Dịch giả Hoàng Thúy Toàn: Tiếng Nga mở cửa cho tôi đến với thế giới
HÀ NỘI (Sputnik) - Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng mỗi khi nhắc đến dịch giả tiếng Việt của Đại thi hào Nga A.S. Puskin, độc giả nghĩ ngay tới Hoàng Thúy Toàn. Ông là người đặt nền móng cho cây cầu nối hai nền văn hóa Nga-Việt trong suốt gần 2 thế kỷ.
SputnikDịch giả Thuý Toàn sinh năm 1938, ở làng Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Moskva mang tên V.I. Lenin năm 1961 và từ đó dành trọn bầu nhiệt huyết dịch thơ Nga.
Cơ duyên đến với văn học Nga
“Qua tiếng Nga, mình thấy được, nhìn được trời đất nước Nga rộng lớn, đẹp lắm. Phong cảnh, con người giúp tôi hiểu biết hơn rất nhiều. Tiếng Nga như mở cửa cho tôi đến với thế giới”.
Đây là lời tâm sự của dịch giả
Hoàng Thúy Toàn trong buổi trò chuyện với Sputnik. Cơ duyên đưa ông đến với tiếng Nga thật giản dị nhưng rất đỗi nên thơ. Ở cái tuổi 86, tóc đã bạc, nhưng khuôn mặt với nụ cười của ông vẫn ánh lên sự nhanh nhẹn. Ông kể:
“Tôi cảm thấy mình may mắn. Năm 1954, tôi đang học ở Khu học xá Trung ương tại Nam Ninh, Trung Quốc thì được chọn cùng với 99 bạn khác học tiếng Nga ở Moskva, Liên bang Nga (Xô Viết lúc bấy giờ) để sau trở thành phiên dịch viên”.
Những tháng ngày học ở Nga với ông tràn đầy kỷ niệm, đặc biệt là khoảng thời gian mới tiếp xúc với ngôn ngữ được mệnh danh là khó nhất thế giới này.
“Hồi đó, nói vui là phải học “bằng cả chân, cả tay” và hình ảnh vì trò chưa biết tiếng Nga nà thầy cô lại không hiểu tiếng Việt. Chính lòng tận tụy dạy dỗ và phương pháp dạy của thầy cô người Nga nên chúng tôi nắm được kiến thức rất sâu. Các thầy cô Liên Xô đã dạy cho chúng tôi bài học đầu tiên là học phải kiên trì, thứ hai là học phải đến nơi, đến chốn. Học phải có tác phong tra cứu tận tường”, dịch giả Thúy Tòan bồi hồi nhớ lại.
Nhưng ít ai biết rằng, tình yêu văn thơ của dịch giả lại bắt nguồn từ khi ông còn học ở Nam Ninh, Trung Quốc. Đại đội trưởng kiêm thầy giáo dạy văn lúc bấy giờ chính là nhạc sĩ Phạm Tuyên, người truyền cảm hứng là người đầu tiên thổi vào tâm hồn cậu Thúy Toàn một nước Nga lạ lẫm. Để rồi trong những năm tháng học tập tại Nga, mọi thứ đối với “người phiên dịch” trẻ Thúy Toàn “thật thơ”, “thật đẹp”.
“Vào một buổi sáng mùa đông, cô giáo dẫn chúng tôi đi dã ngoại. Cô bắt đầu câu đầu tiên bài thơ “Buổi sáng mùa đông” (Мороз солнце; день чудесный!) của A.S. Puskin. Cô giáo tôi rất xinh đẹp, giọng đọc trầm bổng và trước phong cảnh nước Nga mùa đông như thế, tối về tôi lập tức “bập bẹ” tra từ điển, tập dịch ngay. Tất nhiên hồi đó chỉ dịch được câu đầu. Và 30 năm sau, một buổi sáng tôi dịch xong bài thơ đó và gửi báo Văn Nghệ đăng ngay”, dịch giả Thúy Toàn kể.
