Tư bản Mỹ đã nhìn thấy vị thế đang lên của Việt Nam

Không chỉ được coi là quốc gia "thân thiện", Việt Nam còn nổi lên là điểm đến đầu tư được lựa chọn trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Sputnik
Viện Brookings vừa có báo cáo cho biết, trong bối cảnh tỷ trọng hàng hóa Trung Quốc trong lượng hàng Mỹ nhập khẩu giảm, tỉ trọng hàng hóa từ các nước khác ở châu Á, bao gồm Việt Nam, lại tăng tương đương (tăng 4 điểm phần trăm từ năm 2018-2021).
Sự gia tăng này đến từ các mặt hàng như đồ chơi, dụng cụ thể thao, đồ nội thất và điện thoại di động. 3 dòng sản phẩm có mức tăng lớn nhất bao gồm phụ kiện máy tính, linh kiện bán dẫn và thiết bị viễn thông.
Điều này cho thấy sự dịch chuyển ngày càng mạnh mẽ của chuỗi cung ứng Mỹ đến châu Á cũng như Việt Nam.

Thiết lập chuỗi cung ứng Mỹ tại Việt Nam

Vừa qua, cũng như Sputnik đã thông tin, đại diện hơn 50 doanh nghiệp Mỹ, trong đó có các doanh nghiệp quốc phòng, dược phẩm, công nghệ... đã sang Việt Nam nhằm thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh.
Đoàn do nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) dẫn đầu. Một số doanh nghiệp lớn tham gia đoàn có thể kể đến như: SpaceX, Netflix, Boeing, Lockheed Martin, Bell, Pfizer, Apple, Coca-Cola, PepsiCo, Johnson & Johnson…
Cần nhấn mạnh, đây là phái đoàn thương mại lớn nhất của Mỹ từng đến Việt Nam. Chuyến đi khẳng định chiến lược mà Mỹ đang theo đuổi là thiết lập lại chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng "tự chủ, an toàn".
Với chuyến đi này, Mỹ nhắm đến các quốc gia là đối tác "thân thiện" và giảm việc quá phụ thuộc chuỗi cung ứng vào một quốc gia nào đó.
Trong bối cảnh ấy, Việt Nam lại đang nổi lên là điểm đến đầu tư được lựa chọn trong bối cảnh chuyển dịch sản xuất đó.
Ông Louis Nguyễn, người đứng đầu Quỹ Đầu tư Saigon Asset Management (SAM) chia sẻ với tạp chí Nhịp cầu Đầu tư, Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nên nhiều tập đoàn lớn muốn được thâm nhập.
Đối với những nền kinh tế trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan..., chuyện này không phải là mới, nhưng đối với một số tập đoàn Mỹ, đây là một bước trong chiến lược toàn cầu hóa của họ.

"Họ muốn mở rộng hoạt động thương mại tại Việt Nam, ví dụ SpaceX muốn bán vệ tinh cung cấp mạng, Netflix muốn đẩy mạnh truyền hình số, Boeing muốn bán máy bay... Họ cũng muốn liên doanh hay mở nhà máy sản xuất hoặc mua hàng hóa từ Việt Nam", - ông Louis Nguyễn đánh giá.

Ngoài ra, đại diện của SAM cũng tham gia thương vụ tập đoàn tài chính Mỹ DFC rót 200 triệu USD vào SeABank của Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dòng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ đang được rót mạnh vào Việt Nam. Tính đến ngày 20/12/2022, tổng vốn đầu tư mà Mỹ đổ vào Việt Nam đạt 11,42 tỉ USD, với 1.216 dự án. Hiện Mỹ đang xếp thứ 11 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Sự quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ đối với Việt Nam "chỉ tăng và tăng"

Việt Nam ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng của Mỹ

Theo ông Alex Tatsis, Trưởng phòng Kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, Việt Nam đang chiếm vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng, từ chất bán dẫn phục vụ sản xuất điện thoại và ô tô đến tấm pin mặt trời...

"Thương mại 2 chiều giúp Việt Nam phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu sang các thị trường trên toàn thế giới. Đó là lý do Mỹ đang đầu tư để giúp Việt Nam tăng cường vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dài hạn", - ông Alex Tatsis cho hay.

Nhiều chuyên gia và nhà quan sát cũng nhận định, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi lớn từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Điều đó giúp Việt Nam củng cố vị trí "công xưởng mới" tại Đông Nam Á, thu hút nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu như Intel, Samsung, LG, Foxconn...
Nhiều tập đoàn của Mỹ đã chuyển dịch nhập khẩu một số mặt hàng sang các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các sản phẩm như linh kiện bán dẫn hay thiết bị viễn thông.

