Theo Chứng khoán VNDirect, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là một trong những chỉ tiêu quan trọng khi đánh giá về hoạt động an toàn và quản trị rủi ro của các ngân hàng.
Hệ số CAR được tính theo thông tư số 41 tiếp cận chuẩn mực quốc tế Basel II, được quy định tối thiểu là 8%. Theo đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025", ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2023 tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 - 12%.
Tại thời điểm này, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã vượt xa mục tiêu trên, đạt mức 2 con số, góp phần quan trọng gia tăng bộ đệm về chỉ tiêu an toàn của ngân hàng.
Theo ghi nhận tại Việt Nam, Techcombank là ngân hàng đứng đầu về chỉ số CAR, ở mức 15,2% - cao nhất hệ thống ngân hàng và gần gấp đôi mức yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước quy định tại Thông tư 41 (Basel II).
Đáng chú ý, Techcombank đã duy trì hệ sộ này trên 15% trong 16 quý liên tiếp.
Mặc dù, hệ số CAR cao có thể ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả sử dụng vốn của nhà băng, bởi thiên về chủ động phòng thủ cho an toàn vốn hơn là đẩy mạnh sử dụng vốn. Tuy nhiên, đây cũng là sự bảo đảm cho năng lực của ngân hàng trong việc đáp ứng các khoản nợ phải trả có thời hạn và các rủi ro khác như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động và các rủi ro khác.
Theo các chuyên gia tài chính, ở một khía cạnh khác, CAR càng cao thì mức độ bảo vệ tài sản của người gửi tiền càng cao, cũng như mức độ bảo vệ tài sản ngân hàng và lợi ích cổ đông. Giá trị này càng trở nên nổi bật và cần thiết, khi môi trường hoạt động và nền kinh tế bộc lộ những biến động tiềm ẩn rủi ro; đặc biệt hiện nay với xáo trộn lớn trên thị trường tài chính thế giới, lạm phát leo thang tại nhiều nền kinh tế lớn, cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn kéo dài…