Theo lời bộc bạch của dịch giả, nước Nga không chỉ mang lại cho ông tình yêu lớn với văn học, thơ ca, mà điều làm ông ấn tượng nhất chính là con người nơi đây, từ em bé cho đến các cụ già. Dịch giả Thúy Toàn tâm sự:
“Con người Nga là điều tôi ấn tượng nhất trong những năm tháng học tập tại đây. Một dân tộc yêu thiên nhiên, yêu người. Con người Nga là vậy, thẳng thắn sẵn sàng chia sẻ. Người ta không chỉ dạy làm người từ tư thế ngồi cho đến tư cách, mà còn dạy tôi biết cái đẹp, nhận thấy cái đẹp, tiếp thu cái đẹp. Do đó, tôi trở thành “anh phiên dịch”.
Câu chuyện đằng sau bài thơ “Tôi yêu em”
Chia sẻ với Sputnik, dịch giả Thúy Tòan biết đến bài thơ “Tôi yêu em” của Đại thi hào A.S. Puskin cùng thời điểm ông mới sang Nga học và biết người bạn gái, sau này trở thành người vợ đồng hành cùng ông đến bây giờ.
“Những bài thơ về tình yêu như thế, hồi đó tuổi trẻ thích lắm. Được cử đi học cùng nhau ở Moskva, tôi có để ý vợ tôi bây giờ. Nhưng tôi lại cục mịch mà cô ấy lại là con nhà cán bộ nên cũng chỉ dám ngưỡng mộ từ xa, giống như tình yêu của Pushkin trong tác phẩm đó”, ông tâm sự.
Ông còn kể rằng, bản dịch bài thơ của Puskin được truyền tay nhau đọc và vợ ông sau này cũng chỉ biết thế. Tuy nhiên, tình yêu cho con người thật nhiều dũng khí. Dịch giả Thúy Toàn cho biết:
“Không dám trực tiếp ngỏ lời, tôi lấy cớ cô ấy chữ đẹp nên nhờ chép lại bản dịch để gửi về Việt Nam cho báo Văn nghệ. Bản dịch bài thơ được đăng và được nhiều bạn đọc yêu thích. Sau khi về Việt Nam, cũng phải 3 năm sau hai chúng tôi mới thành hôn (1963)”.
Theo lời của dịch giả, tác phẩm nổi tiếng của Puskin đã mang lại cho ông nhiều thứ, trong đó cả bài học về cuộc sống.
“Bài thơ “Tôi yêu em” của Pushkin cho tôi nhiều bài học trong cuộc sống. Thứ nhất, tôi gửi tâm hồn mình vào đấy thì khác với lại người khác dịch. Nhiều người sau dịch tác phẩm này không được đạt. Cho đến bây giờ, tôi thấy càng ngày càng thấm thía rằng, dịch thuật cũng như sáng tác, phải gửi tâm hồn vào đó”, ông nhấn mạnh.
Dành trọn bầu nhiệt huyết cho văn học Nga
Nhờ vào việc xông xáo tham gia dịch thuật ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, gửi bản dịch thơ tới báo Thiếu niên Tiền Phong, báo Giáo Dục, báo Văn Nghệ ..tại Việt Nam, khi chàng sinh viên quê Bắc Ninh tốt nghiệp trở về nước năm 1961 thì cái tên Thúy Toàn đã trở nên quen thuộc với mọi người. Với ông, đây chính là nền móng ngoại giao với giới báo chí và văn học Việt Nam. Ông tâm sự:
“Tôi vinh dự khi được các nhà thơ lớn của Việt Nam như Xuân Diệu, Tế Hanh, Xuân Sanh…biết đến. Khi làm tập thơ 62 là Tập thơ Liên Xô đầu tiên, nhà thơ Xuân Sanh đã mời một “người trẻ con” như tôi cùng tham gia”.
Cũng nhờ có ông mà lần đầu tiên các tác phẩm của nhà thơ nổi tiếng người Nga Sergey Esenin được dịch và phát hành tại Việt Nam.
“Thơ tiếng Nga có âm điệu rất hay, có tôn trọng về luật thơ. Các thể thơ đều có đặc điểm của nó. Tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Tuy vậy, tôi vẫn chưa dám dịch Esenin mà chỉ dịch nghĩa cho nhà thơ Xuân Diệu và các nhà thơ khác dựa vào đó. Ngoài ra, tôi dịch nghĩa các tác phẩm của các nhà thơ Xô Viết vừa đạt Giải thưởng văn học Lenin như Petrus Brovka (Belarus)”, dịch giả Thúy Toàn kể lại.
