Bất ngờ với báo cáo bình quân thu nhập tháng của người lao động Việt Nam

Trong quý đầu năm 2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động Việt Nam đạt 7,9 triệu đồng, tăng gần 600.000 đồng so với cùng kỳ 2022.
Sputnik
Cũng trong quý 1/2023, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm cũng đều giảm đi so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu nhập bình quân của người lao động tăng trong quý 1/2023

Ngày 21/4, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội gửi Uỷ ban Kinh tế Quốc hội. Trong báo cáo, Bộ đánh giá tình hình lao động, việc làm 3 tháng đầu năm đã phục hồi tích cực.
Theo đó, thu nhập bình quân tháng của lao động đạt khoảng 7,9 triệu đồng, tăng 204.000 đồng so với cuối năm 2022 và 578.000 đồng cùng kỳ năm ngoái. Đây là số liệu được cập nhật, có tăng so với mức 7 triệu đồng mà Tổng cục Thống kê công bố hồi cuối tháng 3.
Việt Nam khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thông tin trước khi xuất khẩu lao động
Tỷ lệ thất nghiệp trong quý 1 vào khoảng 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý cuối năm 2022 và 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ thiếu việc làm giảm 1,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ, đạt 1,94%.
Trong tháng 3 vừa qua, Việt Nam lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch việc làm trực tuyến toàn quốc, nhằm giúp người lao động bị mất việc, giảm giờ làm kết nối với doanh nghiệp.
Trước đó, Tổng cục Thống kê cho biết, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn 1,3 lần so với nữ. Thu nhập của lao động ở thành thị cao hơn khu vực nông thôn trên 1,4 lần. Tuy nhiên, thu nhập tăng không đều ở các ngành kinh tế.

Đơn hàng giảm, xuất khẩu khó khăn

Trong báo cáo, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, năm 2022 tăng thêm một chỉ tiêu không đạt so với mục tiêu Quốc hội giao và báo cáo tại kỳ họp cuối năm 2022. Như vậy, năm vừa qua có 2/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội không đạt, cụ thể là tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo (24,76%) và tốc độ tăng năng suất lao động (4,8%).
Bộ Kế hoạch & Đầu tư lý giải, các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư đối mặt khó khăn gia tăng từ nửa đầu Quý IV/2022. Giá xăng dầu, nguyên liệu, vật tư đầu vào đều biến động mạnh.
Ngoài ra, xuất khẩu rơi vào khó khăn khi đơn hàng, các thị trường lớn, truyền thống bị thu hẹp do sức cầu giảm. Đồng thời, năng lực nội tại, tính tự chủ nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Điều này đã tạo sức ép rất lớn lên tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm 2022.
'Tức nước vỡ bờ': Người lao động Phú Thọ đình công hàng loạt
Trong quý đầu năm 2023, chế biến và chế tạo, vốn lĩnh vực chiếm chỉ số trọng yếu trong sản xuất công nghiệp, tiếp tục đà giảm 2,4% (trong khi cùng kỳ tăng 7,3%). Một số ngành công nghiệp chế biến chủ lực, như dệt may, da giày, sản phẩm điện tử, máy tính giảm sản xuất từ 2% đến 8%.
Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý 1/2023, có khoảng 39% doanh nghiệp trong lĩnh vực này giảm sản xuất đơn hàng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, đơn hàng dệt may, da giày, đồ gỗ giảm 15-20%; xuất khẩu thủy sản giảm hơn 20% so với cùng kỳ.
Thảo luận