Blockchain. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào xác thực số liệu mà tổ chức trên đưa ra.
Hiện nay trên thế giới có hai loại tiền kỹ thuật số chính, một là tiền kỹ thuật số chính thống do Chính phủ, Ngân hàng Trung ương ở một số nước đã và đang nghiên cứu để phát hành. Cái này có khoảng trên 60 quốc gia trên thế giới nghiên cứu. Thứ hai là do một nhóm tự viết thuật toán để tạo ra sản phẩm mã hóa mà chưa được các nước công nhận.
Tại Việt Nam, các nhà đầu tư, cá nhân chủ yếu tham gia kênh thứ 2 là kênh không chính thống. Rõ ràng có thể có lợi nhuận do lướt sóng, do đầu cơ, nhưng cũng có thể rủi ro mất tiền do lỗi kỹ thuật, do lừa đảo, do biến động quá mạnh, nhất là những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính. Đây là một bất cập trong thực tế đang tồn tại.
Thậm chí, thời gian qua, nhiều trang cá nhân hoặc fanpage của các nghệ sĩ Việt Nam đăng bài quảng cáo dự án coin đa cấp đều có hàng trăm nghìn đến hơn 1 triệu lượt theo dõi, lượt tương tác bài viết từ hàng trăm đến chục nghìn. Những bài quảng cáo tiền mã hóa tiếp cận đến rất nhiều người, đặc biệt trong bối cảnh tiền số đang trở thành xu hướng như hiện nay.
Trao đổi với Sputnik về nguyên nhân tiền ảo bùng nổ trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong nhìn nhận:
“Nhìn chung tiền điện tử mới du nhập vào Việt Nam trong thời gian ngắn, nhưng đang bùng nổ khá nhanh. Có 2 lý do chính. Thứ nhất, trong thời kỳ Covid-19 khi mọi người không có nhiều cơ hội đầu tư, thì họ coi đầu cơ đầu tư điện tử là kênh đầu tư tạm thời. Thứ hai, nó khá mới mẻ, thông tin chưa đầy đủ. Cộng thêm những lời quảng cáo và lời hứa có cánh như sinh lời nhanh, an toàn,... Từ đó, tạo ra sự bùng nổ”.
Thế nhưng, thực tế ít chiều lòng người. Chuyên gia kinh tế chỉ ra những rủi ro từ những sàn giao dịch “ảo”, đó là đòi hỏi người tham dự phải đưa tất cả thông tin cá nhân, tên tuổi, địa chỉ chứng minh nhân dân, có thể được sử dụng một cách bất hợp pháp.
Không chỉ có rủi ro về tiền bạc, mất dữ liệu cá nhân, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ an ninh quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao như khủng bố, rửa tiền,... Mới đây, một công dân Việt Nam bị FBI truy nã với cáo buộc có liên quan đến hành vi đánh cắp thông tin cá nhân, trộn tiền mã hóa, giúp tội phạm mạng rửa số tiền số trị giá hơn 3 tỷ USD.
“Gần đây, hiện tượng này đang chìm dần do thực tế bộc lộ những rủi ro, nguy hiểm. Cơ quan chức năng đã xử lý một số môi giới lừa đảo. Và thực tế, nhiều nhà đầu tư không đạt như kỳ vọng nên cũng đã giảm dần. Đối với người dân cần hết sức cảnh giác. Thứ nhất, tiền điện tử ở đây không phải là tiền. Tiền ảo chỉ là một sản phẩm công nghệ, là trò chơi điện tử, công nghệ, một sản phẩm số, không có tác dụng gì cả. Tiền dưới dạng Ngân hàng Nhà nước Trung ương phát hành của các nước phát ra. Đó mới thực sự là tiền (ở dưới dạng điện tử). Thứ hai, Nhà nước Việt Nam không công nhận nó nên không có đủ pháp lý để xử lý. Mọi hoạt động đều là bất hợp pháp cả, hoặc không được bảo lãnh”, TS. Nguyễn Minh Phong đưa ra lời cảnh báo.
Để quản lý những bất cập này, hiện Chính phủ Việt Nam đã giao cho NHNN kết hợp cơ quan chức năng để xây dựng hành lang pháp lý, song đến nay vẫn chưa trình Quyết định chính thức. Cũng theo ông Phong, Việt Nam cần có cơ sở hợp pháp, hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn để quản lý.
Nhìn nhận kinh tế số ngày càng trở thành một động lực quan trọng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trước những ý kiến cho rằng, kinh tế số cần có tài sản số, cần một khung pháp lý đối với các tài sản mã hóa ở Việt Nam, bao gồm tiền mã hóa, các NFT và các sàn giao dịch các loại hình này, TS Phong bày tỏ rõ quan điểm:
“Hiện nay Việt Nam đang có các tài sản số rồi, ví dụ như các tài khoản định danh. Còn tiền điện tử kia, họ nói vậy để mập mờ. Đó không phải là tiền, nên không thể coi là tài sản số, đánh đồng với chủ trương chuyển đổi số được. Đây là cách nói ngụy biện, mang tính chất mập mờ, không rõ ràng, không minh bạch”.