Hoà Phát dồn lực cho "quả đấm thép" 3 tỷ USD và "tiên tri" của ông Trần Đình Long

Chia sẻ thẳng thắn tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) diễn ra sáng nay 30/3 ở Hà Nội, tỷ phú Trần Đình Long bày tỏ, ngành thép Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung "còn xấu hơn" cả dự đoán của ông năm ngoái.
Sputnik
Nói về việc Hòa Phát từng bị chê dùng tiền kém khi để không hàng chục nghìn tỷ đồng ở ngân hàng, ông Trần Đình Long cho rằng, người chê Hoà Phát bảo thủ giờ đã phải đổi ý.
Hiện, Dung Quất II như "quả đấm thép" và Hòa Phát sẽ dồn toàn bộ nguồn lực hiện tại vào dự án này.

Hoà Phát đang làm ăn ra sao?

Sáng 30/03, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2023.
HĐQT trình Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch không chia cổ tức năm 2022, theo đó, toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi trích quỹ sẽ được dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là thông tin gây chú ý.
Theo báo cáo tại Đại hội hôm nay, năm 2022, Hòa Phát đạt 142.770 tỷ đồng doanh thu, giảm 5% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 8.444 tỷ dồng, chỉ bằng 24% của năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ 2008, biên lợi nhuận của quý bị âm.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của "ông lớn" ngành thép Việt Nam như lĩnh vực bất động sản đột ngột đảo chiều vào giữa quý 2 và trầm lắng đến hết năm, làm sụt giảm mạnh cả cầu và giá thép xây dựng; giá than luyện cốc lên cao gấp 3 lần thông thường vào tháng 3 và tháng 5/2022, duy trì mức giá cao hơn 1,5 lần năm 2021 cho đến hết năm làm biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát giảm từ 27% còn 12%; giá USD tăng mạnh liên tục trong năm và đảo chiều hạ sâu vào cuối năm, Hòa Phát lỗ ròng tỷ giá 1.858 tỷ đồng; lãi suất tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm.
Năm 2023, Hoà Phát đặt mục tiêu tiếp tục đầu tư xây dựng Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; hoàn thành và đưa vào chạy thử Nhà máy sản xuất Container. Về doanh thu, Hoà Phát hướng đến mốc 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8.000 tỷ đồng – giảm 5% so với năm trước.
Nước đi khôn ngoan của "Vua Thép" Hoà Phát

Ngành thép còn "xấu hơn cả dự báo"

Năm qua, Hòa Phát gặp nhiều "cơn gió ngược", từ giá nguyên liệu đầu vào cao và giá thép giảm mạnh cho tới bối cảnh vĩ mô bất lợi và thị trường bất động sản trầm lắng.
Dù đã “tiên tri” trước ngành thép sẽ "thê thảm", nhưng kết quả thực tế vẫn khiến vị Chủ tịch Hòa Phát bất ngờ.
"Năm 2022, ngành thép Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trải qua chu kỳ khó khăn. Tôi đã dự đoán tại ĐHCĐ năm ngoái và thành thật là nó còn xấu hơn dự đoán", - Chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ tại đại hội và nhấn mạnh, năm 2022 đánh dấu lần đầu tiên Hòa Phát ghi nhận 2 quý lỗ nặng liên tiếp.
Tuy vậy, theo ông Long, nếu tính cả năm 2022, kết quả kinh doanh của Hòa Phát "không tồi", vẫn hơn 8.4 ngàn tỷ đồng. Lãnh đạo Hoà Phát cho hay, đặt trong bối cảnh chung của ngành thép, Hòa Phát tự hào là kết quả kinh doanh 2022 không tồi.
"Đó là sự cố gắng của hơn 30.000 nhân viên cùng Ban điều hành", - theo Chủ tịch Hoà Phát, ở nhiều góc độ, có thể tự hào rằng, kết quả này là tốt khi mà lợi nhuận sau thuế của HPG vẫn bằng tất cả các công ty thép trên sàn cộng lại.
Giải thích về lý do không chia cổ tức (dù bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu), ông Long cho hay, nguyên nhân là nhu cầu về vốn của năm 2023 rất lớn.
Theo lãnh đạo tập đoàn, đến nay, tổng đầu tư giai đoạn 2 cho dự án Dung Quất tính riêng phần tài sản cố định là 75.000 tỷ (trên 3 tỷ USD). Dự án này được thực hiện bằng vốn tự có kết hợp với vay ngân hàng.
"Ngoài ra, giai đoạn này, trên lãnh thổ Việt Nam không có nhiều dự án quy mô 3 tỷ đô như Hòa Phát, nên phải nói là chúng tôi đang tập trung toàn lực cho quả đấm thép trên 3 tỷ đô. Chỉ một dự án này bằng 1.000 dự án vừa và nhỏ, bằng 100 dự án lớn khác", - ông Trần Đình Long giải thích.
Cần phải nói, theo lời ông Long, Hòa Phát phải tự lực chứ không có sự hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài nào cả. Do đó, ông nhấn mạnh, Hòa Phát đang cần rất nhiều vốn, việc trả cổ tức bằng tiền mặt là không hợp lý và không có nguồn để làm điều đó.
Hệ quả trừng phạt Nga, cú hắt hơi của Mỹ và lời tiên tri ‘như thần’ từ ông Trần Đình Long

