Trước đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được tuyên bố đã bỏ trốn ngày 19/6/2021. Hiện vẫn chưa xác định bà Nhàn AIC đang trốn ở đâu.
Bà Nhàn AIC đã thay đổi quốc tịch Việt Nam chưa?
Vấn đề quốc tịch của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) đang được chú ý.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 19/4, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực (Bộ Tư pháp) đã trả lời câu hỏi của truyền thông liên quan đến vấn đề quốc tịch của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, đến nay Bộ Tư pháp Việt Nam vẫn chưa nhận được bất kỳ một thông tin nào do địa phương chuyển lên có liên quan đến vấn đề quốc tịch của bà Nhàn.
"Đến thời điểm này chúng tôi chưa có thông tin nào chi tiết hơn", - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực trả lời về việc bà Nhàn AIC đã thay đổi quốc tịch Việt Nam hay chưa.
Quốc tịch của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Tính đến thời điểm hiện tại, các công bố chính thức từ phía Việt Nam hay tại bản án hồi tháng 1 được Toà án nhân dân TP. Hà Nội tuyên, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đang mang quốc tịch Việt Nam.
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, ngày 10/5/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC).
Thông báo truy nã thể hiện, căn cứ Quyết định khởi tố bị can của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn (sinh ngày 22/8/1969 tại Bắc Ninh), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), đồng thời xác minh bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bỏ trốn.
Cùng với đó, căn cứ Điều 36 và Điều 231 Bộ luật Tố tụng Hình sự; ngày 10/5/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định truy nã đối với bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
"Giới tính: Nữ; Tên gọi khác: Không; Quê quán: Thuận Thành, Bắc Ninh; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không", - mô tả trong thông cáo truy nã của Bộ Công an cho biết.
Đặc điểm nhận dạng của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được Bộ Công an đề cập là có sẹo chấm cách 4,5 cm sau cánh mũi trái.
Nghề nghiệp: Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc Tế (Công ty AIC). Số CMND/Thẻ CCCD/Hộ chiếu: 001169009999; cấp ngày 23 tháng 9 năm 2019; Nơi cấp: Cục Cảnh sát ĐKQL cư trú và DLQG về dân cư, Bộ Công an.
Nơi thường trú: Căn hộ 1102, chung cư Pacific Place, số 83B phố Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Nơi ở hiện tại: Căn hộ 1709-1710, chung cư Pacific Place, số 83B phố Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Họ tên bố: Nguyễn Văn Mỹ; Họ tên mẹ: Nguyễn Thị Hy. Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã vi phạm tội danh vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Bộ Công an cho biết, Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bỏ trốn ngày 19 tháng 6 năm 2021. Chỗ ở trước khi trốn: Căn hộ 1709-1710, chung cư Pacific Place, số 83B phố Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Tiếp đó, để phục vụ công tác điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ…" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan, cơ quan điều tra đã yêu cầu bà Nhàn và 7 người khác đang bỏ trốn đến Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an hoặc cơ quan công an nơi gần nhất đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng.
Ngoài bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, 7 người đang bỏ trốn trong vụ án này gồm Trần Mạnh Hà - Phó tổng giám đốc Công ty AIC; Đỗ Văn Sơn - nguyên kế toán trưởng AIC; Nguyễn Thị Sen - nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị y tế và môi trường; Nguyễn Thị Tích - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mopha; Ngô Thế Vinh - Giám đốc Công ty TNHH kinh doanh trang thiết bị y nha khoa Việt Tiên; Nguyễn Đăng Thuyết - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội; Đỗ Mỹ Hạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quốc tế Cát Vân Sa.
Xử vắng mặt
Hôm 4/1/2023, TAND TP Hà Nội đã xét xử vắng mặt và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn 30 năm tù trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC) và dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Bản án thể hiện, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã tiếp xúc với các lãnh đạo Đồng Nai xin giúp đỡ, cho Công ty AIC tham gia và trúng thầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai dù biết không đủ năng lực tài chính để tham gia.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn sau đó chỉ đạo nhân viên thông đồng với chủ đầu tư và các đơn vị lập hồ sơ thầu theo hướng giúp Công ty AIC trúng thầu. Qua đó, AIC tham gia rồi trúng 16 gói thầu một cách trái phép tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại 152 tỷ đồng.
Cùng với đó, quá trình làm việc tại Đồng Nai, bị cáo Nhàn và cấp dưới đã hối lộ Bí thư Đồng Nai lúc đó là ông Trần Đình Thành 14,5 tỷ đồng; Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh) 14,5 tỷ đồng và Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc bệnh viện Đồng Nai) 14,8 tỷ đồng. Bị cáo Bồ Ngọc Thu cũng được lại quả 1 tỷ đồng.
Tòa xác định bị cáo Nhàn đã phạm các tội đưa hối lộ và vi phạm đấu thầu với vai trò cầm đầu, chủ mưu và chịu tình tiết tăng nặng là đã bỏ trốn. Dù vậy, sau khi tuyên án, TAND TP Hà Nội nhận được đơn kháng cáo của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, dù bị cáo đang bị truy nã quốc tế.
Đơn do luật sư của bà Nhàn kháng cáo thay với nội dung cho rằng cơ quan tố tụng điều tra chưa đầy đủ, chưa chứng minh được bà này là chủ mưu vụ án.
Liên quan đến trường hợp của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học trước đó khẳng định, dù cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn ra nươc ngoài thì vụ án vẫn xét xử theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Dẫn lại phát biểu của Tổng Bí thư: "Dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của luật pháp".
Ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã giao các cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu những quy định luật pháp để truy tố, xét xử các bị can, bị cáo theo đúng quy định của pháp luật.
"Nếu bị can, bị cáo trốn ra nước ngoài mà quy định của luật pháp có thể xử vắng mặt thì vẫn có thể xử vắng mặt", - ông Học dẫn khoản 2 Điều 290 Bộ Luật Tố tụng hình sự nêu rõ.
Tại khoản 2 Điều 290 quy định, tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp, trong đó có "bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả".
Do vậy, đối tượng vi phạm pháp luật đã tiến hành khởi tố, điều tra mà đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài, việc truy nã không có kết quả, nếu có đầy đủ cơ sở, chứng cứ thì cơ quan hữu quan tại Việt Nam vẫn có thể vận dụng quy định của luật pháp để xử lý nghiêm minh.