Thương hiệu quốc gia vượt 400 tỷ USD, Việt Nam có tiềm năng kinh tế ngang Singapore

Việt Nam là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, được định giá 431 tỷ USD năm 2022.
Sputnik
Tuy nhiên, theo ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương, cần phải để thương hiệu Việt Nam thoát ra khỏi "vùng an toàn" và vươn tầm quốc tế bởi nếu so sánh, Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế ngang bằng với Singapore.

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới

Sáng ngày 20/4/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Đại học RMIT và các đối tác trong nước, quốc tế tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023 mang chủ đề “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh”.
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam diễn ra từ ngày 17 - 23/4. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023, nhằm hướng tới kỷ niệm ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4.
Qua đó, tăng cường nhận biết Thương hiệu quốc gia Việt Nam và quảng bá giới thiệu các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã được Chính phủ công nhận tới cộng đồng xã hội trong nước và quốc tế.
Khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành triển khai, nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Qua 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, chương trình cũng luôn đồng hành, hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với chất lượng cao của mình.
“Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia và là Thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.
Taxi Xanh SM thuần điện đầu tiên của Việt Nam chính thức vận hành

Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 431 tỷ USD

Cụ thể, theo báo cáo từ Brand Finance, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 tăng 29,1% so với năm 2019, đạt mức 319 tỷ USD; năm 2021 tăng 21,6% so với năm 2020 (388 tỷ USD); năm 2022 tăng 11,1% so với năm 2021 (431 tỷ USD).
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ, với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp.
“Kết quả là, trong Top 50 Thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam năm 2022, có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam”, ông Khánh vui mừng nói.
Theo Thứ trưởng, nếu như năm 2018, mới có 14 doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong Top 50, chiếm tỷ trọng 28%; thì sau 5 năm con số này đã tăng lên 21 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 42%.
Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu.
Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2022.
Kết quả trên cho thấy, các thương hiệu hàng đầu Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, nhờ đó nâng cao vị thế vững chắc trong bảng xếp hạng.
“Đồng thời, kết quả cũng chứng tỏ các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu là đầu tư vào giá trị thương hiệu, góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.

Xây dựng sức mạnh mềm cho Việt Nam

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý, Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023 với chủ đề “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh” được Bộ Công Thương tổ chức ngày hôm nay trong bối cảnh Việt Nam đã bình thường hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới phục hồi kinh tế và tăng trưởng mạnh mẽ sau hai năm bị đứt gãy do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ông Khánh mong các đại biểu tham gia tích cực vào phiên thảo luận để có thể đưa ra những kiến nghị, đề xuất có giá trị, khả thi, giúp tham mưu cho Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có những giải pháp định hướng cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong thời kỳ mới.
Thương hiệu quốc gia Việt Nam trị giá 431 tỷ USD, tăng nhanh nhất thế giới
Đề cập đến mối liên hệ giữa thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia, ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương đặt vấn đề:
“Chúng ta muốn mọi người nghĩ gì về Việt Nam? Nhất là xây dựng sức mạnh mềm cho Việt Nam như thế nào?”.
Theo Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương, các trụ cột cơ bản trong xây dựng sức mạnh mềm ở Việt Nam gồm kinh doanh, thương mại; quản trị; quan hệ quốc tế; văn hóa di sản; truyền thông; con người và giáo dục; tương lai bền vững…

Tiềm năng kinh tế ngang Singapore

Đặc biệt, theo đại diện Brand Finance, Việt Nam đặt trong thế so sánh với các quốc gia trong khu vực được đánh giá là có tiềm năng phát triển kinh tế không thua kém Singapore.
“Mặc dù Việt Nam mới đang xếp ở tầm giữa về mặt kinh tế và sự ổn định, nhưng điều đáng chú ý là tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam ngang bằng với Singapore”, ông Haigh nói.
Khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023
Chuyên gia cũng lưu ý, khi nói về người dân, quốc gia Việt Nam có tinh thần khởi sự kinh doanh rất tích cực và đây là điều thuận lợi.
“Cần tập trung xây dựng hình ảnh Việt Nam là nơi dễ tiếp cận cho doanh nghiệp quốc tế, đồng thời thúc đẩy xây dựng thương hiệu Việt Nam mang tầm quốc tế”, ông Alex Haigh khuyến nghị.
Thêm nữa, Top 10 thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ tập trung trong nước nên ông Alex Haigh cho rằng vấn đề đặt ra là làm thế nào để thương hiệu Việt Nam thoát ra khỏi "vùng an toàn" và vươn ra tầm quốc tế.
Chuyên gia cho rằng: “Hiện nay thương hiệu Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có mức độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu về giá trị, nên đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy quốc tế hóa thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia Việt Nam”.
Thảo luận