Biến động ngân hàng SCB: Chính phủ yêu cầu NHNN cơ cấu lại SCB

Chỉnh phủ Việt Nam yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) theo trình tự, thủ tục của Luật Các tổ chức tín dụng.
Sputnik
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chú trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng và chỉ tiêu kiểm soát lạm phát tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Cơ cấu lại ngân hàng SCB

Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác.
NHNN được giao điều hành tỷ giá phù hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối. NHNN cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.
"Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo Kết luận của Bộ Chính trị; khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn theo trình tự, thủ tục của Luật Các tổ chức tín dụng", - Thủ tướng nêu rõ.
Như Sputnik đưa tin, trước diễn biến bất lợi và cấp bách xảy ra ở Ngân hàng SCB (cụ thể là từ sau vụ bắt bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan cũng như sự kiện rút tiền ồ ạt khỏi SCB), Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền và thực hiện kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng này.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai các giải pháp nhằm ổn định tâm lý thị trường và ổn định hệ thống. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã lập ngay ban kiểm soát để kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng SCB.

"Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định và tháo gỡ khó khăn cho Ngân hàng SCB, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Đến nay, hoạt động của Ngân hàng SCB trong tầm kiểm soát và ổn định", - phía Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết hồi cuối tháng 3 vừa qua.

Cùng với đó, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam) triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.
Sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10 tháng 11 năm 2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp theo thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật, tăng cường minh bạch, kiểm soát chặt chẽ rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, góp phần hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh, hiệu quả.
SCB bị kiểm soát đặc biệt, NHNN tiếp tục gây bất ngờ

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Thủ tướng cũng có chỉ đạo sớm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân
Về giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh, Chính phủ thống nhất chủ trương với kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh trình Chính phủ tại Phiên họp vừa qua.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, quyết định và hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện để sớm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, bảo đảm phù hợp, khả thi, hiệu quả, đúng quy định pháp luật và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
"Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát và giám sát việc thực hiện chính sách theo quy định pháp luật, không để trục lợi, thất thoát, vi phạm pháp luật", - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Tại Nghị quyết Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 vừa được ban hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ban, ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản.
Trong đó, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản cụ thể. Khẩn trương tổng hợp, công bố danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Bộ Xây dựng cũng cần phối hợp với Bộ Công an để rà soát, sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình để phù hợp với thực tiễn. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương quyết liệt, tập trung chỉ đạo triển khai thi công, hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo quy định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
TP.HCM tổ chức đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương hướng dẫn triển khai tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng phục vụ các công trình giao thông trọng điểm; khẩn trương làm việc với các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để xác định lượng cát đắp của từng tỉnh cung cấp cho dự án đường cao tốc.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nắm bắt tình hình, nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng, nhất là tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, tập trung lao động; kịp thời kết nối cung cầu, bảo đảm cung ứng lao động.
"Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm, nhất là tại các khu công nghiệp để có phương án hỗ trợ trong trường hợp cần thiết", - Thủ tướng Chính phủ lưu ý.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm

Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 và các dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Thanh tra, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, trọng tâm là dịp Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 01/5.
"Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm; làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tung tin xấu, độc, sai sự thật", - Nghị quyết nêu rõ.
Tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tín dụng đen, cờ bạc, tội phạm trên môi trường mạng... Tăng cường kiểm tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm. Tập trung đấu tranh, triệt xóa các cơ sở, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy.
Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định về vật liệu chống cháy, thủ tục kiểm định vật liệu chống cháy, điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy, bảo đảm phù hợp thực tiễn.
Đáng chú ý, Thủ tướng cũng đề cập việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Theo đó, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ.
Bất ngờ vụ Vạn Thịnh Phát và SCB: Cựu cán bộ cấp cao Ngân hàng Nhà nước bị khởi tố
Đồng thời, khẩn trương tham mưu triển khai Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, đến hết năm 2030; xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Bộ Tư pháp được giao phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nhất là đối với sản xuất kinh doanh và phục vụ người dân, doanh nghiệp; chuẩn bị tốt các hồ sơ dự án luật trình Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2023).

Hoàn thiện phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống và điều hành giá xăng dầu theo quy định.
Ngoài ra, khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Hoàn thiện phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phù hợp với khung giá mới và theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Tuyên truyền và đẩy mạnh chính sách tiêu dùng, kích cầu tiêu thụ trong nước, khai thác hiệu quả thị trường nội địa. Tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu…
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chính phủ đề nghị cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất, thương mại trong ngành nông nghiệp; khơi thông thị trường xuất khẩu hàng hóa nông sản.
“Tập trung tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định”, Chính phủ nêu quan điểm.
Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến cung cầu, thị trường giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp, lương thực thực phẩm, chủ động, kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, trình cấp có thẩm quyền các giải pháp bình ổn thị trường theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, có các giải pháp về miễn giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất năm 2023 và đặc biệt là thực hiện nghiêm quy định bỏ Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy.
Thảo luận