Livestream - ‘Gà đẻ trứng vàng’ trong ngành thương mại điện tử
HÀ NỘI (Sputnik) - Lợi nhuận cao, chi phí thấp, tiếp cận được nhiều người mua. Đây là những lý do giúp hình thức bán hàng livestream (phát trực tuyến) thực sự bùng nổ trên mạng xã hội tại Việt Nam. Vậy đây chỉ là xu hướng bán hàng tạm thời hay sẽ thay thế các hình thức bán hàng trực tuyến khác trong tương lai?
SputnikHình thức bán hàng ngày càng thịnh hành
Theo một thống kê mới đây tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày, Việt Nam có khoảng 70 đến 80 nghìn phiên
livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Thậm chí, không chỉ những người buôn bán bình thường mà ngay cả người nổi tiếng, KOL cũng tận dụng hình thức này để kiếm thêm thu nhập.
Lý giải với Sputnik về nguyên nhân khiến hình thức bán hàng livestream phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, Giảng viên cao cấp Đại học RMIT Vietnam phân tích:
“Điểm nổi bật của việc livestream bán hàng là người mua có thể xem thông tin trực tiếp về sản phẩm như đặc tính sản phẩm, giá cả, thử nghiệm các tính năng, cách sử dụng, thậm chí độ bền được thử nghiệm trực tiếp. Hơn nữa, việc bán hàng này giúp cho người mua (hay có ý định mua) có thể tương tác trực tiếp với người livestream để yêu cầu giải đáp các vấn đề thắc mắc của họ trong thời gian trực tuyến. Điều này giúp khắc phục cách bán hàng qua thương mại điện tử (TMĐT) một cách thụ động như trước đây khi người mua có các thắc mắc phải liên hệ qua chat và tốc độ phản hồi chậm”.
So với cách bán hàng truyền thống hoặc đăng post (bài viết) thì bán hàng livestream có những ưu điểm nhất định. Chị Mai Hương, chủ thương hiệu Seki.Shinju, một cửa hàng trang sức ngọc và đá quý trên Instagram, cho rằng:
“Bán hàng livestream tiết kiệm và tối ưu thời gian vận hành vì bán được số lượng hàng lớn hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn. Khi bán livestream thì mình cũng không tốn quá nhiều thời gian vào việc sản xuất hình ảnh, điều bắt buộc và cần nhiều đầu tư nếu bán trực tuyến. Hơn nữa người bán có lợi thế storytelling (kể chuyện) tốt hơn so với đăng post để mô tả sản phẩm”, chị Mai Hương cho biết.
Cũng theo chị Mai Hương, bán hàng livestream “kích thích” tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ) khiến khách hàng chốt đơn nhanh. Trong khi đó, bán đăng post thì khách sẽ có thời gian suy nghĩ, cân nhắc kĩ hơn nên có thể vì vậy mà tỉ lệ chốt đơn cũng sẽ thấp hơn.
“Người tiêu dùng Việt Nam hầu hết bị thu hút bởi mức giá cạnh tranh khi theo dõi livestream bán hàng, và sản phẩm được trưng bày, sử dụng hoặc mặc trực tiếp để thấy được chất liệu, kiểu dáng, chất lượng… của sản phẩm”, một chuyên gia content marketing* chia sẻ với Sputnik.
Theo chuyên gia trên, với lượng khách hàng 80% sử dụng điện thoại và máy tính bảng thay vì laptop/desktop, do đó livestream bán hàng trên e-commerce thân thiện với các thiết bị điện tử nhỏ gọn thông minh như hiện nay.
28 Tháng Chín 2022, 15:40
Yếu tố khách quan khiến bán hàng livestream ‘nở rộ’
Có thể nói, đại dịch COVID-19 là nhân tố khách quan đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy xu hướng mua sắm này. Cộng với sự bùng nổ của tốc độ băng thông
Internet (4G,5G) và xu hướng việc sử dụng video cho giải trí và công việc hàng ngày cũng giúp cho việc livestream bán hàng trở nên dể dàng được chấp nhận hơn.
Trao đổi với Sputnik, TS. Thăng Long, Giảng viên cao cấo Đại học RMIT Vietnam, chỉ ra:
“Việc không thể ra khỏi nhà và tâm lý sợ đám đông mua sắm hay làm việc tại nhà khiến người tiêu dùng đẩy nhanh xu hướng mua sắm qua nền tảng TMĐT. Tuy nhiên, họ cũng yêu cầu việc mua sắm như trải nghiệm tại 'brick and stone store' làm thúc đẩy xu hướng sử dụng video, livestream cao hơn”.
TS. Thăng Long phân tích thêm, ngoài việc có nhu cầu mua sắm bình thường, người tiêu dùng cũng xem livestream bán hàng như là nguồn giải trí hàng ngày của mình, tương tự như việc 'windows shopping' (đi mua sắm dạo phố) chứ chưa hẳn có nhu cầu.
“Họ có thể xem nhưng không mua hàng ngay lúc đó, nhưng sẽ có thông tin về sản phẩm, có sự yêu thích người livestream và qua đó sẽ mua vào lần tiếp theo. Điều đó cũng kích thích các shop bán hàng sáng tạo nội dung độc đáo, lạ mắt, hay dùng influencer này biết cách để cùng tạo ra nội dung hấp dẫn, dựa vào độ nổi tiếng của influencer để giúp tăng lưu lượng truy cập đến shop của mình”, TS. Thăng Long nhấn mạnh.
