Biển Đông

Việt Nam phản đối Đài Loan tập trận bắn đạn thật ở Trường Sa

Liên quan đến việc Đài Loan thông báo tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối, yêu cầu Đài Loan huỷ bỏ hoạt động trên.
Sputnik
Ba Bình là đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phía Việt Nam nhấn mạnh, Đài Loan là bên đã chiếm giữ trái phép đảo này từ năm 1946.

Việt Nam phản đối tuyên bố tập trận của Đài Loan

Ngày 31/3, trước câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam liên quan đến việc Đài Loan thông báo tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ:

"Như đã nhiều lần khẳng định, việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này".

Bà Phạm Thu Hằng cũng nhấn mạnh hành động đơn phương của Đài Loan "đe dọa hoà bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải" và "làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông".
Đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định: "Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan huỷ bỏ hoạt động trái phép nói trên, đồng thời không tái diễn vi phạm tương tự".
Lực lượng vũ trang Đài Loan bắt đầu tập trận quy mô lớn với sự tham gia của tàu chiến và không quân

Đài Loan chiếm đóng trái phép đảo Ba Bình

Ba Bình là đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phía Việt Nam nhấn mạnh, Đài Loan là bên đã chiếm giữ trái phép đảo này từ năm 1946 và từng triển khai lực lượng thủy quân lục chiến đồn trú.
Từ năm 2000, Đài Loan thay lực lượng đồn trú trên đảo Ba Bình bằng một đơn vị cảnh sát biển, trang bị nhiều loại vũ khí như súng máy, cối tầm xa.
Những năm gần đây, Đài Loan nhiều lần thực hiện các chuyến thăm trái phép đến đảo Ba Bình. Ngày 15/4/2016, chính quyền Đài Loan tổ chức chuyến đi trái phép dành cho các học giả quốc tế đến hòn đảo này.
Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thảo luận