Trước các lệnh cấm phi lý mà Trung Quốc đã liên tục áp đặt trong nhiều năm qua, ngư dân Việt Nam vẫn kiên cường bám biển, giữ gìn ngư trường truyền thống của đất nước, qua đó góp phần đập tan mưu đồ độc chiếm Biển Đông của quốc gia phương Bắc.
Lệnh cấm thường niên từ năm 1999 của Trung Quốc
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã ban hành “lệnh cấm đánh bắt cá thường niên” 2023, áp dụng trên 4 vùng biển xung quanh nước này là Biển Đông, biển Hoa Đông, Bột Hải và Hoàng Hải.
Theo thông báo trên trang Xinde Marine News, “lệnh cấm” tại Biển Đông sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 12h trưa ngày 1/5 đến 12h trưa 16/8/2023, trên phạm vi trùm khắp vùng biển từ vĩ tuyến 12 đến phía bắc đảo Đài Loan.
Kể từ năm 1999 đến nay, Trung Quốc đều ban hành lệnh cấm đánh bắt cá hằng năm tại Biển Đông trong thời gian 3 tháng. Nước này lấy lý do ban hành “lệnh cấm” để duy trì nguồn hải sản bền vững và cải thiện môi trường.
Cùng với lệnh cấm, Bắc Kinh còn điều một lượng lớn tàu ngư chính, hải giám tăng cường hoạt động trong khu vực Biển Đông để kiểm soát, tịch thu tàu thuyền, trang thiết bị những tàu đánh cá mà Trung Quốc cho là vi phạm lệnh cấm của họ.
Trên thực tế, các nước đều có kế hoạch cấm đánh bắt cá hàng năm vào mùa vụ cá sinh sản, cá đẻ và cá di cư, với thời gian và vùng cấm của mình để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. diện tích vùng cấm sẽ khác nhau tùy theo điều kiện địa lý, thủy văn tự nhiên của mỗi nước nhưng điều quan trọng nhất là phải trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước đó. Đây là việc rất bình thường theo quy định của Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Tuy nhiên, Trung Quốc là một ngoại lệ. Nước này luôn đưa ra lệnh cấm một cách phi lý và phi pháp. Không chỉ cấm đánh bắt cá trong vùng biển của mình, Bắc Kinh còn cấm đánh bắt cá trong vùng biển của cả các nước khác trong khu vực.
Như với lệnh cấm vừa rồi, đối chiếu trên bản đồ, có thể thấy khu vực mà Trung Quốc áp đặt lệnh cấm bao trùm cả một số vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.
Với lệnh cấm này, ngư dân Việt Nam bỗng nhiên phải tuân theo luật pháp của nước khác, mà nếu không chấp hành thì phải đối mặt với nguy cơ bị tịch thu tàu thuyền, thiết bị và số cá đánh bắt được.
Phía Việt Nam lên tiếng phản đối
Liên quan vấn đề này, tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 20/4, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh:
“Lệnh cấm đánh bắt cá này đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế được xác lập theo UNCLOS 1982”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố.
Phía Việt Nam khẳng định lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là “trái phép”, đồng thời yêu cầu Trung Quốc “tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam và không làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.
Ngoài Bộ Ngoại giao, nhiều cơ quan của Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối những lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương từ Trung Quốc. Năm ngoái, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam đã bày tỏ phản đối lệnh cấm, khẳng định hành động đơn phương, lặp lại và phi lý của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh, việc chính quyền Bắc Kinh ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông lặp lại hàng năm và kéo dài đã làm gia tăng nguy cơ đụng độ giữa tàu cá của ngư dân Việt Nam với hải cảnh Trung Quốc, cản trở hoạt động bình thường của tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng phản đối mạnh mẽ và có biện pháp ngăn chặn lệnh cấm phi lý của Trung Quốc, bảo vệ tài nguyên, nguồn lợi thủy sản đặc trưng cho từng khu vực biển, bảo vệ an toàn cho ngư dân Việt Nam khi hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; góp phần giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Ngư dân kiên cường bám biển
Với tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hơn 90% diện tích Biển Đông khi đưa ra “đường 9 đoạn” hình chữ U (đường lưỡi bò) trên bản đồ của họ, cắt vào các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam và Indonesia.
Nhằm thực hiện mưu đồ này, Trung Quốc đã áp dụng mọi biện pháp có thể, trong đó có việc áp đặt lệnh đánh bắt cá thường niên. Trước hết, Trung Quốc muốn cho thế giới thấy rằng mình vẫn đang thực thi chủ quyền một cách liên tục trong vùng biển “đường 9 đoạn”, mặc cho yêu sách này đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ từ năm 2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.
“Trung Quốc muốn năm nào cũng đưa ra một tuyên bố, một lệnh cấm đánh bắt cá như vậy, tức là một cách để Trung Quốc hỗ trợ và đẩy mạnh cái gọi là “quyền lịch sử” của mình”, Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, nhận định.
Đây là một cách để Trung Quốc hỗ trợ các nền tảng pháp lý sau này cho “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh đã tuyên bố. Thêm vào đó, bởi vì khu vực cấm đánh bắt cá nằm trong “đường 9 đoạn”, nên nếu tuân theo lệnh này, các nước coi như thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trong vùng biển mà nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Nếu các nước không có biện pháp đối phó, để tàu, thuyền đánh cá của mình bị các lực lượng hải quân, hải cảnh, dân quân biển (hay tàu cá có vũ trang) của Trung Quốc đe dọa, va đâm mà từ bỏ ngư trường, thì Bắc Kinh sẽ dần chiếm thế thượng phong, từng bước thể chế hóa sự quản lý các vùng biển của nước khác theo yêu sách “đường 9 đoạn”.
Như vậy, có thể thấy, sự kiên cường vươn khơi, bám biển của ngư dân, nhất là ở ở các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là hành động góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngay cả trong những lần Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp ở Biển Đông, các ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục vươn khơi bám biển, giữ ngư trường của đất nước.
Ai cũng hiểu âm mưu của Bắc Kinh là gây sức ép về tâm lý với ngư dân các nước để cứ đến tháng 5 là không vào Biển Đông khai thác hải sản. Nếu tuân theo lệnh đó nghĩa đã từ bỏ những ngư trường truyền thống của mình, qua đó giúp Trung Quốc chiếm ưu thế về mặt pháp lý trên Biển Đông.
Trong những năm qua, Chính phủ đã hậu thuẫn cho ngư dân bằng các chính sách như tăng cường đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá; thúc đẩy hoạt động của chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến thủy sản; triển khai ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong khai thác, bảo quản và chế biến thủy sản; trang bị cho tàu cá của ngư dân thiết bị thông tin liên lạc để có thể đánh bắt dài ngày, xa bờ…
Các cơ quan chấp pháp Việt Nam (cảnh sát biển, hải quân...) luôn hỗ trợ, can thiệp kịp thời khi ngư dân bị tàu chấp pháp nước ngoài xua đuổi hoặc bắt giữ ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền đất nước, mà luật pháp quốc tế hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đối với lệnh cấm đánh bắt cá thường niên 2023 của Trung Quốc, Ủy ban nhân dân các tỉnh có hoạt động nghề cá đã động viên ngư dân bám biển, tiếp tục duy trì sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam.
Đồng thời hướng dẫn tổ chức thành đoàn, đội khi đi khai thác, đánh bắt hải sản để hỗ trợ nhau trên biển, kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng về những hành vi vi phạm của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam.