Động thái của Bộ GTVT sau vụ tiếp viên xách ma tuý

Ngày 30 tháng 3, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) công bố dự thảo Thông tư quy định về kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không, trong đó đề xuất đình chỉ ngay công việc với 8 vi phạm của nhân viên hàng không.
Sputnik
Đây là diễn biến đáng chú ý nhằm siết chặt kỷ luật lao động ngành hàng không của Bộ GTVT sau vụ việc tiếp viên hàng không Vietnam Airlines xách ma tuý từ Pháp về Việt Nam gây rúng động dư luận thời gian qua.

Chức danh nhân viên hàng không

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không, trong đó, quy định 8 hành vi vi phạm sẽ bị đình chỉ ngay công việc.
Dự thảo Thông tư mới này có một số thay đổi đáng chú ý so với quy định hiện hành về chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.
Theo Dự thảo, đối tượng áp dụng trong các chức danh nhân viên hàng không đã tăng từ 14 lên 16 đối tượng.
Hai đối tượng được áp dụng thêm gồm: Nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay; nhân viên bản đồ, sơ đồ, dữ liệu hàng không.
Danh sách các chức danh nhân viên hàng không gồm:
a) Thành viên tổ lái bao gồm lái chính, lái phụ và nhân viên hàng không khác phù hợp với loại tàu bay;
b) Giáo viên huấn luyện bay;
c) Tiếp viên hàng không;
d) Nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay;
đ) Nhân viên điều độ, khai thác bay;
e) Nhân viên không lưu;
g) Nhân viên thông báo tin tức hàng không;
h) Nhân viên bản đồ, sơ đồ, dữ liệu hàng không;
i) Nhân viên thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không;
k) Nhân viên khí tượng hàng không;
l) Nhân viên thiết kế phương thức bay;
m) Nhân viên tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng;
n) Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không.
o) Nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay;
p) Nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay;
q) Nhân viên cứu nạn, chữa cháy tại cảng hàng không, sân bay
Tiếp viên Vietnam Airlines bật khóc khi bị phát hiện xách ma tuý: Lộ điểm bất thường

Đề xuất đình chỉ ngay công việc với 8 vi phạm của nhân viên hàng không

Theo Điều 5 dự thảo Thông tư, nhân viên hàng không sẽ bị tạm đình chỉ ngay công việc trong 8 trường hợp gồm:
1.
Vi phạm các quy định, nội quy gây sự cố, tai nạn, uy hiếp an toàn, an ninh hàng không;
2.
Bị điều tra, khởi tố trong các vụ án hình sự;
3.
Tự ý bỏ vị trí làm việc;
4.
Uống rượu, bia trong giờ làm việc hoặc có nồng độ cồn trong máu, hơi thở trong khi thực hiện nhiệm vụ;
5.
Trộm cắp, chiếm đoạt trái phép tài sản của tổ chức, cá nhân;
6.
Lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa;
7.
Sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng khác theo quy định;
8.
Đánh bạc, gây rối, làm mất an ninh, trật tự tại nơi làm việc.

"Chế độ tiền lương trong thời gian tạm đình chỉ sẽ được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Lao động", - Bộ GTVT lưu ý.

So với Thông tư cũ, dự thảo Thông tư mới bổ sung quy định những hành vi vi phạm pháp luật hình sự, thời gian tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định của pháp luật hình sự.
Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ các trường hợp "không bố trí làm việc tại vị trí chức danh nhân viên hàng không" đối với nhân viên có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp gồm:
1.
Cố ý vi phạm các quy định, nội quy trực tiếp gây tai nạn hàng không hoặc sự cố hàng không nghiêm trọng;
2.
Bị kết án trong các vụ án hình sự;
3.
Trộm cắp, chiếm đoạt, huỷ hoại trái phép tài sản của tổ chức, cá nhân;
4.
Lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa;
5.
Sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng khác theo quy định.
"Những người sử dụng nhân viên hàng không có trách nhiệm quy định quy trình, thủ tục thực hiện kỷ luật lao động đặc thù phù hợp với tổ chức, hoạt động của đơn vị", - Bộ GTVT nhắc lại.
Đồng thời, phải báo cáo Cục Hàng không Việt Nam khi nhân viên hàng không có hành vi vi phạm quy định, cũng như thông báo cho cảng vụ hàng không trong trường hợp hành vi vi phạm xảy ra tại cảng hàng không, sân bay thuộc phạm vi quản lý của cảng vụ hàng không.
Tiếp viên Vietnam Airlines xách ma tuý: Tác hại chết người của ketamine và MDMA

Ảnh hưởng đến hình ảnh của thương hiệu quốc gia

Trước đó, như Sputnik đề cập, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 1480 về việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với nhân viên hàng không. Chỉ thị này được nhà chức trách ban hành ngay sau vụ 4 tiếp viên hàng không vận chuyển trái phép hơn 11 kg ma túy vào ngày 16/3 vừa qua.
"Vụ việc đã gây sự chú ý rất lớn của công luận, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thương hiệu quốc gia và cho thấy tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn an ninh hàng không nếu không được chấn chỉnh kịp thời", - Cục Hàng không khẳng định.
Thực tế, dù lãnh đạo ngành hàng không Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 2677 ngày 20/6/2022 đề nghị nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu lĩnh vực phụ trách trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tuy nhiên, vụ việc các nữ tiếp viên của Vietnam Airlines xách ma tuý về Việt Nam cho thấy quy định này không được thực hiện nghiêm túc.
Các thông tư của cục Hàng không đều quy định rõ: "Tạm đình chỉ ngay công việc của nhân viên hàng không đang đảm nhiệm khi xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa".
Tuy nhiên, những vụ tiếp viên, phi công Việt Nam bị bắt giữ vì tiếp tay buôn lậu, thậm chí tuồn hàng cho các thành viên khác trong đoàn bay tiếp tục xảy ra, gây ảnh hưởng lớn tới hình ảnh của hàng không Việt Nam.
Làm "mạnh tay", Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không kiên quyết không sử dụng vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng đối với các trường hợp lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa...
"Các hãng hàng không Việt Nam chủ động bố trí các biện pháp phòng ngừa để hạn chế tối đa hành vi vi phạm về vận chuyển hàng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động của tổ bay", - Cục Hàng không Việt Nam nhắc lại.
Đương nhiên, trách nhiệm người đứng đầu luôn là cao nhất. Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng yêu cầu các doanh nghiệp hàng không quy định trách nhiệm và xử lý kỷ luật người đứng đầu đơn vị và người phụ trách triển khai các biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả khi để xảy ra vụ việc.
Cùng với đó, các hãng hàng không phải tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất hành lý của tổ bay trước và sau khi kết thúc chuyến bay, xử lý nghiêm theo quy định. Tất cả phải theo nguyên tắc "kiên quyết, kiên trì, thường xuyên và không có vùng cấm" khi phát hiện vi phạm để tránh những sự việc đáng tiếc như vừa qua.
Thảo luận