Cán bộ TP.HCM "làm gì cũng sợ": Liều thuốc nào giải phóng tâm lý công chức?

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trung bình mỗi ngày Bộ phải trả lời TP.HCM hai văn bản, trong khi hầu hết các vấn đề mà thành phố xin ý kiến đều thuộc thẩm quyền của địa phương.
Sputnik
Các ý kiến từ lãnh đạo ngành cho đến cả TP.HCM đều nhận định, đang có tâm lý e dè, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức. Điều này cũng là một trong số những lý do khiến kinh tế TP.HCM đi xuống thời gian qua.

"TP.HCM xin ý kiến cả những việc trong thẩm quyền"

Như Sputnik đã đưa tin, sáng 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ TP HCM, trong bối cảnh kinh tế thành phố chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan, tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chờ hướng dẫn cũng là lý do khiến kinh tế TP.HCM đi xuống thời gian qua.
Ông Dũng cho biết, năm 2022, thành phố có 584 văn bản hỏi ý kiến, và Bộ này đã có 604 văn bản trả lời. Đáng chú ý, hầu hết các vấn đề được hỏi đều thuộc thẩm quyền của thành phố.
"Đây là điều rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy nhau. Trung bình mỗi ngày Bộ phải trả lời cho thành phố hai văn bản, mà chúng tôi còn trăm nghìn việc khác, trong khi trách nhiệm đã được phân công, phân cấp", - ông Dũng nhận định.
Theo ông Dũng, đang có tình trạng cán bộ mang tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chờ hướng dẫn, chưa chủ động, quyết liệt trong thực hiện. Bên cạnh đó, niềm tin của thị trường và tâm lý xã hội cũng là vấn đề lớn, và nếu những vấn đề này không được giải quyết ngay thì TP.HCM khó có thể đột phá trong quý tới.
Chuyện gì đang xảy ra với TP.HCM?
Đồng tình với ý kiến trên, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, tình trạng lo ngại trong thực hiện công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức là có thật. Điều này không chỉ diễn ra tại TP.HCM mà còn có ở nhiều địa phương.

"Không những lo ngại mà còn có thể đánh giá sâu hơn là co cụm, cầu an, thận trọng quá mức để xử lý các công việc chung trong điều hành của thành phố", - lãnh đạo Bộ Công an đánh giá.

Tướng Hùng cho rằng, có những việc đáng lẽ có thể quyết theo thẩm quyền và quy chế, nhưng cán bộ vẫn thận trọng quá mức, lấy ý kiến rất nhiều sở, ban, ngành rồi chờ đợi. Tuy nhiên, khi vấn đề không thuộc phạm vi trách nhiệm thì sẽ rất khó trả lời, mà nếu không trả lời thì cũng không ổn.
"Thời gian chờ để nhận đủ ý kiến của tất cả tổng thể như kiểu đẽo cày giữa đường", - ông Hùng nhận định.
Đại diện Bộ Công an khẳng định không có việc "hình sự hoá hành chính". Theo ông, các vụ việc thời gian qua mà ngành công an xử lý đều đúng quy định pháp luật. Có thể nói, đây là "bài thuốc" để trị căn bệnh tham nhũng.
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay tại TP.HCM là giải phóng được tư tưởng cho cán bộ, lãnh đạo, khắc phục tư tưởng sợ, không dám làm.
"Đang có tình trạng 3 không: không nói; không tham mưu, đề xuất; không triển khai hoặc cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng", - ông Dung nói.
Người đứng đầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất, muốn khắc phục tình trạng này, phải tạo ra môi trường an toàn cho cán bộ.

Giải phóng tâm lý cho cán bộ

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, cần có 3 yếu tố để giải phóng tâm lý cho cán bộ. Theo đó, ngoài tạo môi trường, cơ chế để làm việc quyết liệt hơn, điều quan trọng nhất là xử lý công việc phải đúng thẩm quyền, không lòng vòng, không xin ý kiến trình lên trình xuống.
"Đúng thẩm quyền là làm, còn hỏi không trả lời thì thôi", - ông Khái thẳng thắn.
Đồng thời, trình tự thủ tục cần phân rõ việc nào làm trước, việc nào làm sau, ai ký hồ sơ. Cuối cùng là phải tạo ra cơ chế chính sách cần có để tháo gỡ khó khăn chưa có trong luật.
Về phía TP.HCM, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên thừa nhận, trong những năm qua, thành phố "mất đà" trong tăng trưởng kinh tế. Một bất cập lớn mà địa phương nhận thấy là chất lượng nguồn nhân lực "rất đáng lo ngại". Hệ thống chính trị quá tải, một số nơi thậm chí không đáp ứng yêu cầu. Thêm vào đó là tâm lý e dè, thiếu tính chiến đấu.
Theo ông, Thường trực Thành uỷ đã và đang tổ chức các đoàn đi các địa phương, sở ngành để kiểm tra, giám sát, uốn nắn và hỗ trợ khối nhà nước khi yếu sức. Nếu phát hiện trường hợp yếu kém thì điều chuyển, thậm chí là kỷ luật hoặc cho nghỉ. Tinh thần là "làm nghiêm nhưng không ồn ào".
"Ai chậm trễ, tránh né, trì trệ, sợ sai phạm, không dám làm, cầu an, thận trọng quá mức thì đều báo cáo để thay đổi", - ông Nên nói.
Chỉ một câu nói của Thủ tướng đã tiết lộ tầm quan trọng của kinh tế TP.HCM
Người đứng đầu Thành uỷ TP.HCM đề nghị Chính phủ cần sớm có nghị định để thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm để cán bộ công chức yên tâm hành động, vào cuộc quyết liệt, vì lợi ích chung.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc, động viên người dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, đề nghị thành phố cần xử lý dứt điểm tồn đọng liên quan cán bộ, điều chỉnh, sắp xếp phù hợp người với năng lực và nhiệt huyết.

"Cán bộ cần tránh hai khuynh hướng: sợ trách nhiệm, không dám làm, hoặc để xảy ra tiêu cục, tham nhũng", - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thảo luận