Theo nghiên cứu về tâm lý và hành vi mua hàng của người tiêu dùng, kịch bản được khách hàng ưa chuộng và chốt đơn liền tay là kịch bản có sử dụng influencer (người có ảnh hưởng) để tăng độ tin cậy. Đồng thời, người bán tung ra nhiều minigame và voucher giảm giá ngay trong buổi livestream nhằm thu hút khách hàng.
“Tỉ lệ ‘chốt đơn’ này phụ thuộc rất nhiều vào kịch bản livestream. Theo con số cập nhật thì kịch bản livestream tác động từ 25-30% quyết định mua hàng từ khách hàng theo dõi. Tỉ lệ chốt đơn hiện tại của Lazada hay Shopee là tương tự, tuy nhiên Tik Tok hiện tại là cao hơn (35%-40%)”, một chuyên gia content marketing chia sẻ với Sputnik.
19 Tháng Mười Một 2022, 14:31
Rủi ro khi mua hàng livestream
Trên các nền tảng TMĐT, cả người mua và người bán đều chịu phải đối mặt với những rủi ro. Từ phía người bán hàng, chị Mai Hương, chủ thương hiệu Seki.Shinju, cho biết:
“Tỷ lệ khách xả hàng sau livestream cao hơn so với việc họ chủ động mua qua bài post. Như tôi đã đề cập ở trên, một phần lý do khách chốt đơn trên livestream có thể đến từ tâm lý sợ bỏ lỡ nhất thời trong lúc xem”.
Chị Mai Hương cho biết thêm, nhược điểm của bán hàng livestream là cần vốn đầu tư lớn vì hình thức bán hàng này yêu cầu một lượng hàng đủ nhiều để giới thiệu đến khách hàng những sản phẩm mới liên tục, không bị lặp đi lặp lại nhàm chán, nhằm giữ chân khách xem livestream.
Do việc dễ dàng mở shop bán hàng trên nền tảng TMĐT nên nhiều shop cũng có nhiều chiêu thức nhằm giảm giá để chốt đơn nhiều hơn bằng cách trộn hàng cận date, quá date, hay không rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, dùng hàng giả thương hiệu. Hoặc nghiêm trọng hơn là lừa đảo đơn hàng, yêu cầu thanh toán trước mà không giao hàng.
Ngoài ra, nguy cơ
bị lộ thông tin cá nhân cũng rất cao, do khách mua có nhu cầu sẽ đặt hàng trực tiếp phía dưới phần bình luận với các thông tin cá nhân bao gồm: số điện thoại, tên, địa chỉ. Thông tin này có thể bị shop hay các đối tượng khác dùng cho mục đích khác.
“Do đó, người tiêu dùng cần lựa chọn các shop có uy tín dựa trên số lượng review của khách hàng thật, shop được xác minh bởi trang TMĐT. Khách hàng hạn chế cung cấp thông tin cá nhân qua các phần chat public mà nên nhắn tin riêng shop để cung cấp thông tin (nếu muốn mua). Khi nhận hàng cần kiểm tra ngay các thông tin của đơn hàng, đặc tính sản phẩm, date, mã số sản phẩm xem có giống với quảng cáo... và nên thông báo với trang TMĐT về sai phạm, hay cơ quan chức năng nếu có dấu hiệu lừa đảo”, TS. Thăng Long khuyến cáo.
Xu hướng bán hàng dẫn đầu trong tương lai?
Giới chuyên gia phân tích, bán hàng livestream là xu hướng hoàn toàn mới trong ngành thương mại điện tử (TMĐT) nói riêng và các kênh bán hàng khác nói chung. Xu hướng này giúp khách hàng tiếp cận được sản phẩm với nhiều nền tảng khác nhau như TikTok, Facebook, Instagram v.v.
“Xu hướng bán hàng livestream vẫn sẽ tiếp tục phát triển ở Việt Nam và trên thế giới, do dư địa phát triển của TMĐT còn rất nhiều. Bán hàng livestream hiện đang rất được ưa chuộng cho các lợi ích đã nêu ở trên”, TS. Thăng Long dự đoán.
Đồng quan điểm, chuyên gia content marketing chia sẻ với Sputnik, xu hướng bán hàng livestream cũng cho rằng sau đại dịch COVID-19, đây sẽ là xu hướng mua hàng mới trong thời đại số.
“Bán hàng livestream sẽ duy trì hiệu quả trong ít nhất 2 năm sắp tới. Đây sẽ là kênh bán hàng vô cùng hiệu quả dành cho khách hàng trẻ và có tiềm năng”, vị chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên từ phía người bán hàng lại có quan điểm khác biệt. Chị Mai Hương, chủ thương hiệu Seki.Shinju trên Instagram, cho biết:
“Mình đánh giá livestream là một hình thức bán hàng mở rộng khi bán hàng online. Tức là nó không dẫn đầu, không vượt trội hơn hẳn so với việc bán đăng post. Đây cũng không phải trào lưu nhất thời mà việc bán đăng post và bán livestream có thể song hành cùng nhau khi bán trực tuyến, phục vụ đối tượng khách hàng với hành vi và tâm lý mua hàng khác nhau”.
Theo thống kê của Ecomobi, ngành công nghiệp livestream dự kiến sẽ đạt giá trị 184,27 tỷ USD vào năm 2027, có khoảng 34% Thế hệ gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2015) đã thể hiện sự quan tâm khá lớn đến hình thức này.
Có thể nói, Livestream đang là một xu hướng mới đem lại thành công cho lĩnh vực thương mại điện tử. Hiện tại, các nền tảng
mạng xã hội cũng đã đẩy mạnh giới thiệu các dịch vụ bán hàng có liên quan như Tiktok shop, Shopee Live.