Gần đây, nhân sự lãnh đạo cấp cao tại nhiều ngân hàng có sự biến động mạnh như MB, LienVietPost, SHB, ACB… nhằm phù hợp với mục tiêu kinh doanh và tình hình thị trường hiện tại. Theo các chuyên gia, việc "thay tướng", "đổi ghế" được kỳ vọng sẽ tạo "làn gió mới" cho các ngân hàng.
Ngân hàng biến động nhân sự
Lãnh đạo, nhân sự cao cấp luôn được xem là vấn đề quan trọng hàng đầu trong các ngân hàng, không chỉ ở Việt Nam.
Chiều 13/4, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đã công bố quyết nghị của hội đồng quản trị về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị MB đối với ông Lê Hữu Đức.
HĐQT MB cũng đồng thời bầu ông Lưu Trung Thái làm Chủ tịch hội đồng quản trị MB trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024.
Đáng chú ý, trước khi được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị, ông Lưu Trung Thái giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc MB.
Được biết, ông Thái sinh năm 1975, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh, Đại học Hawaii, Mỹ và đã có hơn 26 năm gắn bó, làm việc và nắm giữ các vị trí quan trọng tại MB.
Ông Thái đã tham gia hội đồng quản trị MB từ năm 2013, đảm nhận vị trí phó chủ tịch hội đồng quản trị. Giai đoạn 2013-2017, ông Lưu Trung Thái tham gia thực hiện tái cấu trúc các công ty thành viên, góp phần xây dựng hệ sinh thái tập đoàn tài chính với 6 công ty thành viên. Từ tháng 1/2017, ông Lưu Trung Thái đảm nhận vị trí phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc MB.
Cũng trong ngày 13/4, HĐQT MB đã giao nhiệm vụ cho ông Phạm Như Ánh chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành MB, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng Giám đốc.
Ông Phạm Như Ánh sinh năm 1980, thuộc lớp lãnh đạo trẻ của MB, có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng. Tại MB, ông Phạm Như Ánh đã đảm nhiệm nhiều vị trí từ giám đốc chi nhánh, giám đốc khối, phụ trách kinh doanh khu vực phía Nam đến thành viên ban điều hành.
Các thông tin này được công bố ngay trước thềm đại hội cổ đông thường niên của MB, dự kiến được tổ chức vào ngày 25/4 tới.
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa có sự thay đổi nhân sự cấp cao. Theo đó, Hội đồng quản trị SHB thống nhất bầu bổ sung 2 chức danh phó chủ tịch hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2027 với ông Đỗ Quang Vinh và ông Đỗ Đức Hải.
Ông Vinh, không xa lạ gì với nhiều người, sinh năm 1989, tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành tài chính và quản trị tại Anh và có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Ông Đỗ Quang Vinh hiện là thành viên hội đồng quản trị kiêm phó tổng giám đốc SHB. Ông Vinh cũng chính là con trai cả của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), Chủ tịch hội đồng quản trị SHB.
Trong khi đó, ông Đỗ Đức Hải trước khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch hội đồng quản trị SHB cũng là thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc ngân hàng.
Trong khi đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên được tổ chức vào ngày 13/4, Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng bầu hội đồng quản trị và ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028.
Các cổ đông ACB đã bầu 9 thành viên hội đồng quản trị. Các thành viên hội đồng quản trị ACB đã bầu ông Trần Hùng Huy làm chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB.
Ông Trần Hùng Huy là con trai ông Trần Mộng Hùng. Ông Hùng từng là Chủ tịch hội đồng sáng lập ACB, giữ vị trí Tổng Giám đốc ngân hàng này trong 2 năm từ 1993-1994, đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT ACB trong suốt 15 năm từ 1994 đến 2008.
ACB đồng thời thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng 17,2% so với năm 2022, lên 20.058 tỷ đồng.
Một nhà băng ghi nhận biến động nhân sự cấp cao khác là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
LienVietPostBank đã công bố nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua việc thay đổi nhân sự ghế nóng. Cụ thể, ngân hàng này phê duyệt tiếp nhận ông Đoàn Nguyên Ngọc vào làm việc từ 11/4. Ông Ngọc là em rể của ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch LienVietPostBank (Bầu Thuỵ).
Ông Ngọc (sinh năm 1975) từng làm Phó Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm Xuân Thành từ năm 2012 và đảm nhiệm chức Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xuân Thành từ năm 2018.