Hàng tỷ USD đang chờ vào Việt Nam

Một điều quan trọng trong chuyến thăm của phái đoàn doanh nghiệp Mỹ vừa qua, theo lãnh đạo Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) cho biết, một trong các vấn đề mà nhiều doanh nghiệp Mỹ quan tâm là việc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
"Để đạt được mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần phải ưu tiên các nguồn năng lượng có giá cả phải chăng và bền vững về mặt xã hội. Quá trình này sẽ yêu cầu hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các nguồn lực bên ngoài", - đại diện AmCham lưu ý.
Đây là thị trường lớn, được kỳ vọng sẽ tạo ra những dịch chuyển lớn, mang tính bước ngoặt với nhiều lĩnh vực cạnh tranh toàn cầu. Mỹ sẽ cạnh tranh trực tiếp với châu Âu về công nghệ xanh. Theo EC, đầu tư toàn cầu vào quá trình chuyển đổi xanh sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030, từ mức 1.000 tỉ USD trong năm 2022.
Viện Brookings nhận định, chuỗi sản xuất cung ứng cho thị trường Mỹ đã dịch chuyển từ Trung Quốc sang nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Điển hình là Mỹ đã áp đặt mức thuế cao đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời của Trung Quốc từ năm 2012, dẫn đến việc xuất khẩu tấm pin mặt trời của Trung Quốc sang Mỹ giảm xuống gần như bằng 0.
Trong khi đó, mặt hàng này do Đông Nam Á xuất khẩu sang Mỹ đã tăng vọt và Việt Nam hiện là một trong số những nhà cung cấp chính.
“Cú quay xe” bất ngờ từ Mỹ và EU đối với ngành xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam
Về phần mình, đại diện Boeing đề nghị Việt Nam nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).
Lý do là vì ngành hàng không có thể giảm phát thải tới 80% nếu sử dụng nhiên liệu bền vững. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu giảm phát thải về 0 đến năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết ở COP26.
"Nếu Việt Nam có chính sách tốt cho sản xuất nguyên liệu hàng không bền vững thì Boeing sẵn sàng kêu gọi các nhà đầu tư đến Việt Nam", - đại diện Boeing cho biết.
Đề xuất của Boeing đã mang lại nhiều kỳ vọng cho ngành công nghiệp hàng không của Việt Nam.

"Doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ngành hàng không muộn hơn so với một số nước nhưng Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Vì thế, đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Nếu chúng ta quyết tâm, tìm ra được cách thức thì doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn", - ông Dương Nguyên Thành, Phó Giám đốc Điều hành HAAST Việt Nam, nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó Giám đốc khu vực USABC Vũ Tú Thành cho hay, Việt Nam là một trung tâm sản xuất và cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng ngày càng phát triển, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hơn 8% năm ngoái.
Trong bối cảnh đó, quỹ đầu tư lớn nhất thế giới KKR đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các công ty ở Việt Nam như Vingroup, Masan... Trong chuyến thăm của phái đoàn doanh nghiệp Mỹ, đại diện quỹ này khẳng định sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Bất chấp những trở ngại và thách thức được dự báo đối với nền kinh tế Việt Nam năm nay, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ vẫn tin tưởng mạnh mẽ vào triển vọng tăng trưởng và sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam", - ông Ted Osius nói.

Việt Nam đang đặt ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng vào năm 2030 và năm 2045 để trở thành một nền kinh tế phát triển, đồng thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế tri thức. Việc thu hút đầu tư từ Mỹ mang lại rất nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ tiên tiến hơn, bao gồm cả năng lượng xanh, đặc biệt là năng lượng hydro xanh của tương lai, kinh tế số, y tế và chip bán dẫn.
Lý do tư bản Mỹ cần nhắm tới Việt Nam
Theo ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham Hà Nội, các doanh nghiệp Mỹ rất quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực tăng trưởng xanh. Hiện có hàng ngàn tỷ USD đang chờ đợi cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng xanh, logistics, cơ sở hạ tầng cảng biển và đường sắt của Việt Nam.

"Tất cả các kế hoạch của quý vị đều trùng với mong muốn của chúng tôi. Đây đều là các lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư. Vấn đề là chúng ta có tìm được cách thức để hợp tác hay không", - ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, nhấn mạnh.

Về phần mình, ông Louis Nguyễn thuộc SAM cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng bằng cách liên lạc trực tiếp với những tập đoàn Mỹ hay qua Lãnh sự quán Mỹ, chuẩn bị các chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế, đẩy mạnh quản trị kinh doanh và ESG...
"Về vốn, Chính phủ Mỹ có US DFC, US EXIM Bank có thể đầu tư hay cho vay với lãi suất ưu đãi trong thời gian dài hạn nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể chứng minh được ESG hay mua thiết bị, hàng hóa từ nước Mỹ. Về nhân lực và kỹ thuật, những tập đoàn lớn sẽ có chương trình hỗ trợ chuỗi cung ứng. Cùng lúc, các công ty có thể tiếp cận những nguồn vốn, quỹ đầu tư chuyên môn ủng hộ lĩnh vực này", - ông Louis Nguyễn cho hay.
Thảo luận