Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Samsung Park Hark Kyu cho hay, số nhà cung cấp 1 và 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung đã tăng 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào 2014 lên 257 vào cuối năm 2022. Samsung cũng mong muốn sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm, nguyên liệu “made in Vietnam” hơn.
Samsung tuyên bố về vị thế quan trọng của Việt Nam
Ông lớn điện tử Hàn Quốc Samsung xác định Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất toàn cầu mà còn nhắm đến mục tiêu đưa Việt Nam nắm giữ vị thế cao hơn trong chuỗi cung ứng của gã khổng lồ này.
Samsung tuyên bố muốn đưa Việt Nam trở thành "trung tâm của các trung tâm" nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu của Tập đoàn.
Tuyên bố mới và động thái đáng chú ý này của Samsung được đưa ra tại cuộc gặp giữa người đứng đầu Chính phủ Việt Nam – Thủ tướng Phạm Minh Chính với ông Park Hark Kyu, Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Samsung.
Samsung hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Các dự án lớn của Samsung tập trung tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM. Tính đến nay, Samsung đã đầu tư 18 tỷ USD vào Việt Nam và đang trên đà thực hiện kế hoạch đầu tư kinh doanh với tổng vốn đăng ký được nâng lên thành 20 tỷ USD.
Báo cáo tài chính được công bố thể hiện, năm 2022, doanh thu và xuất khẩu của Samsung đạt tương ứng 73,7 tỷ USD và 65 tỷ USD. Cũng trong năm 2022, lợi nhuận của các nhà máy của Samsung tại Việt Nam khoảng 4,6 tỷ USD, đóng góp tới 30% vào tổng doanh thu của tập đoàn mẹ.
Đáng chú ý, như Sputnik đã đề cập, sản lượng sản xuất điện thoại của Samsung tại Việt Nam chiếm khoảng 50% tổng lượng sản xuất điện thoại của Samsung trên toàn cầuvà Việt Nam cũng là quốc gia “đại bản doanh”, đảm trách lượng điện thoại lớn nhất của Samsung bán ra khắp thế giới. Tính đến tháng 11/2022, tổng số nhân lực của Tổ hợp các công ty Samsung tại Việt Nam là gần 100.000 người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Samsung Electronics
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Samsung giữ đúng cam kết với Việt Nam
Theo cổng thông tin Chính phủ, cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Park Hark Kyu, Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Samsungđược diễn ra hôm qua 13/4.
Phát biểu với ông Park, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả hoạt động kinh doanh của Tổ hợp các Công ty Samsung tại Việt Nam với tiến độ giải ngân nhanh.
Hoạt động đầu tư của Samsung góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng, phát triển công nghệ hỗ trợ, tạo công ăn việc làm, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướngViệt Nam cũng chúc mừng Samsung đã hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2022, hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt đông Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội theo đúng cam kết.
Cần lưu ý rằng, Việt Nam và Hàn Quốc vừa thống nhất nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 5/12/2022 vừa qua, mở ra những cơ hội mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc nói chung cũng như giữa các doanh nghiệp hai nước nói riêng.
Trên cơ sở ấy, Thủ tướng tin tưởng và mong muốn, với cơ sở nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, các kết quả hợp tác đã đạt được và sự tin cậy, chân thành, Samsung sẽ tiếp tục là một trong những ngọn cờ đầu thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước với thêm nhiều dự án mới mang tầm chiến lược, tiếp tục phát huy kết quả hoạt động kinh doanh và mở rộng hoạt động đầu tư, hướng đến những mục tiêu mới cao hơn trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
“Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cùng đồng hành, lắng nghe, đối thoại, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, có các giải pháp phù hợp với tình hình, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Samsung đầu tư kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững tại Việt Nam với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng khẳng định.
Đưa Việt Nam thành “trung tâm của các trung tâm” R&D
Tại buổi tiếp, ông Park Hark Kyu khẳng định Samsung cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
“Samsung xác định Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất toàn cầu, mà còn hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành "trung tâm của các trung tâm" nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu của Tập đoàn”, Giám đốc phụ trách tài chính của Samsung Park Hark Kyu tuyên bố.
Ông Park cũng lưu ý, Samsung đã đạt nhiều kết quả và sẽ tiếp tục nỗ lực để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng khi dự lễ khánh thành Trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội về các giải pháp đào tạo nhân lực để có nhiều hơn nữa người Việt Nam tham gia đội ngũ lãnh đạo Samsung Việt Nam.
Qua đó,nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giá trị sản xuất nội địa và đẩy mạnh hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam.
Theo ông Park, đến nay đã có hơn 2.000 kỹ sư đang làm việc tại Trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội.
Trong khi đó, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung đã tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.
Tại cuộc gặp, Tổng giám đốc Park Hark Kyu và Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã trao đổi về các vấn đề, như thuế tối thiểu toàn cầu, dự báo về tình hình kinh tế ở các nước…
Cùng với đó, ông Park Hark Kyu đề xuất với Thủ tướng một số nội dung về việc khuyến khích sử dụng các sản phẩm "made in Việt Nam".
Ghi nhận, đánh giá cao các đề xuất của Samsung, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã thành lập tổ công tác đặc biệt về thuế tối thiểu toàn cầu để nghiên cứu, phân tích, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng tác động.
Chính phủ Việt Nam tếp tục lắng nghe ý kiến của các bên, tham khảo kinh nghiệm các nước liên quan, sớm trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để có giải pháp phù hợp, tối ưu nhất, thích ứng tình hình, bảo đảm công khai minh bạch, môi trường đầu tư cạnh tranh, hài hoà lợi ích giữa các bên.
Lãnh đạo Samsung một lần nữa bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ và các địa phương suốt thời gian qua, đồng thời, đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam hiện nay.