Phiên họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại Nhà nước có nội dung chính là để bàn về các giải pháp giảm lãi suất cho vay, tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới.
Theo Thủ tướng, trong lúc người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành và sử dụng hết các công cụ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ, trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro".
Ngoài thực hiện các chính sách đã có, lãnh đạo Chính phủ nói cần "nghiên cứu các chính sách mới, đột phá để các thị trường có thêm nguồn lực, động lực phát triển cả phía cung - cầu".
Thực tế, cuối tháng 3, mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng của các nhà băng giảm nhẹ, nhưng vẫn quanh 8-9% một năm. Với mức lãi đầu vào này, lãi suất cho vay ra của các ngân hàng phổ biến 10-12% một năm, thậm chí có nhà băng kéo lên 13-14% một năm. Các doanh nghiệp cho rằng, lãi vay như vậy là quá cao trong bối cảnh sụt giảm sản xuất, đơn hàng.
Còn lãi suất cho vay bằng đồng USD, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, hiện trên 4%, tức tăng 1,7-1,9% so với trước. Vì thế việc hạ lãi suất, các doanh nghiệp cho rằng sẽ giúp họ có nguồn lực trong lúc khó khăn này.
Bên cạnh đó, vốn cũng đang là điểm nghẽn của nhiều lĩnh vực sản xuất như thuỷ sản, dệt may, gỗ trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, các thị trường xuất khẩu chính giảm cầu do lạm phát, suy thoái kinh tế.
Chẳng hạn, ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản giảm 27,5% - tương đương mức giảm trong giai đoạn Covid-19 bùng phát nặng nhất, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP). Dự báo ngành này tiếp tục đối diện khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm mạnh.
Xuất khẩu giảm khiến dòng tiền về chậm. Nhưng vốn tín dụng hạn hẹp khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cạn tiền mua nguyên liệu.
Từ những tồn đọng này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng phải sử dụng hết công cụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý đối với thị trường tài chính, trái phiếu và bất động sản và giám sát việc thực thi đảm bảo "việc gì, ở đâu, ai làm, bao giờ hoàn thành".
Cụ thể, với thị trường tài chính, Thủ tướng yêu cầu cơ quan quản lý đưa ra hướng dẫn với các tổ chức tín dụng, bảo đảm thực hiện hiệu quả, đúng quy định pháp luật và an toàn hệ thống. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách theo quy định, hạn chế rủi ro, không để xảy ra tình trạng thất thoát, lạm dụng, vi phạm pháp luật. Đặc biệt là việc giảm lãi suất huy động và cho vay, bảo đảm cân đối, hài hoà giữa tỷ giá và lãi suất, giữa lãi suất và lạm phát, tăng khả năng tiếp cận vốn, hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp.
Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng cần có các công cụ, phương pháp để doanh nghiệp phát hành trái phiếu có điều kiện, khả năng thanh toán cho trái chủ theo đúng quy định, tăng cường niềm tin của thị trường. Trong đó, Bộ Tài chính cần chủ động thảo luận với doanh nghiệp phát hành và trái chủ để có tiếng nói chung trên nguyên tắc lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.
Với các ngân hàng thương mại Nhà nước, Thủ tướng cho rằng đây là nhóm ngân hàng chiếm tỉ lệ lớn trong tổng lượng tín dụng của nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng này cần đóng vai trò dẫn dắt, điều tiết thị trường, tạo động lực giảm lãi suất cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ nền kinh tế.
Theo đó, các nhà băng cần tiếp tục giảm chi phí đầu vào bằng các biện pháp như đổi mới công nghệ, quản trị, tăng cường chuyển đổi số… từ đó giảm lãi suất huy động và cho vay. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng phải có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với từng đối tượng cụ thể, hướng tín dụng vào đúng vào địa chỉ, lĩnh vực cần thiết.
Với thị trường bất động sản, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp để hoàn thành các dự án khả thi. Đồng thời, khẩn trương giải quyết các thủ tục về hành chính như cấp đất, định giá đất, quy hoạch… Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các doanh nghiệp phải cơ cấu lại phân khúc bất động sản, thay vì đầu tư vào các phân khúc cao cấp phải đầu tư cho các phân khúc có giá trị thấp hơn, tận dụng chính sách ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, giảm giá bán sản phẩm.
"Chính phủ kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có hoạt động nghiệp vụ của các ngân hàng", Thủ tướng khẳng định.