LienVietPostBank trước đó cũng tiếp nhận ông Nguyễn Văn Thùy vào làm việc từ 30/3. Ông Thùy sinh năm 1981, là em trai của ông bầu Thụy. Ông Thùy cũng từng là nhân sự cấp cao của Bảo hiểm Xuân Thành. Ông làm việc tại đây từ năm 2013 và trở thành chủ tịch hội đồng quản trị từ cuối năm 2015 đến nay.
Từ đầu năm nay, đã có hàng loạt ngân hàng thực hiện thay đổi nhân sự cấp cao. Điển hình, như Sputnik đã thông tin, cuối tháng 1/2023, Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng Sacombank công bố quyết định cho ông Lê Văn Ron thôi nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc ngân hàng kể từ ngày 1/2.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tại kỳ họp đại hội cổ đông bất thường đã bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023. Ông Tùng cũng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Vietcombank từ ngày 30/01/2023.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng mới công bố quyết định giao bà Lê Thị Bích Phượng đảm nhận nhiệm vụ quyền Tổng Giám đốc, thay ông Nguyễn Mạnh Quân kể từ ngày 30/1/2023. Ông Quân sẽ tiếp tục tham gia công tác điều hành ở vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực ABBank.
Trước đó, hồi cuối năm 2022, sau khi SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, NHNN thông tin lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành SCB.
Hôm 15/10/2022, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chính thức công bố thông tin thay đổi người vào Hội đồng quản trị (HĐQT). Theo đó, ông Bùi Anh Dũng không còn là người đại diện pháp luật của SCB kể từ 14/10. Thay vào đó, ông Vũ Anh Đức chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT SCB và là người đại diện pháp luật của SCB.
Ông Vũ Anh Đức sinh năm 1977, Thạc sỹ chuyên ngành Kinh tế phát triển. Trước khi làm Chủ tịch HĐQT SCB, ông Đức từng là Giám đốc Vietinbank TP.HCM. Ngoài thay Chủ tịch HĐQT SCB, NHNN cũng bổ nhiệm 4 thành viên HĐQT SCB mới gồm: ông Phạm Quang Tiến, ông Võ Văn Bửu, ông Trang Nhân Hậu, ông Lý Thành Phương.
"Chuyện bình thường"
Biến động nhân sự thường diễn ra mạnh nhất ngay trước thềm đại hội đồng cổ đông. Thông thường, giới đầu tư và cổ đông rất quan tâm đến biến động nhân sự cao cấp, bởi mỗi lần ngân hàng thay chủ "ghế nóng" sẽ tác động lên giá cổ phiếu của các nhà băng.
Theo chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến các ngân hàng phải "thay tướng" như: do thay đổi nhiệm kỳ, do người tiền nhiệm nghỉ vì nguyên nhân sức khoẻ, thay đổi lớn về chủ sở hữu, do chiến lược kinh doanh.
Mặt khác, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc của tổ chức tín dụng không được kiêm nhiệm chức vụ tương tự ở doanh nghiệp khác. Do đó, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng buộc phải lựa chọn hoặc là ở ngân hàng hoặc chuyển qua doanh nghiệp. Ngoài ra, theo quy định hiện hành của Việt Nam với vị trí nhân sự cấp cao của ngân hàng, ngoài nguyên tắc tiêu chuẩn chung theo luật định thì không cần phân biệt yếu tố chuyên môn, lĩnh vực hoạt động trước đó của nhân sự. Do đó, nhân sự có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực khác cũng có thể đứng đầu ngân hàng.
Nhìn nhận về làn sóng thay đổi "ghế nóng" tại các ngân hàng trong thời gian gần đây, VietnamFinance dẫn ý kiến của chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, sự thay đổi này là tất yếu trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang thực hiện quá trình tái cấu trúc, cùng với những áp lực về nợ xấu và sức ép hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm.
TS. Võ Trí Thành nhận định, sự xáo trộn "ghế nóng" là bình thường trong hoạt động phát triển ngành ngân hàng hiện nay.
Một số chuyên gia ngân hàng lưu ý, dù là nhân sự cấp cao hay nhân viên cơ sở thì việc lựa chọn các nhân sự này đều phải được tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với chiến lược, mục tiêu và định hướng mới của từng ngân hàng.