Dịch thơ không phải là chuyện dễ dàng. Theo dịch giả 86 tuổi, từ những ngày đầu tiên khi dịch thơ Puskin nói riêng, ông đã phải ngồi thảo luận rất nhiều buổi với nhà văn Olga Ulyanova, cháu gái của lãnh tụ Liên Xô
Vladimir Lenin, để hiểu và cho ra bản dịch ưng ý nhất.
Từ năm 1964, sau khi chuyển công tác về NXB Văn học, Thúy Toàn vẫn “quanh quẩn” với Puskin. Ông đã chọn một số bài thơ dịch của Tế Hanh, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông cùng với những bài thơ trữ tình được dịch của mình in thành một tập thơ. Không ngờ những bài thơ của ông chọn đều được đưa vào sử dụng ở SGK, các tuyển tập thơ sau này. Dịch giả Thúy Toàn tâm sự:
“Có thể nói đó là thành công, giúp tôi tự tin hơn để dịch tác phẩm của các tác giả khác. Đối với các tác giả khác cũng vậy, bài nào tôi thích nhất thì tôi chọn dịch. Vì vậy, những tập thơ của Esenin, của Blok đều là những bài tiêu biểu, khi dịch ra ai cũng thích. Cho đến nay tôi có hơn chục tập thơ riêng. Tôi nghĩ rằng, tôi tự tìm con đường đi riêng của mình, không lặp lại hay đi theo người khác. Thành ra thơ của mình nó khác”.
Thơ ca - Cầu nối văn hóa Nga-Việt
Gần 70 năm cống hiến cho sự nghiệp lan tỏa thơ ca Nga tại Việt Nam nhưng dịch giả Thúy Toàn chưa một lần nghĩ rằng mình chính là người đặt nền móng cho cây cầu hữu nghị văn hóa Nga-Việt. Ông chia sẻ với Sputnik:
“Tôi không dám đặt cho mình là cầu nối khi làm công việc dịch thuật thơ Nga. Nhưng việc dịch thuật là mong muốn giới thiệu không chỉ một cái đẹp trong thơ của một tác giả mà nhiều tác giả của Nga. Điểm mạnh của tôi là “nhặt bông hoa” của nhiều tác giả. Mình thấy những cái đẹp cảm được nên những bài tôi chọn vì thích thì người khác cũng thích. Chính vì thế, cây cầu nối văn học Nga - Việt tự nhiên xuất hiện thôi”.
Thuý Toàn đã xuất hơn 60 tập sách, trong đó có khoảng 10 tập thơ, với hàng ngàn bài thơ Nga đến với bạn đọc Việt Nam.
Năm 2010, dịch giả Thuý Toàn đã được Tổng thống Nga lúc bấy giờ
Dmitry Medvedev tặng Huân chương Hữu Nghị tại điện Kremli, ghi nhận những đóng góp bền bỉ và xứng đáng của ông trong việc xây dựng, vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
“Tôi mong rằng các dịch giả trẻ phải có tình yêu với công việc dịch thuật. Đã yêu phải “yêu đến nơi, đến chốn", phải tra cứu kỹ càng. Bài thơ dịch nào khi gửi tâm hồn vào đó sẽ hợp với một tâm hồn đồng điệu khác, chứ không hẳn chỉ là câu chữ”, dịch gỉa Thúy Toàn nhắn nhủ.
Năm 2015, ông khánh thành Nhà lưu niệm Văn học Nga ở Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh trưng bày hơn 3 ngàn hiện vật phong phú liên quan đến văn hoá Nga,
quan hệ văn hoá Nga-Việt qua các giai đoạn lịch sử; bao gồm sách, báo, tranh ảnh... theo từng chủ đề.
Nhà lưu niệm này là tình yêu, làm tâm nguyện của cuộc đời dịch giả Thúy Toàn. Ông chỉ mong có người xứng đáng bàn giao lại, để tiếp tục gìn giữ và ngày một làm phong phú hơn nhà lưu niệm này cho những người yêu mến văn hoá Nga các thế hệ mai sau.