Những người chê Hoà Phát giờ đã phải đổi ý

Thông tin thêm tại Đại hội, ông Trần Đình Long cho biết, đến hết năm 2024, đầu năm 2025, khi nhà máy Dung Quất 2 ra đời, Hòa Phát sẽ tăng doanh thu thêm 80.000 - 100.000 tỷ nữa từ mặt bằng 150.000 tỷ như năm qua. Ông ví Dung Quất 2 như "quả đấm thép".
"Hòa Phát sẽ dồn toàn bộ nguồn lực hiện tại vào đây", - ông Trần Đình Long cho biết.
Ông Trần Đình Long thông tin, việc đầu tư ở nước Úc với các mỏ quặng, mỏ than… cũng tạm dừng. Do chu kỳ của ngành thép ở giai đoạn thoái trào nên kế hoạch kinh doanh không được như tính toán.
Đặc biệt, ông Trần Đình Long nhắc lại, sự thận trọng trước đây của Hòa Phát đã được chứng minh đúng đắn và là yếu tố cần thiết để vững vàng trên thương trường. Năm ngoái, cổ đông đặt vấn đề về việc Hoà Phát giữ quá nhiều tiền mà không chia cổ tức cho cổ đông.
"Nhiều người trên thương trường chê HPG bảo thủ, nay phải thừa nhận là chúng tôi đúng. Để vững vàng như vậy thì chúng ta phải chấp nhận có biện pháp đặc biệt. HĐQT tạm dừng tất cả các hoạt động đầu tư không chỉ ở Úc để tập trung vào Dung Quất 2, sức cũng chỉ đến thế thôi", - lãnh đạo Hoà Phát khẳng định.

Hoà Phát sẽ tập trung vào mảng thép chất lượng cao

Nhìn lại, tỷ phú Trần Đình Long cho biết, giai đoạn khó khăn, khốc liệt nhất của ngành thép đã qua. Hòa Phát và doanh nghiệp ngành thép có nội lực tốt, nhưng tương lai triển vọng vẫn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Ông mong muốn Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công.
Cập nhật tình hình kinh doanh quý 1, lãnh đạo Hoà Phát cho biết, trong bối cảnh ngành thép khó khăn, tồn kho cao, chi phí vốn lớn, tỷ giá tăng, ban điều hành Hòa Phát quyết định giảm sản lượng bằng cách ngừng hoạt động của lò cao. Cụ thể, Hòa Phát dừng 4 lò và đầu tháng 1 đã chạy lại 1 lò.
Đầu tháng 4 tới, công ty chạy lại lò thứ 2, còn 2 lò sẽ chạy nốt trong quý 2. Việc chạy lại dựa trên tình hình thị trường. Thời điểm hiện tại, ban lãnh đạo đánh giá tình hình tiêu thụ thép chưa tốt, giá nguyên vật liệu vẫn cao và vẫn phải duy trì chính sách tồn kho thành phẩm thấp để giảm thiểu rủi ro khi giá nguyên vật liệu giảm.
Đối với Quý 1, tháng 1, 2 vẫn lỗ nhưng thấp hơn dự kiến. Tháng 3 chưa có số liệu cụ thể, nhưng cũng đã tốt hơn.
Đáng chú ý, tỷ phú Trần Đình Long cũng cho biết, từ nay trở đi, Hòa Phát sẽ chuyển rất mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, nhường sân chơi thép cơ bản (như thép xây dựng) cho doanh nghiệp khác.
"HPG sẽ đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo, cho ngành đóng tàu, ô tô, ốc vít, dự lực", - ông Trần Đình Long tuyên bố.
Hòa Phát quyết định "cầm máu": Vì sao nhu cầu thép Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng?
Trả lời về phát ngôn "Hòa Phát không thể làm thép mãi được", ông Long giải thích đó là định hướng dài hạn, là con đường mà tất cả tập đoàn lớn phải đi, nhưng trong ngắn hạn thì không dễ thực hiện.
"Về mặt lý thuyết, không để trứng vào một giỏ là đúng, nhưng thực tế cuộc sống không dễ thực hiện. Trong suy nghĩ của tôi cũng luôn hướng về đa dạng hóa. Nhưng trong ngắn hạn, điều này không dễ thực hiện", - ông bày tỏ.

Bất động sản

Nói về hoạt động đầu tư bất động sản, Hòa Phát hiện đầu tư chính trong hai mảng là khu đô thị và khu công nghiệp, đây là hai mảng kinh doanh riêng biệt không liên quan đến nhau. Tuy nhiên, theo ông Long, quan điểm của ban lãnh đạo Hòa Phát vẫn là triển khai dự án chắc chắn, thông qua nghiên cứu, đề xuất dự án mới với các địa phương và hạn chế mở rộng quỹ đất thông qua mua bán, sáp nhập (M&A) thời điểm này.
Với bất động sản khu công nghiệp, Hòa Phát đã có 20 năm hoạt động và đang vận hành 4 khu công nghiệp. Ông Trần Đình Long cho biết tập đoàn đang đăng ký để đầu tư thêm 4-6 khu công nghiệp trong thời gian tới.
Tuy nhiên, mảng kinh doanh này không mang lại quá nhiều lợi nhuận nhưng có tính ổn định, tỷ suất lợi nhuận cũng không quá cao nhưng không quá tồi.

"Hòa Phát có kinh nghiệm hơn 20 năm nên cứ thế mà chạy kế hoạch đến năm 2030, Hòa Phát sẽ vận hành 10 khu công nghiệp", - ông Long chia sẻ.

Chia sẻ về mảng sản xuất container, tỷ phú Trần Đình Long cho biết nhà máy sản xuất container dự kiến đến hết tháng 4 sẽ hoàn thiện khâu cuối cùng. Và đến tháng 5-6, Hòa Phát sẽ hoàn thiện thủ tục lắp đặt, giấy chứng nhận và đi vào sản xuất thử.
Tuy nhiên, hiện giá cước vận tải tàu biển đã quay về thời điểm trước dịch Covid-19 nên ngành sản xuất container dự báo gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, Hoà Phát không phải đi vay để làm nhà máy này sẽ không gặp quá nhiều khó khăn.
Thảo luận